ACV được giao quản lí khối tài sản nghìn tỉ do Nhà nước đầu tư tại 22 sân bay
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư tại 22 sân bay đến hết năm 2025. Trong khi đó, Bộ Xây dựng đang có kế hoạch thanh tra ACV trong năm 2021.
ACV sẽ quản lí khối tài sản nghìn tỉ tại 22 sân bay
Theo đó, Thủ tướng giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại 22 cảng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý theo phương thức không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong thời hạn từ ngày ban hành Quyết định này đến hết ngày 31/12/2025.
Phạm vi tài sản kết cấu hạ tầng hàng không giao ACV quản lý, sử dụng và khai thác là tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý tại 22 cảng hàng không, sân bay không tính vào giá trị doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa ACV và các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không hình thành sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được bàn giao lại cho Nhà nước quản lý do Bộ Giao thông vận tải làm đại diện chủ sở hữu.
Bộ GTVT sẽ quyết định danh mục tài sản kết cấu hạ tầng hàng không để bàn giao cho ACV quản lí, sử dụng, khai thác ngay sau khi quyết định này có hiệu lực.
Theo quyết định của Thủ tướng, ACV là đơn vị được giao quản lí, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng hàng không trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không đúng mục đích, công năng của tài sản; không được chuyển nhượng, bán, tặng, cho, cầm cố, thế chấp, góp vốn bằng tài sản kết cấu hạ tầng được giao.
Đồng thời, ACV được sử dụng nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do doanh nghiệp được giao quản lý, để chi trả chi phí bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo quy định về sử dụng tài sản công.
Như vậy, khó khăn về cơ chế sửa chữa, bảo trì tài sản khu bay của ACV sẽ được tháo gỡ, cho phép doanh nghiệp tự bỏ kinh phí để sửa chữa đường cất hạ cánh và các tài sản khác trong khu bay.
Theo tính toán của ACV, hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng hàng không gồm đường băng, đường lăn, sân đỗ, hệ thống hỗ trợ hạ cánh… tại 22 sân bay do Nhà nước đầu tư có giá trị khoảng 8.550 tỉ đồng (dự án nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang được thực hiện với giá trị hơn 4.000 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng quản lý số lượng vật tư, thiết bị dự phòng trị giá 2.785 tỷ đồng và hệ thống khí tượng hơn 380 tỷ đồng.
Trước đó, việc ACV tự bỏ tiền để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khối tài sản trên gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp này đã cổ phần hoá từ năm 2015. Còn theo quy định pháp luật, tài sản kết cấu hạ tầng do nhà nước quản lý phải sử dụng vốn ngân sách để sửa chữa, nâng cấp.
Trước đó, khi ACV cổ phần hóa, các tài sản trên vẫn thuộc Nhà nước, không tính vào giá trị của ACV. Do đó, khi đường băng, đường lăn hư hỏng xuống cấp mà chưa có ngân sách để sửa chữa, nâng cấp, ACV muốn bỏ tiền sửa chữa lại cũng không được phép. Bởi theo quy định pháp luật, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước quản lý phải sử dụng vốn ngân sách để sửa chữa, nâng cấp.
Kinh doanh “siêu lợi nhuận” nhờ lợi thế độc quyền về hạ tầng hàng không
ACV được thành lập vào tháng 2/2012 theo quyết định của Bộ GTVT, trên cơ sở hợp nhất Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung và Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam.
ACV được biết đến là “ông lớn” hạ tầng hàng không, quản lý phần lớn các sân bay dân dụng tại Việt Nam cũng như các hãng hàng không Việt Nam. Đến nay, dù đã bắt đầu có sự tham gia của những nhà đầu tư tư nhân, như sân bay Vân Đồn, song vị thế của ACV trong lĩnh vực hạ tầng hàng không vẫn giữ gần như tuyệt đối với doanh thu và lợi nhuận lên đến hàng chục nghìn tỷ.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2020 của ACV, mặc dù kết quả giảm mạnh so với cùng kỳ nhưng doanh thu thuần trong kỳ vẫn ghi nhận ở mức 1.443 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp cũng giảm đến 98% xuống chỉ còn 41 tỷ đồng.
Đóng góp lớn cho hoạt động kinh doanh của ACV trong kỳ này là khoản doanh thu tài chính hơn 579 tỷ đồng, trong đó lãi tiền gửi ngân hàng là hơn 541 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí tài chính của Cảng hàng không này tăng vọt 883% lên 287 tỷ đồng, do phát sinh khoản lỗ chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ (255 tỷ đồng). Phần lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm 56% xuống 37 tỷ đồng.
Kết quả, quý 3, ACV báo lãi giảm đến 94% khi ghi nhận giá trị hơn 141 tỷ đồng.
Trước đó, theo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch năm 2020, lãnh đạo ACV cho biết dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Kế hoạch kinh doanh hợp nhất chính thức của ACV được thông qua tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 là doanh thu 11.317 tỷ đồng và lãi trước thuế 2.007 tỷ đồng.
Theo Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp thực hiện 4.639 tỷ đồng doanh thu, đạt 48,3% kế hoạch và 1.516 tỷ đồng lãi trước thuế, đạt 75% kế hoạch năm.
