Agribank trước nguy cơ mất trắng hơn 236 tỷ đồng tại dự án "chết"

Năm 2008, Công ty In - Thương mại và Dịch vụ Agribank đã đầu tư 236,6 tỷ đồng vào dự án xây dựng khách sạn 5 sao tại số 48-48A Trần Phú, TP. Nha Trang. Nhưng vì chậm triển khai, dự án đã bị UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi.

Bài học mất vốn Nhà nước khiến lãnh đạo Agribank vướng vào lao lý

Năm 2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Agribank) và Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo quốc tế (INED).

Đến tháng 7/2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với ông Phạm Ngọc Ngoạn (58 tuổi, trú tại phố Hàng Bài, Hà Nội), nguyên Ủy viên Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank). Ông Ngoạn bị cáo buộc về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Mở rộng điều tra, đến tháng 9/2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục có lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với ông Đỗ Tất Ngọc, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank).

Agribank trước nguy cơ mất trắng hơn 236 tỷ đồng tại dự án chết

Theo hồ sơ, ông Phạm Ngọc Ngoạn, khi đó là Giám đốc, Chủ tịch HĐTV Công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank đã chỉ đạo chuyển hơn 90 tỉ đồng cho Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo quốc tế (INED) để chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất với diện tích 20.4000m2 tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) để xây dựng nhà máy in ngân hàng.

Thời điểm thực hiện giao dịch, Công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank chưa xin được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô đất này nhưng ông Ngoạn vẫn ký hợp đồng mua bán chuyển nhượng để hợp thức hoá thủ tục chuyển nhượng tài sản thuê trên đất với giá 4,6 triệu đồng/m2.

Theo quy định của Luật Đất đai 2003, việc làm này là trái với quy định của pháp luật. Cho đến thời điểm bị khởi tố và xét xử, Công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank vẫn chưa có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dự án di dời nhà máy in ngân hàng I vẫn chưa được thực hiện. Đặc biệt, khoản tiền đã chuyển cho công ty INED không có khả năng thu hồi.

Đến ngày, 2/12/2016, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án nêu trên và tuyên phạt 2 bị cáo: Phạm Ngọc Ngoạn, nguyên Giám đốc, Chủ tịch HĐTV Công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank mức án 4 năm 6 tháng tù và ông Đỗ Tất Ngọc, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Agribank mức án 30 tháng tù treo.

Theo Cơ quan CSĐT, ngoài vụ việc gây thất thoát 90 tỷ đồng trên, cơ quan chức năng cũng đã có kết luận thanh tra về những sai phạm tại công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank.

Trong đó có vụ sai phạm trong việc dùng quyền sử dụng đất tại số 10 phố Chùa Bộc để góp vốn vào Công ty cổ phần bất động sản Agribank; sai phạm trong việc đầu tư vào dự án đấy giá quyền sử dụng đất tại Lô C, khu D1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội và sai phạm trong việc đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao tại lô đất số 48-48A Trần Phú, Nha Trang, Khánh Hoà.

Agribank và nguy cơ mất hơn 236 tỷ đồng ở dự án 48-48A Trần Phú

Theo tìm hiểu của PV, khu đất số 48-48A Trần Phú, phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang có diện tích 3.642m2, với hai mặt tiền đường Trần Phú và đường Nguyễn Thị Minh Khai, bên cạnh Quảng trường 2 tháng 4 và Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa. Đây là một trong những vị trí được xem là đẹp nhất, đắc địa nhất, ở ngay trung tâm Thành phố và bên biển Nha Trang.

Theo thị trường hiện tại, khu vực đất trên trục đường Trần Phú, những lô nhỏ vài ba trăm mét vuông có giá vào khoảng 350 - 500 triệu đồng/m2, nhưng hầu như không ai muốn bán.

Tuy nằm ở vị trí đắc địa như vậy, nhưng số phận của lô "đất vàng" 48-48A Trần Phú, Nha Trang trong suốt 17 năm qua lại nằm "đắp chiếu", gây lãng phí tài nguyên, tạo bức xúc trong dư luận.

