Âm vốn 4.122 tỷ vẫn đầu tư chứng khoán, Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà có bị rút giấy phép xăng dầu?
Vốn góp chủ sở hữu chỉ là hơn 454 tỷ đồng nhưng Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà âm vốn tới 4.112 tỷ đồng. Thế nhưng, công ty vẫn rót tiền đầu tư chứng khoán. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu công ty còn đủ tiêu chuẩn để giữ giấy pháp đầu mối xăng dầu.
Âm vốn 4.122 tỷ đồng
Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà ( gọi tắt là Công ty Hải Hà) là 1 trong 36 đầu mối kinh doanh xăng dầu thuộc sự quản lý của Bộ Công Thương. Hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, khu vực quan trọng bậc nhất của nền kinh tế nhưng chất lượng tài chính của Công ty Hải Hà khiến không ít người lo lắng.
Dù đạt doanh thu rất cao nhưng công ty thua lỗ triền miên, tới mức âm vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, năm 2022, Công ty Hải Hà ghi nhận doanh thu tăng mạnh, tăng 9.418 tỷ đồng, tương đương 42,4% so với năm 2021 nhưng thua lỗ lại tăng mạnh từ 155 tỷ đồng lên 2.574 tỷ đồng.
Ngoài việc giá vốn hàng bán tăng mạnh, Công ty Hải Hà cũng mạnh tay cho nhiều chi phí. Chi phí bán hàng tăng mạnh từ 194 tỷ đồng lên 666 tỷ đồng; Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 27,3 tỷ đồng lên 364 tỷ đồng.
Kết quả là tại ngày 31/12/2022, Công ty Hải Hà gánh lỗ lũy kế lên đến 4.577 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 2.003 tỷ đồng hồi cuối năm 2021. Do vốn góp chủ sở hữu chỉ là 454 tỷ đồng nên công ty âm vốn chủ sở hữu 4.122 tỷ đồng.
Nợ thuế 1.376 tỷ đồng, khả năng trả nợ yếu, khả năng thanh toán thấp
Chất lượng tài chính của Công ty Hải Hà ngày càng đi xuống khi giá trị âm vốn và nợ cũng tăng. Kết quả là công ty tiếp tục duy trì tình cảnh khả năng trả nợ yếu, thanh khoản thấp của nhiều năm trước. Ngoài ra, Công ty Hải Hà tiếp tục nợ thuế khủng.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, dù âm vốn nhưng tổng tài sản công ty vẫn tăng từ 11.531 tỷ đồng lên 13.020 tỷ đồng. Đó là do nợ phải trả lên tới 17.142 tỷ đồng, tăng 3.982 tỷ đồng, tương đương 30,3% so với năm 2021.
Hệ số khả năng thanh toán tổng quát hồi cuối năm 2022 của Công ty Hải Hà là 0,76. Theo lý thuyết kế toán, hệ số nhỏ hơn 1 thể hiện: “Khả năng thanh toán của doanh nghiệp thấp, khi chỉ số càng tiến dần về 0, doanh nghiệp sẽ mất dần khả năng thanh toán, việc phá sản có thể xảy ra nếu doanh nghiệp không có giải pháp thực sự phù hợp”.
Không chỉ có vậy, với Tài sản ngắn hạn chỉ 10.700 tỷ đồng và Nợ ngắn hạn là, 16.875 tỷ đồng, Công ty Hải Hà còn chứng kiến Hệ số khả năng thanh toán hiện thời là 0,63.
Theo lý thuyết, hệ số này nhỏ hơn 1 thể hiện: “Khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản”.
Trong các khoản Nợ ngắn hạn của Công ty Hải Hà, đáng chú ý nhất là nợ thuế. Chỉ tiêu Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tại công ty đạt 1.375 tỷ đồng, giảm so với con số 2.209 tỷ đồng hồi cuối năm 2021.
Đây không phải lần đầu tiên Công ty Hải Hà nợ thuế khủng. Trước đó, hồi cuối năm 2022, dư luận xôn xao với danh sách doanh nghiệp do Cục Thuế tỉnh Thái Bình công bố.
Theo đó, Cục Thuế tỉnh Thái Bình công khai danh sách 105 doanh nghiệp, tổ chức còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước đến thời điểm 31/8/2022, với tổng số tiền nợ hơn 2.136 tỷ đồng. Công ty Hải Hà dẫn đầu với số nợ lên đến 1.709 tỷ đồng, chiếm 80% tổng nợ thuế của cả tỉnh.
Vẫn đầu tư chứng khoán, có đủ tiêu chuẩn để rút giấy phép?
Trong bối cảnh bức tranh tài chính bết bát, Công ty Hải Hà vẫn mạnh tay đầu tư chứng khoán.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, Đầu tư tài chính dài hạn tại Công ty Hải Hà tăng từ 701 tỷ đồng lên 805 tỷ đồng. Trong đó, vụ thâu tóm Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco là thương vụ được chú ý nhất.
Đáng chú ý, thương vụ này được thực hiện từ năm 2020, thời điểm Công ty Hải Hà đã thua lỗ triền miên. Chưa dừng lại ở đó, trong năm 2022, vốn góp của Công ty Hải Hà tại Pharbaco tăng từ 400 tỷ đồng lên 412 tỷ đồng.
Trước đó, trong tháng 10/2022 – thời điểm kinh tế xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên từng khẳng định doanh nghiệp xăng dầu vơi nguồn tiền vì chứng khoán, bất động sản.
Dù không được Bộ trưởng Công Thương “điểm danh” nhưng rõ ràng có thể thấy Công ty Hải Hà cũng là một trong những đơn vị mạnh tay rót vốn vào chứng khoán.
Với việc thua lỗ triền miên tới mức âm vốn chủ sở hữu 4.122 tỷ đồng nhưng Công ty Hải Hà vẫn mạnh tay rót tiền vào chứng khoán nên câu hỏi đặt ra là liệu Công ty Hải Hà còn đủ chất lượng để hoạt động trong ngành năng lượng, lĩnh vực có ảnh hưởng rất lớn đến an ninh năng lượng quốc gia?