Áp lực lạm phát 2024: Những nguy cơ đẩy giá tăng dịp cuối năm
Trước những lo ngại về việc tốc độ gia tăng lạm phát trong 6 tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng, áp lực lạm phát năm nay không quá lớn. Nếu không có các đợt điều chỉnh giá quy mô lớn, thì sẽ không có yếu tố lớn tạo áp lực lên chỉ số CPI.
Lạm phát đang ở mức vừa phải
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê mới công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 CPI tháng 6/2024 tăng 1,4% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%. CPI bình quân quý 2/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.
Trước những lo ngại về năng kiềm chế lạm phát trong 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, nhấn mạnh rằng trên thực tế, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn.
Theo quan điểm của ông Độ, chỉ số lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu do tác động từ điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý 3/2023. Bởi vậy, trong quý 3/2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá này giảm dần, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý.
“Nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy bức tranh khác cho thấy áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải, vì chưa tính giá dịch vụ y tế, giáo dục đã điều chỉnh từ quý 3/2023”, ông Độ đưa ra dự báo.
Cụ thể, so với cuối năm 2023, CPI mới chỉ tăng 1,40%, tương đương trung bình khoảng 0,23%/tháng. Nếu xét riêng trong quý 2/2024, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng. Đây đều là các mức vừa phải trong 5 năm gần đây.
“Có thể kỳ vọng tốc độ tăng giá trong 6 tháng cuối năm sẽ ở mức tương đương so với trong 6 tháng đầu năm 2024, nếu không có các đợt điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn”, ông Độ nhận định.
Khả năng lạm phát tăng mạnh khó xảy ra
PGS Ngô Trí Long dự báo CPI bình quân 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức 4,2% - 4,5%. Lý do chính là bởi năm 2024, bối cảnh lạm phát và giá cả hàng hóa thế giới đã hạ nhiệt, khả năng lạm phát ở Việt Nam tăng mạnh trong năm nay là khó xảy ra.
"Chính phủ luôn thận trọng và chủ động trong điều hành giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát, nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng", ông Long nói.
Tuy nhiên, ông Long cũng cảnh báo về những diễn biến khó lường của tình hình thế giới và khu vực sẽ tạo ra nhiều khó khăn, thách thức đối với kinh tế trong nước, cộng hưởng với những vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa được xử lý triệt để, nên sẽ tác động tới lạm phát.
“Lạm phát có thể tiếp tục tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới; do dự kiến điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương... Chưa kể, còn do nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách... trong nước tăng khi vào mùa cao điểm nắng nóng và du lịch hè, mà hiện đang là mùa cao điểm", ông Long nói.
Ngoài ra, một vấn đề được nhiều người quan tâm làm tỷ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ bên ngoài. Và sự gia tăng tỷ giá sẽ tác động lớn đến hàng hoá cả nhập khẩu và sản xuất trong nước.
“Tâm lý thị trường do kỳ vọng lạm phát, tỷ giá tăng là vấn đề cần quan tâm, nhất là liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tăng giá hàng hóa, dịch vụ... Do đó, lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp, kịp thời, vị này khuyến nghị.