Agribank trước nguy cơ mất trắng hơn 236 tỷ đồng tại dự án chết

Khu đất 48-48A Trần Phú, Nha Trang nằm ở vị trí đắc địa.

Khởi điểm từ năm 2003, khi ngành du lịch ở Nha Trang bắt đầu phát triển mạnh, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản giao cho Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư Dự án Nhà khách tỉnh Khánh Hòa trên khu đất 48-48A Trần Phú, tổng mức đầu tư hơn 65 tỷ đồng. Công ty Xây dựng trang trí kiến trúc ADC (Công ty ADC) được giao thi công Dự án mà không qua đấu thầu. Theo kế hoạch, Dự án đưa vào sử dụng ngày 2/4/2006.

Thế nhưng sau một thời gian xây dựng, Công ty ADC không triển khai thi công tiếp vì gặp khó khăn về tài chính sau khi chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần. Do vậy, Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức thanh lý hợp đồng, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng tiến hành các thủ tục thanh toán toàn bộ chi phí khối lượng công trình đã thực hiện của Công ty ADC.

Đến khoảng năm 2007, UBND tỉnh Khánh Hòa sang tên đổi chủ khu đất trên cho Tổng Công ty Khánh Việt mà không qua đấu giá. Sau khi nhà đầu tư này làm được một phần móng, đến cuối năm 2007, UBND tỉnh Khánh Hòa lại thu hồi Dự án để đấu giá khu đất vì lý do lựa chọn Khánh Việt không đúng theo quy định pháp luật.

Đến năm 2008, Hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất tỉnh Khánh Hòa tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng lô đất này. Công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank (nay là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Ngân hàng NN&PTNT Agribank) là đơn vị trúng đấu giá với gần 221,7 tỷ đồng, để đầu tư dự án khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Nha Trang Grand Hotel & Residence. Nhưng sau đó, Công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank đã nộp chậm tiền của dự án nên bị phạt gần 15 tỷ đồng tiền lãi. Như vậy, Công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank phải bỏ số tiền 236,6 tỷ đồng cho dự án này.

Agribank trước nguy cơ mất trắng hơn 236 tỷ đồng tại dự án chết

Đến nay, khu đất tại 48-48A Trần Phú, Nha Trang vẫn bị bỏ hoang.

Dự án được kì vọng sẽ được khởi sắc sau nhiều năm bỏ hoang, nhưng đến năm 2014 khu đất này đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an kê biên do có quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank  và Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo quốc tế (INED).

Sau đó, theo đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Công an đã gỡ lệnh kê biên để tạo điều kiện triển khai Dự án.

Đến ngày 16/11/2015, vì lý do Agribank chậm triển khai dự án, không đúng theo cam kết, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định thu hồi khu đất đã giao cho Công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank. Khu đất được chuyển giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa quản lý.

Sự lãng phí này đã khiến dư luận khá bức xúc và trước Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Khánh Hòa Khóa VI, nhiệm kỳ 2016 - 2020, rất nhiều cử tri tỉnh Khánh Hòa đề nghị UBND tỉnh có biện pháp sử dụng lô đất tại số 48-48A Trần Phú đã bỏ hoang nhiều năm.

Đến nay, dự án sử dụng khu đất này nhiều lần được UBND tỉnh Khánh Hòa được đưa ra đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, đề bài đưa ra đấu thầu đang có điều kiện: Nhà đầu tư phải nộp chi phí hoàn trả tiền sử dụng đất cho đơn vị trúng đấu giá (nhà đầu tư cũ) đã nộp trước đây là hơn 236,6 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư thực hiện dự án tự nguyện hỗ trợ một phần kinh phí cho nhà đầu tư cũ và nộp một khoản tiền vào ngân sách. 

Tuy nhiên, sau nhiều năm, vẫn chưa có nhà đầu tư nào mặn mà với dự án trên, còn số tiền 236,6 tỷ đồng mà Agribank đã đầu tư suốt 12 năm qua vẫn chưa thể thu hồi.

Theo Tiến Phòng/ Reatimes

Link nguồn: https://reatimes.vn/agribank-truoc-nguy-co-mat-trang-hon-236-ty-dong-tai-du-an-chet-20200706110804577.html