Thuế quan Mỹ: 22 nước đã nhận được ‘tối hậu thư’
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/7 đã gửi thư yêu cầu áp dụng mức thuế quan mới của Mỹ đối với hàng nhập khẩu của ít nhất 8 quốc gia nữa, nâng tổng số đối tác bị đe dọa áp thuế lên con số 22
Thêm loạt quốc gia nhận “tối hậu thư”
Trong số các nước mới nhận “thư thuế quan” lần này có Philippines, Sri Lanka, Moldova, Brunei, Algeria, Libya và Iraq, với mức thuế lên tới 30% đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8 nếu không đạt được thỏa thuận thương mại song phương.
Mức thuế mới mà ông Trump tuyên bố đối với hàng hóa từ Sri Lanka, Moldova, Iraq và Libya thấp hơn mức công bố ban đầu hồi tháng 4. Ngược lại, thuế đối với hàng từ Philippines và Brunei đã được nâng lên, trong khi Algeria tiếp tục giữ mức 30% như cũ.
Vòng mới này diễn ra hai ngày sau khi ông Trump lần đầu chia sẻ những lá thư thông báo với lãnh đạo 14 quốc gia rằng hàng xuất khẩu của họ sang Mỹ sẽ phải đối mặt với mức thuế quan mới cao bắt đầu từ ngày 1/8.

Hai bức thư dài hai trang gần như giống hệt nhau có chữ ký của Tổng thống Trump vào ngày 7/7 đã được gửi tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan, Nam Phi, Lào, Myanmar, Bosnia và Herzegovina, Tunisia, Indonesia, Bangladesh, Serbia, Campuchia và Thái Lan.
Mức thuế quan đối với hơn 21 quốc gia bị nhắm mục tiêu cho đến nay dao động từ 20% đến 40%, với riêng Brazil là 50%. Các lá thư lưu ý rằng Mỹ “có thể” sẽ xem xét điều chỉnh mức thuế quan mới, “tùy thuộc vào mối quan hệ của chúng tôi với quốc gia của bạn”.
Các lá thư đều nói rằng mức thuế quan “thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để xóa bỏ sự chênh lệch thâm hụt thương mại giữa 2 nước”.
Một số quốc gia đã nhận được thư cho đến nay là các đối tác thương mại tương đối nhỏ của Mỹ. Ví dụ, theo dữ liệu của Mỹ, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Moldova vào năm 2024 chỉ đạt tổng cộng 85 triệu USD.
Chính quyền Mỹ từ tháng 4 đã gửi thư yêu cầu đàm phán tới hàng loạt đối tác thương mại, trong khuôn khổ chính sách áp thuế “có đi có lại” do ông Trump khởi xướng. Tuy nhiên, cho đến nay, rất ít thỏa thuận thực sự được ký kết. Trong cuộc họp nội các ngày 8/7, Tổng thống Trump khẳng định: “Một lá thư có nghĩa là một thỏa thuận”. Nhưng thực tế cho thấy không phải quốc gia nào cũng đồng tình với cách hiểu này.
Trong tất cả các lá thư, ngoại trừ thư gửi cho Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, ông Trump đều nhấn mạnh đến vấn đề thâm hụt thương mại mà Mỹ đang phải gánh chịu, đồng thời cáo buộc các quốc gia đang áp dụng những chính sách cản trở hàng hóa Mỹ tiếp cận thị trường của họ. Tổng thống Mỹ cũng khuyến khích các đối tác nước ngoài nên sản xuất hàng hóa ngay tại Mỹ nếu muốn tránh bị áp thuế.
Đáng chú ý, ông Trump còn cảnh báo sẽ tăng thuế mạnh hơn nếu các nước có hành động trả đũa bằng cách đánh thuế lên hàng hóa Mỹ.
Cũng trong tuần này, ông Trump đã quyết định gia hạn thời hạn đàm phán thêm một tháng, từ mốc ban đầu là 0h01 sáng 10/7 sang ngày 1/8. Theo kế hoạch ban đầu, các quốc gia không ký kết thỏa thuận thương mại với Mỹ đúng hạn sẽ lập tức đối mặt với mức thuế cao hơn.
Ông Trump cũng tuyên bố sẽ mở rộng cuộc chiến thương mại bằng việc áp thuế 50% đối với đồng nhập khẩu, và sớm triển khai các mức thuế đã đe dọa từ lâu đối với chất bán dẫn và dược phẩm – những lĩnh vực nhạy cảm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sắp đạt thỏa thuận với châu Âu?
Giữa lúc đối đầu thương mại lan rộng, Tổng thống Trump cho biết các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU), đối tác thương mại song phương lớn nhất của Mỹ, đang có tiến triển tốt. “Trước đây họ đối xử với chúng ta rất tệ, còn bây giờ thì rất tốt. Thật sự giống như một thế giới khác”, ông Trump nói.
Ông tiết lộ có thể sẽ thông báo cho EU trong vòng 2ngày về mức thuế mà khối này có thể phải đối mặt khi xuất khẩu sang Mỹ.

Tại châu Âu, Trưởng đoàn đàm phán thương mại EU, ông Maros Sefcovic cho biết hai bên đang đạt được nhiều tiến bộ trong một thỏa thuận khung, và có thể hoàn tất trong vài ngày tới, sau khi Mỹ gia hạn thời hạn đàm phán từ ngày 9/7 đến ngày 1/8.
Tuy vậy, Bộ trưởng Kinh tế Ý Giancarlo Giorgetti cảnh báo rằng các cuộc đàm phán “rất phức tạp” và có thể kéo dài đến phút chót. Các quan chức EU cùng đại diện ngành ô tô xác nhận hai bên đang thảo luận nhiều biện pháp để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô châu Âu, bao gồm giảm thuế, thiết lập hạn ngạch nhập khẩu và tín dụng dựa trên giá trị xuất khẩu.
Bất chấp loạt tuyên bố mới, thị trường chứng khoán Mỹ gần như không phản ứng, trong khi đồng yên tiếp tục suy yếu sau khi Nhật Bản bị nhắm đến trong đợt áp thuế mới.
Theo ước tính của nhóm nghiên cứu Yale Budget Lab, mức thuế thực tế mà người tiêu dùng Mỹ phải chịu đã tăng lên 17,6%, cao nhất kể từ năm 1934. Chính quyền Tổng thống Trump đã quảng bá các khoản thuế này như một nguồn thu lớn, với khoảng 100 tỷ USD đã thu được tính đến nay, và có thể đạt 300 tỷ USD vào cuối năm. Trung bình mỗi năm Mỹ thu về khoảng 80 tỷ USD từ thuế quan trong các năm gần đây.
Từ tháng 4, ông Trump đã cam kết đạt “90 thỏa thuận trong 90 ngày”, khi công bố danh sách các mức thuế cụ thể cho từng quốc gia. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có hai thỏa thuận được ký kết, với Anh và Việt Nam. Một thỏa thuận với Ấn Độ cũng đang được xúc tiến.