733 nhân viên phục vụ tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Ngày 6/11, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội sẽ bàn giao tiếp nhận dự án, có 733 nhân viên phục vụ tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông.

Chiều 4/11, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo cung cấp thông tin, kế hoạch bàn giao, khai thác vận hành giai đoạn đầu Dự án Đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông.

Tại cuộc họp báo, thông tin về thời gian khai thác vận hành, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: Đúng 7h ngày 6/11, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội sẽ bàn giao tiếp nhận dự án.

Ngay sau lễ bàn giao, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ chính thức khai thác thương mại chở khách. Trong 15 ngày đầu, tuyến đường sắt sẽ phục vụ miễn phí. Sau thời gian trên, trong 6 tháng tiếp theo, tuyến đường sắt này sẽ vận hành 6 đoàn tàu, với thời gian giãn cách khoảng 15 phút/chuyến. 6 tháng tiếp theo đó sẽ vận hành 9 đoàn, khoảng 10 phút/chuyến.

Từ ngày 6/11, dự án hoạt động vận hành giai đoạn đầu, thời gian khai thác một năm. Sau một năm sẽ đánh giá và tiếp chuyển sang giai đoạn khai thác bền vững.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đồng chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Bộ GTVT  
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đồng chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Bộ GTVT  

Cũng tại cuộc họp báo, giải thích lý do dự án Cát Linh-Hà Đông được thiết kế và sử dụng theo công nghệ Trung Quốc nhưng đánh giá lại theo công nghệ của châu Âu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tiêu chuẩn thiết kế của dự án đường sắt đô thị ở Việt Nam hiện chưa có, mới chỉ có tiêu chuẩn về thi công, khai thác. Bộ GTVT mới chỉ ban hành Thông tư về khai thác. Trong quá trình thực hiện theo khung tiêu chuẩn chung, cái gì không có thì dựa theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, nhưng tiêu chuẩn của Trung Quốc cũng dựa theo châu Âu. Đơn vị châu Âu đánh giá tiêu chuẩn an toàn: Việc đánh giá trên cơ sở thiết kế của dự án chứ không đánh giá theo tiêu chuẩn của châu Âu.

Ngay từ đầu các tiêu chuẩn đã không đồng bộ, vì vậy việc thực hiện có nhiều khó khăn. Việc này rút ra được nhiều kinh nghiệm cho các dự án sau này.

Trong quá trình chuẩn bị đầu tư chưa tốt nên việc thực hiện đã phải điều chỉnh nhiều. Trong tương lai, các dự án trong đô thị phải tách riêng dự án giải phóng mặt bằng và thi công, để đảm bảo tiến độ của dự án.

Dự án xây dựng có tính chất trọn gói chưa đồng bộ. Dự án ODA thực hiện theo hợp đồng FIDIC, EPC nhưng các tiêu chuẩn ở Việt Nam chưa có quy định chi tiết, chưa phù hợp nên gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi về các phát sinh, vướng mắc trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, ông Vũ Hồng Phương - Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT, đại diện chủ đầu tư) cho hay, tới nay quá trình triển khai có xảy ra vướng mắc do cách hiểu khác nhau về quy định, định nghĩa trong hợp đồng, nhưng chưa tới mức tranh chấp phải khiếu nại, chưa phải đưa ra Trọng tài quốc tế.

Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Metro Hà Nội (đơn vị tiếp nhận khai thác, vận hành dự án) thông tin, tổng số nhân sự phục vụ vận hành khai thác đường sắt Cát Linh-Hà Đông là 733 nhân viên đã được đào tạo, cấp chứng chỉ nghề. Dự án đã được cấp chứng nhận an toàn hệ thống. Các đoàn tàu đã được cấp chứng nhận đăng kiểm, sau khi bàn giao, đơn vị khai thác vận hành sẽ làm thủ tục đăng ký phương tiện theo quy định.

Về thời gian hoạt động, đường sắt Cát Linh-Hà Đông mở cửa từ 5h30 và đóng vào 20h hàng ngày. Trong tuần đầu tiên khai thác 15 phút/chuyến, sang tuần thứ 2 là 10 phút/chuyến. Trường hợp đông khách sẽ điều chỉnh để phù hợp biểu đồ để đạt hiệu quả.

Khi khai thác thương mại, mở từ 5h30 sáng và kết thúc 22h30; giờ bình thường vận hành 10 phút/chuyến, còn giờ cao điểm 6 phút/chuyến.

Giá vé được xây dựng trên cơ sở khuyến khích người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng và được phê duyệt, được cài đặt vào phần mềm trên máy bán vé. Cụ thể, giá vé lượt dựa theo số ga đi, với mức: 7.000-15.000 đồng/vé, vé ngày 30.000 đồng/vé trên toàn tuyến. Vé tháng gồm 2 loại: 200.000 đồng/tháng/vé phổ thông(không định danh), vé ưu tiên 100.000 đồng/tháng, vé tập thể được giảm... Việc áp dụng ưu đãi, giảm giá vé được thực hiện theo quy định chung.

Về kết nối xe buýt, ông Trường cho biết dọc tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông có 55 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt này từ năm 2020.

Ga đầu Cát Linh và ga cuối Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt, ga ít nhất 7 tuyến. Trong tương lai sẽ có 59 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Cả 12 ga đều bố trí điểm trông giữ xe đạp, xe máy dành cho người dân đi tàu.

Trước đó, ngày 29/10 vừa qua, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư để đưa tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào khai thác giai đoạn đầu.

Dự án đướng sắt tuyến Cát Linh-Hà Đông là một trong 8 tuyến đường sắt đô thị tại TP Hà Nội. Đây là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008.

Dự án có chiều dài 13,05km, với 12 nhà ga và 13 đoàn tàu; quy mô thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1435 mm. Tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác là 35km/h; đầu tư từ vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và đối ứng trong nước. Tổng mức đầu tư (điều chỉnh) là 18.001,5 tỷ đồng, tăng hơn 9.231 tỷ đồng so với mức ban đầu.

Minh Thái

Theo Đất Việt