7 DNNN lỗ phát sinh hơn 23.500 tỷ đồng

Tổng số lỗ phát sinh năm 2023 của 7 DNNN là 23.550 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát sinh lỗ lớn là 23.530 tỷ đồng, 6 doanh nghiệp còn lại lỗ 20 tỷ đồng.

 

Lũy kế đến hết năm 2023, EVN ghi nhận lỗ lũy kế lên 50.600 tỷ đồng.
Lũy kế đến hết năm 2023, EVN ghi nhận lỗ lũy kế lên 50.600 tỷ đồng.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo về kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động năm 2023 đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Số liệu này được tổng hợp từ 143 doanh nghiệp khối trung ương, dựa trên cơ sở báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và các doanh nghiệp. 

Theo báo cáo, trong số 143 doanh nghiệp có 136 doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Còn lại 7 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, đó là Công ty TNHH Thiết bị giáo dục nghề nghiệp lỗ phát sinh 82 triệu đồng, Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long lỗ 15 tỷ đồng, Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp lỗ 639 triệu, Công ty TNHH MTV Hà Thành lỗ 276 triệu đồng, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch lỗ 339 triệu đồng, Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương lỗ 4,6 tỷ đồng. EVN phát sinh lỗ lớn là 23.530 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ Tài chính, tổng số lỗ lũy kế đến hết năm 2023 là 53.400 tỷ đồng. Trong đó, EVN ghi nhận lỗ lũy kế lên 50.600 tỷ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) lỗ lũy kế 1.930 tỷ đồng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ lũy kế 884 tỷ đồng.

Mặc dù 2 lần tăng giá điện trong một năm nhưng năm 2023, EVN vẫn lỗ sau thuế 26.772 tỷ đồng, trước đó năm 2022 đã lỗ 20.747 tỷ đồng. Trong tháng 5/2024, EVN còn được ban hành cơ chế điều chỉnh giá điện trong 3 tháng theo Quyết định 05/2024 QĐ-TTg so với 6 tháng trước đây.

Sau 2 năm lỗ liên tiếp, nửa đầu năm 2024, “ông lớn” ngành điện lực gánh lỗ thêm 8.000 tỷ đồng và kỳ vọng cải thiện tình hình kinh doanh trong nửa cuối năm. Lãnh đạo EVN cho rằng những khó khăn của tập đoàn trong cân đối tài chính thời gian qua do những yếu tố khách quan.

Minh Châu

Theo Tài chính doanh nghiệp