Lý do ACV co mức đầu tư sân bay Điện Biên

Thay vì đầu tư một nhà ga hành khách mới, quy mô 2 triệu lượt khách /năm, ACV đề nghị tận dụng nhà ga hiện hữu để cải tạo, mở rộng.

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất Bộ GTVT đầu tư cảng hàng không Điện Biên với quy mô và tổng mức đầu tư giảm khoảng 3 lần so với kế hoạch trước đây của chính doanh nghiệp này.

Theo đó, ACV đề xuất Bộ GTVT xây mới đường cất hạ cánh tại đây với kích thước 2400 x 45m, sân quay 2 đầu, kết cấu bê tông xi măng, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Sân đỗ máy bay sẽ được xây dựng đảm bảo 1 vị trí đỗ ATR72 và 2 vị trí đổ A320/A321.

Tại khu hàng không dân dụng, trước mắt chỉ cải tạo, mở rộng, tận dụng nhà ga hiện hữu mà chưa xây mới.

Trên cơ sở quy mô dự kiến đầu tư (tính đồng bộ cả đường lăn, sân đỗ ô tô, hệ thống dẫn đường…), tư vấn lập sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là hơn 1.539 tỷ đồng (chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng), trong đó, chi phí đầu tư khu bay gần 1.000 tỷ đồng, khu hàng không dân dụng hơn 256 tỷ đồng. Số còn lại là chi phí dự phòng.

Đề xuất trên của ACV giảm mạnh cả về quy mô cũng như tổng mức đầu tư so với đề xuất trước đây của chính ACV.

Cụ thể, cuối 2019, ACV báo cáo Bộ GTVT về phương án đầu tư sân bay Điện Biên, trong đó có việc xây dựng mới đường cất, hạ cánh dài 2.400m, hệ thống đường lăn, đường lăn nối, đường lăn song song cũng như hệ thống đèn tiếp cận CAT 1.

Tại khu hàng không dân dụng, sẽ xây dựng nhà ga hành khách mới với 2 cao trình đáp ứng 2 triệu hành khách/năm và các hạng mục phụ trợ; xây dựng sân đỗ tàu bay đáp ứng 6 vị trí đỗ máy bay A320/321 và tương đương.

Dự kiến tổng mức đầu tư xây mới toàn bộ sân bay này vào khoảng 4.787 tỷ đồng. Trong đó, công trình khu bay dự kiến 1.400 tỷ đồng, các hạng mục thiết yếu công trình khu hàng không dân dụng dự kiến 1.700 tỷ đồng.

Các hạng mục công trình đảm bảo điều hành bay dự kiến 155 tỷ đồng. Công tác GPMB đã được UBND tỉnh Điện Biên nhất trí thực hiện dự kiến 1.532 tỷ đồng.

Lý do khiến tổng mức đầu tư sân bay Điện Biên co lại được ACV lý giải là để đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn chủ sở hữu, tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu hoạt động khai thác, chất lượng dịch vụ. Bởi vậy, đơn vị tư vấn đề xuất trước mắt chưa xây dựng nhà ga mới theo quy hoạch mà chỉ cải tạo, mở rộng nhà ga hiện hữu đáp ứng công suất 500.000 hành khách/năm.

Việc đầu tư nhà ga hành khách công suất 2 triệu hành khách/năm theo quy hoạch, sẽ được ACV tiếp tục nghiên cứu đề xuất xây dựng trên cơ sở sản lượng khai thác khu bay mới được đầu tư xây dựng.

Như vậy, để có thể nhận được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng, quy mô dự án sân bay Điện Biên đã được co gọn một cách đáng kể.

Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - đơn vị chủ quản phần vốn nhà nước tại ACV đã nhiều lần  quan ngại về việc ACV tham gia đầu tư, do dự án này có tính khả thi tài chính rất thấp.

Trong công văn hồi tháng 7/2020 gửi người đại diện phần vốn Nhà nước tại ACV, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị nhóm người đại diện phần vốn nhà nước tại ACV phải đề nghị Bộ GTVT làm rõ khả năng cân đối vốn đầu tư khu bay của cảng hàng không Điện Biên. Đối với phần đầu tư nhà ga theo quy mô mới, phải nêu rõ theo tính toán hiện nay sẽ không sử dụng hết công suất; đặc biệt là việc đầu tư dự án không hiệu quả về tài chính.

“Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định giao ACV đầu tư cảng hàng không Điện Biên, Bộ GTVT cần làm rõ căn cứ, cơ sở pháp lý đối với việc giao ACV thực hiện nhiệm vụ chính trị của Chính phủ đầu tư khu bay, trong đó nêu rõ việc đầu tư Dự án không hiệu quả về tài chính của doanh nghiệp; không phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp về việc đầu tư bảo toàn vốn và phát triển nguồn vốn”, công văn của Ủy ban nêu rõ.

Liên quan quy mô đầu tư Nhà ga cảng hàng không Điện Biên, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, công suất nhà ga hiện hữu là 300.000 hành khách/năm, số hành khách hàng năm cao nhất là 81.804 hành khách vào năm 2014 và đang có xu hướng giảm dần, trong đó năm 2019 chỉ còn 57.339 hành khách (tương đương 20% công suất).

Vì vậy, Ủy ban đánh giá, việc ACV đề xuất công suất nhà ga 2 triệu hành khách/năm, gấp 7 lần công suất hiện tại và gấp 35 lần sản lượng khai thác thực tế của năm 2019 chưa thực sự phù hợp, đặc biệt chưa rõ khả năng cân đối vốn đầu tư khu bay thuộc tài sản công do Bộ GTVT quản lý, chưa đảm bảo việc đầu tư đồng bộ.

Điều đáng quan ngại nhất, theo Ủy ban, là hiệu quả tài chính của Dự án với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) đối với các hạng mục do ACV đầu tư chỉ đạt 6%; giá trị hiện tại ròng (NPV) chỉ đạt 321 triệu đồng cho dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng; thời gian hoàn vốn hơn 50 năm, cho thấy công trình không có hiệu quả tài chính.

 

Theo Minh Thái/ Báo Đất Việt

 

Link nguồn: https://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/ly-do-acv-co-muc-dau-tu-san-bay-dien-bien-3417845/

Tin liên quan