Áp lực tăng vốn, ngân hàng Việt săn tìm cổ đông ngoại dày túi tiền
Nhiều ngân hàng đang tăng tốc tìm cổ đông ngoại. Hoạt động huy động vốn ngoại được dự báo sẽ sôi động từ nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của nhiều ngân hàng vẫn còn những rào cản.
Ngân hàng tăng vốn tìm vốn ngoại
SeABank vừa được cấp khoản vay có thể chuyển đổi trị giá 30 triệu USD (khoảng 764 tỷ đồng) từ quỹ đầu tư cho các nước đang phát triển của chính phủ Na Uy Norfund. Việc thông qua khoản vay này có thể là một phần trong kế hoạch phát hành riêng lẻ nhằm tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.200 tỷ đồng đã được ĐHCĐ thường niên 2024 của SeABank thông qua.
HDBank mới tổ chức lấy ý kiến cổ đông về sửa đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa đối với nhà đầu tư nước ngoài từ 20% về còn 17,5%. Việc HDBank điều chỉnh giảm tỷ lệ room ngoại được cho là liên quan đến việc tìm đối tác chiến lược. Hồi đầu tháng 3, nguồn tin từ Bloomberg cho biết, HDBank đang tìm đến các cố vấn tài chính để hỗ trợ cho kế hoạch bán cổ phần trị giá 500 triệu USD.
Tương tự, Ngân hàng VIB vừa tổ chức họp ĐHCĐ bất thường năm 2024 nhằm thông qua việc giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ 20,5% xuống còn 4,99%, hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Việc giảm room ngoại sẽ cho phép VIB chủ động trong việc lựa chọn đối tác chiến lược tiềm năng và tận dụng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nếu ngân hàng có kế hoạch huy động vốn trong tương lai.
Với SHB, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển kỳ vọng ngân hàng sẽ hoàn tất việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài ngay trong năm 2024. Hồi tháng 7/2023, nguồn tin của Reuters cho biết, SHB đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này, với định giá ngân hàng từ 2-2,2 tỷ USD.
Rõ ràng hơn, LPBank đang triển khai kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian chào bán cụ thể sẽ được Hội đồng quản trị quyết định sau khi được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2024, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết, hiện nhà băng này đang chốt tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 22%. Điều này cho phép Techcombank có thể phát hành thêm cổ phiếu cho 1 đối tác chiến lược nữa với tỷ lệ khoảng 10%.
Nam A Bank đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài để tìm nhà đầu tư phù hợp. Ngân hàng này sẽ sử dụng room ngoại cho phép ở mức tối đa 20% đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để thu hút thêm vốn ngoại.
Trong khi đó, Vietcombank được kỳ vọng sẽ hoàn tất kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ trong năm nay, thu về khoảng 1 tỷ USD (tương đương 24.450 tỷ đồng). Ngân hàng này dự kiến chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu).
Với BIDV, ĐHCĐ ngân hàng này đã thông qua việc điều chỉnh thời gian thực hiện kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần từ năm 2023 sang năm 2024. BIDV dự kiến chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu theo phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua (dự kiến 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022).
Theo giới chuyên gia, dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào thị trường ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.
Báo cáo Chiến lược Đầu tư năm 2024 của Công ty CP Chứng khoán Vietcap (VCSC) mới đây nhận định, các hoạt động huy động vốn sẽ mạnh hơn từ nửa cuối năm 2024. Trong đó, Vietcombank, BIDV và LPBank được kỳ vọng sẽ huy động vốn mới thông qua phát hành riêng lẻ với tổng giá trị ước tính là 64,9 nghìn tỷ đồng vào năm 2024.
VCSC dự báo với kỳ vọng kinh tế phục hồi trong năm 2024 cộng thêm môi trường lãi suất thấp, hoạt động huy động vốn từ phát hành cổ phiếu có thể thành công.
Vẫn còn rào cản
Tuy nhiên, có những nhận định cho rằng kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của nhiều ngân hàng trong năm 2024 vẫn còn những rào cản.
Các nhà phân tích cho rằng, bên cạnh ảnh hưởng tiêu cực từ sự trầm lắng của thị trường vốn thế giới do chính sách thắt chặt tiền tệ, việc các nhà đầu tư ngoại chưa mặn mà với thị trường ngân hàng Việt Nam còn do vấn đề giới hạn tỷ lệ sở hữu và sự hoài nghi về tính minh bạch trong quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng.
Ông Dominic Scriven, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Dragon Capital, đánh giá, rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tham gia ngân hàng Việt vẫn là việc hạn chế room cho nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng.
Theo quy định hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể sở hữu tối đa 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam, trừ một số trường hợp đặc biệt. Do đó, các chuyên gia cho rằng cần tăng tỷ lệ sở hữu vốn ngoại tại các ngân hàng.
Song NHNN khẳng định hiện chỉ nên mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các tổ chức tín dụng yếu kém và tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc từ 30% lên 49%, chưa nên mở rộng ra tất cả tổ chức tín dụng.
Hơn nữa, trong bối cảnh nền kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục, không phải ngân hàng nào cũng vội vã tìm kiếm cổ đông chiến lược. Nhiều ngân hàng muốn tìm được đối tác để chia sẻ công nghệ, quản lý, quản trị rủi ro,… chứ không chỉ nhằm tăng vốn.
Tại ĐHĐCĐ năm ngoái, Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển khẳng định SHB luôn giữ quan điểm thận trọng vì muốn tìm đối tác chung thủy, có thể đi cùng ngân hàng trong dài hạn. Ông cho biết SHB đã tiếp cận với một số nhà đầu tư muốn rót vốn đầu tư tài chính với chiến lược từ 3 - 5 năm.
Tại một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, ông Jens Lottner, CEO Techcombank cho biết, ngân hàng này có thể “mở cửa” chào đón thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình tìm kiếm đối tác chiến lược dài hạn. Ngân hàng này sẽ không quá tập trung vào việc tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, việc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của các ngân hàng thương mại có thể sẽ tiếp tục khó thực hiện trong năm nay bởi cả lý do khách quan và chủ quan.
Về khách quan, thị trường vốn toàn cầu đang trong giai đoạn rất khó khăn do chính sách thắt chặt tiền tệ, lượng vốn khan hiếm nên các nhà đầu tư hết sức cân nhắc cơ hội đầu tư. Thậm chí, nhà đầu tư có xu hướng rút vốn từ thị trường mới nổi về thị trường phát triển.
“Việc nới giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại một số ngân hàng thương mại lên mức 49% có thể làm tăng sức hấp dẫn, song chiến lược bán vốn nhỏ giọt của các ngân hàng thương mại sẽ là rào cản với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Huân cho biết.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, quá trình bán vốn của các ngân hàng cho các nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế bởi quy định về tỷ lệ sở hữu. Thêm nữa, nhiều nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu chuẩn mực quản trị rất khắt khe nên nhiều ngân hàng Việt vẫn chưa thực sự hấp dẫn với họ.
Theo ông Hiếu, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hệ thống ngân hàng Việt Nam cần tăng tính minh bạch và đáng tin cậy trong quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng.