Bàn giao đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho Hà Nội trước ngày 10/11
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẩn trương hoàn thành các công đoạn còn lại, bàn giao đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho Thành phố Hà Nội trước ngày 10/11/2021 để đưa vào khai thác, sử dụng.
Tại cuộc họp ngày 27/10 về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GTVT, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ GTVT hoàn thành các công đoạn để bàn giao dự án cho thành phố Hà Nội trước ngày 10/11, đưa vào khai thác, sử dụng.
Đồng thời, Bộ GTVT hỗ trợ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ, triển khai mới thêm các tuyến đường sắt đô thị, phấn đấu từ nay đến 2025 có thể khánh thành, đưa vào sử dụng thêm một số tuyến.
Đến nay, dự án Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị. Từ đầu tháng 4, Ban quản lý dự án Đường sắt và Hanoi Metro đã hoàn thành công tác bàn giao hồ sơ tài liệu, kiểm đếm tài sản dự án tại hiện trường. Bộ GTVT đã phối hợp với UBND Hà Nội trong việc tiếp nhận dự án và hoàn thiện các giải pháp xử lý đối với những khuyến cáo của tư vấn đánh giá An toàn hệ thống (ACT).
Ngày 26/4, Bộ GTVT có báo cáo “Hoàn thành thi công xây dựng công trình Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông” gửi Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (dài 13 km), có tổng mức đầu tư ban đầu vào năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD).
Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD); tăng 9.231 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Đây là một trong 5 tuyến đường sắt đô thị đội vốn trên toàn quốc.
Về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, Bộ GTVT nêu rõ dự án chậm tiến độ, đội vốn khiến dư luận bức xúc. Cụ thể là việc giải phóng mặt bằng chậm; quy định của Việt Nam về hình thức hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công) chưa rõ ràng, có nhiều khác biệt với thông lệ quốc tế nên hợp đồng EPC ký kết ban đầu chưa hoàn chỉnh, thiếu chặt chẽ, chưa đúng với bản chất hợp đồng EPC.
Ngoài ra, Việt Nam chưa lường hết các yêu cầu về kỹ thuật công nghệ. Các đơn vị tư vấn tham gia lập, thẩm tra dự án chưa có nhiều kinh nghiệm dẫn đến thiết kế cơ sở ban đầu sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật.
Bộ GTVT cho biết, vướng mắc chủ yếu của dự án hiện nay là công tác thanh toán và việc thực hiện ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Những vướng mắc này đã ảnh hưởng đến tiến độ công tác nghiệm thu, bàn giao đưa dự án vào khai thác.