Apax Holdings (IBC) của Shark Thủy tiếp tục bị nhắc vì chậm nộp báo cáo tài chính quý 4/2022

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa có văn bản nhắc nhở Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (Mã chứng khoán IBC) do vi phạm quy định về công bố thông tin.

Cụ thể, ngày 31/1, HoSE đã có công văn nhắc nhở CTCP Đầu tư Apax Holdings - IBC về việc chậm nộp báo cáo tài chính quý 4/2022. Tuy nhiên đến thời điểm ngày 8/2, HoSE vẫn chưa nhận được Báo cáo của công ty.

"Để đảm bảo thông tin đầy đủ đến nhà đầu tư, HoSE nhắc nhở lần 2 và đề nghị IBC khẩn trương công bố thông tin BCTC quý IV/2022", văn bản ghi rõ.

HoSE ra văn bản nhắc nhở lần 2 về việc chậm nộp báo cáo tài chính quý 4.2022 đối với Công ty của Shark Thủy  
HoSE ra văn bản nhắc nhở lần 2 về việc chậm nộp báo cáo tài chính quý 4.2022 đối với Công ty của Shark Thủy  

Theo quy định tại Điểm C Khoản 3 Điều 14 Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán: "Tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố BCTC quý trong thời hạn 20 ngày từ ngày kết thúc quý. Trường hợp tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ của tổ chức khác hoặc đơn vị kế toán cấp trên có đơn vị kế toán trực thuộc tổ chức bộ máy kế toán riêng thì phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý".

Việc chậm nộp BCTC có thể khiến công ty bị xử phạt. Theo Khoản 3 Điều 33 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn, không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo tìm hiểu, việc chậm trễ nộp báo cáo tài chính của Apax Holdings rất có thể là do những khủng hoảng trước đó từ cuối năm 2022 nhưng đến giờ vẫn chưa có cách giải quyết triệt để.

Cụ thể, công ty của Shark Thuỷ đã rơi vào tình trạng “lao đao” khi những thông tin tiêu cực về tình hình hoạt động của các Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders thuộc hệ sinh thái của Apax Holdings như nợ học phí, nợ lương xảy ra.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu IBC cũng không khá hơn là bao bởi áp lực bán mạnh mẽ, thiết lập kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" với chuỗi giảm sàn 26 phiên liên tiếp, từ vùng 20.000 đồng/cp xuống dưới ngưỡng 3.000 đồng/cp. Vốn hoá theo đó “bay” hơn 1.300 tỷ đồng. Chốt phiên sáng 9/2, cổ phiếu IBC giảm về mức 2.890 đồng/cp.

BCTC quý III/2022 cho thấy, Apax Holdings ghi nhận doanh thu thuần trong quý gần 374 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Công ty giải thích nguyên nhân doanh thu hợp nhất giảm chủ yếu do doanh thu công ty mẹ giảm.

Lợi nhuận sau thuế chỉ còn 776 triệu đồng, trong khi quý III/2021 lãi sau thuế 5,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 6,4 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm vẫn tăng 12% đạt 38,5 tỷ đồng.

Apax Holdings (IBC) của Shark Thủy tiếp tục bị nhắc vì chậm nộp báo cáo tài chính quý 4/2022  
Apax Holdings (IBC) của Shark Thủy tiếp tục bị nhắc vì chậm nộp báo cáo tài chính quý 4/2022  

Trước đó, Egroup tiếp tục bị bán giải chấp hơn 800.000 cổ phiếu IBC của Apax Holdings. Theo đó, từ ngày 16/1 đến ngày 19/1, bằng phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh liên tục, Egroup đã bị CTCP Chứng khoán Mirae Asset bán giải chấp 836.052 cổ phiếu IBC, qua đó hạ sở hữu tại Apax Holdings xuống còn 34,943 triệu cổ phần, tương đương 42,02% vốn điều lệ công ty.

Giao dịch nâng số cổ phiếu IBC bị bán giải chấp của Egroup lên 14,75 triệu đơn vị, tương đương 17,73% vốn điều lệ Apax Holdings.

Trước đó, từ ngày 16/12 đến ngày 29/12, Chủ tịch HĐQT Egroup và Apax Holdings là ông Nguyễn Ngọc Thủy cũng bị CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) bán giải chấp 1,56 triệu cổ phiếu IBC. Giao dịch hạ sở hữu của Shark Thủy tại IBC xuống còn 6,174% vốn điều lệ, tương đương với 5,134 triệu cổ phần.

Việc Egroup và Chủ tịch Nguyễn Ngọc Thủy liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu diễn ra sau hàng loạt lùm xùm, mới nhất các công ty thuộc sở hữu và liên quan đến ông Nguyễn Ngọc Thuỷ đều xuất hiện trong danh sách nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Hà Nội trong tháng 11 với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Vào ngày 16/11 vừa qua, Cục Thuế TP Hà Nội đã ra 17 quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Apax Holdings tại 9 ngân hàng và các chi nhánh với số tiền hơn 5,62 tỷ đồng.

Liên quan vấn đề chậm nộp BCTC, trong văn bản nhắc nhở lần 1, ngoài Apax Holdings còn có Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), Tập đoàn FLC; Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC), Tập đoàn Dầu khí An Pha (ASP); Nhựa Đông Á (DAG)... cũng bị “nhắc nhở” do chậm nộp BCTC. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong danh sách trên đã có công văn xin tạm hoãn CBTT gửi UBCK trước đó.

Tùng Tâm

Theo Sở hữu trí tuệ