Như vậy, trong bối cảnh ngành du lịch, hàng không gặp nhiều khó khăn, nhiều ông lớn hàng không báo lỗ thì ACV vẫn lãi hàng nghìn tỷ đồng.
Trước khi dịch Covid – 19 xuất hiện, ACV được mệnh danh là doanh nghiệp “siêu lợi nhuận” với khả năng sinh lời kỳ lạ: thu 2 đồng lãi 1 đồng.
Báo cáo tài chính quý 4/2019 hợp nhất của ACV cho thấy doanh nghiệp đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 18.292,9 tỷ đồng và 8.342,9 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) đạt 45,6%. Điều này cho thấy, cứ 100 đồng doanh thu ACV mang về làm tăng thêm 45,6 đồng lợi nhuận sau thuế.
Tính riêng quý 4, tỷ suất lợi nhuận ACV còn cao hơn nữa. Trong quý cuối năm, ACV đạt doanh thu và lợi nhuận 4.813 tỷ đồng và 2.435 tỷ đồng. Nghĩa là 2 đồng doanh thu đã mang về cho ACV 1 đồng lợi nhuận. Không có doanh nghiệp nào trên sàn chứng khoán đạt ROS cao như ACV.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng công ty đạt doanh thu hơn 13.500 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, với biên lợi nhuận gộp đạt 51,83%. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng gần 20%, ở mức hơn 5.898 tỷ đồng. Chỉ xét riêng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, với con số 43,6%, ACV đã được xem là một trong những công ty top đầu thị trường.
Đáng chú ý, tỷ suất sinh lợi trên doanh thu của ACV càng ngày càng lớn. Nếu như năm 2016 mới đạt 25,53% thì năm 2018 là 38,2% và đến 2019 là 45,6%.
Lãi nghìn tỷ vẫn “kêu khó kêu khổ” để tăng giá dịch vụ
Nhờ khả năng sinh lời cực lớn, ACV hiện đang tích trữ được lượng tiền “khổng lồ”. Theo báo cáo, tại thời điểm 31/12/2019, ACV có tới 350 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền. Trong đó, ACV sở hữu 30.922 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, đa số gửi ngân hàng với kỳ hạn không quá 12 tháng.
Theo đánh giá, với lợi thế độc quyền về hạ tầng hàng không, nắm trong tay gần như toàn bộ hạ tầng hàng không, cung cấp những dịch vụ có giá trị gia tăng cao, kết quả này của ACV không có gì là bất thường.
Mặc dù kinh doanh tốt nhưng ACV vẫn thường xuyên ‘kêu khổ’ vì… không thể thu hồi vốn đầu tư, xin tăng phí dịch vụ…
Cụ thể, giữa năm 2016, ACV đã có văn bản gửi Bộ GTVT "than thở" về mức giá dịch vụ quá thấp, khiến công ty không thể thu hồi vốn đầu tư. ACV cho rằng chính sách giá hiện nay là không hợp lý. Giá dịch vụ hàng không quốc nội đang thấp hơn rất nhiều so với giá dịch vụ hàng không quốc tế, cũng như chưa tương xứng với chi phí đầu tư, chất lượng dịch vụ, sản lượng khai thác.
ACV cho biết lợi nhuận thuần của doanh nghiệp năm 2015”chỉ đạt 2.277 tỷ đồng”. Trong đó, lợi nhuận từ kinh doanh dịch vụ hàng không là 185,7 tỷ đồng. Còn lại đến từ đầu tư tài chính và hoạt động khác.
ACV "than thở": kinh doanh chính là khai thác hạ tầng hàng không, nhưng lợi nhuận lại đến từ đầu tư tài chính và hoạt động khác.
Không chỉ vậy, ACV còn tố các hãng bay đua nhau hạ giá, làm tăng gánh nặng lên doanh nghiệp này. Theo ACV, khi vé máy bay giảm, các hãng bay có thêm doanh thu, còn ACV thì đã chẳng thu thêm được đồng nào lại còn phải "oằn mình" gánh áp lực hạ tầng…
Với những "bất cập" như đã nêu ra ở trên, ACV kiến nghị Bộ GTVT tiến hành điều chỉnh giá hạ cất cảnh quốc nội, tăng lên bằng 50% giá hạ cất cánh quốc tế. Đồng thời, ACV cũng đề xuất điều chỉnh mức giá phục vụ hành khách nội địa, tăng từ 70.000 đồng lên 100.000 đồng/hành khách.
Trước đề xuất của ACV, tháng 10/2017, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký quyết định ban hành mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, theo đó, một loạt dịch vụ hàng không tăng giá.
ACV sắp bị Bộ Xây dựng “sờ gáy”
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1463 ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2021 của Bộ Xây dựng. Trong đó, về thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thực hiện thanh tra hoạt động quản lý đầu tư xây dựng tại các dự án có vốn đầu tư trên 100 tỉ đồng của ACV, EVN…
Các dự án do ACV làm chủ đầu tư nằm trong kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng năm 2021 gồm: dự án mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc giai đoạn II - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; mở rộng đỗ máy bay - cảng hàng không quốc tế Phú Bài giai đoạn 1; cải tạo, mở rộng nhà ga hàng không, sân đỗ ô tô cảng hàng không Chu Lai; nâng cấp, cải tạo sân đỗ máy bay khu vực nhà ga cũ và đường lăn W2 - Cát Bi.