Bài 2: Đánh giá hoạt động cơ bản của KCNST để chuẩn bị lộ trình chuyển đổi

Trên cơ sở khái niệm và các yêu cầu tối thiểu về KCNST đã được quy định tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quy định quản lý KCN và Khu kinh tế, trước đó là Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về Quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, có thể xây dựng các bộ chỉ tiêu cụ thể để đánh giá KCNST. Đồng thời với việc xây dựng các văn bản pháp lý hướng dẫn thi hành về KCNST, có thể tiến hành thí điểm chuyển đổi KCN thông thường sang KCNST.

Kịch bản chuyển đổi cho mô hình kinh tế tuần hoàn: Góc nhìn từ lộ trình công nghiệp thông thường sang công nghiệp sinh thái

Lộ trình chuyển đổi

Để có thể xây dựng và phát triển KCNST ở Việt Nam, trên cơ sở tình hình phát triển hiện tại của các KCN, cách tiếp cận khả thi và có hiệu quả nhất là việc khuyến khích chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCNST. Việc chuyển đổi các KCN hiện hành sang KCNST cần được tiến hành thận trọng, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và điều chỉnh linh hoạt.

Bài 2: Đánh giá hoạt động cơ bản của KCNST để chuẩn bị lộ trình chuyển đổi - Ảnh 1
Lộ trình chuyển đổi sang mô hình KCNST ở Việt Nam

Đi kèm với từng giai đoạn nêu trên là các cơ chế chính sách tương ứng, có sự tham gia của nhiều bên liên quan như Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương. Trên cơ sở khái niệm và các yêu cầu tối thiểu về KCNST đã được quy định tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quy định quản lý KCN và Khu kinh tế, trước đó là Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về Quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, có thể xây dựng các bộ chỉ tiêu cụ thể để đánh giá KCNST. Đồng thời với việc xây dựng các văn bản pháp lý hướng dẫn thi hành về KCNST, có thể tiến hành thí điểm chuyển đổi KCN thông thường sang KCNST. Việc rà soát lựa chọn ra các KCN có nhiều tiềm năng chuyển để tiến hành thí điểm có thể dựa trên các tiêu chuẩn bổ sung (ngoài các tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP) sau:

(1) Khả năng mở rộng của KCN để có thể hình thành đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật dùng chung, và kết cấu hạ tầng xã hội.

(2) Sự tương thích về loại hình công nghiệp trên cơ sở các dòng nguyên vật liệu, năng lượng và sản phẩm, phế phẩm, chất thải. Các KCN đa ngành có thể có nhiều tiềm năng trao đổi chất thải tái sử dụng, nhưng ít tiềm năng hợp tác, liên kết sản xuất. Ngược lại, các KCN chuyên ngành sẽ thuận lợi hơn trong việc liên kết sản xuất, đào tạo, trao đổi thông tin, sử dụng chung hạ tầng, thiết bị nhưng gặp khó khăn trong sử dụng chất thải của nhau.

(3) Sự tương thích về quy mô giữa các nhà máy, DN trong KCN để có thể khép kín các vòng tuần hoàn vật chất.

(4) Sự hợp lý của khoảng cách giữa các nhà máy, DN để có thể giảm chi phí vận tải chất thải và vận hành cơ sở hạ tầng dùng chung.

Từ các KCN đã lựa chọn, Cơ quan quản lý nhà nước về KCNST (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kết hợp với các Ban quản lý các KCN cấp tỉnh tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến thông tin liên quan về:

(1) Các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường của việc chuyển đổi.

(2) Các kinh nghiệm và sáng kiến về quản lý, kinh tế, môi trường, xã hội cho việc chuyển đổi.

(3) Các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các DN tham gia chương trình thí điểm chuyển đổi.

(4) Các rủi ro, bất lợi có thể có của việc chuyển đổi.

(5) Tìm kiếm sự ủng hộ của chính quyền và cộng đồng địa phương.

Cơ quan quản lý nhà nước về KCNST chủ động việc triển khai thí điểm KCNST có thể thực hiện theo trình tự như sau:

(1) Mời các DN và công ty hạ tầng tham gia Chương trình thí điểm chuyển đổi. Việc tham gia của các KCN và DN nêu trên hoàn toàn tự nguyện.

(2) Các KCN và DN được hỗ trợ các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhân lực khi tham gia Chương trình thí điểm.

(3) Song song với đó cơ quan quản lý nhà nước về KCNST hướng dẫn/áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính phù hợp với nhu cầu của DN và yêu cầu của nhà tài trợ.

(4) Trong quá trình thực hiện đó tiến hành đánh giá lại và rà soát thông tin về các KCN đã chọn và DN đăng ký tham gia Chương trình. Giấy chứng nhận được cấp có thời hạn cho các DN và KCN đáp ứng các tiêu chí đã chọn.

(5) Tiếp tục lựa chọn nhóm DN trong một KCN hoặc một vài KCN có tiềm năng nhất để thực hiện các biện pháp chuyển đổi hoặc thực hiện các liên kết. Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về DN và KCNST để đảm bảo việc phát triển và chuyển đổi sang KCNST được thuận lợi, có các thông tin cập nhật trong việc quản lý và hỗ trợ chuyển đổi.

Trong trường hợp, việc thí điểm chuyển đổi KCN thông thường sang KCNST có những triển vọng thì có thể mở rộng việc chuyển đổi. Các bước tiến hành mở rộng chuyển đổi sang KCNST sau khi đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá quá trình chuyển đổi sang KCNST bao gồm:

(1) Đánh giá thành tựu, khó khăn của các KCN tham gia Chương trình thí điểm chuyển đổi.

(2) Đánh giá ưu nhược điểm của các cơ chế, chính sách áp dụng trong giai đoạn thí điểm.

(3) Điều chỉnh các tiêu chí, ngưỡng và chỉ số đánh giá các DN và KCN theo hướng bền vững.

(4) Điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tiễn.

(5) Cấp giấy chứng nhận trên diện rộng đối với các DN và KCN có nhu cầu và đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

(6) Rà soát lại và bổ sung dữ liệu về các DN và KCN.

(7) Tiếp tục các biện pháp phổ biến thông tin, quảng bá hình ảnh về các KCNST.

(8) Tiến hành chuyển đổi các KCN và/hoặc nhóm DN đáp ứng được các tiêu chí đã đề ra.

Xây dựng KCNST là một quá trình, với nền tảng đầu tiên và quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế về KCNST, bao gồm pháp luật, chính sách, định hướng quản lý, phát triển KCN nói chung và KCNST nói riêng, pháp luật về môi trường, hệ thống chỉ tiêu về KCNST. Theo đó, cần có chiến lược, khung chính sách tổng thể quốc gia để phát triển và chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCNST.

Bài 2: Đánh giá hoạt động cơ bản của KCNST để chuẩn bị lộ trình chuyển đổi - Ảnh 2
 

Đối với từng KCN cụ thể, việc triển khai gồm 3 bước cơ bản: (1) Xây dựng kế hoạch chuyển đổi/phát triển KCN thành KCNST; (2) Triển khai kế hoạch; và (3) Giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh kế hoạch. Việc xây dựng được xem xét trên các đánh giá, dự báo về lĩnh vực sản xuất của KCN, phân tích thị trường, xác định chuỗi giá trị và cụm liên kết ngành của KCN, năng lực cạnh tranh của KCN, cũng như các bên có liên quan trong quy trình chuyển đổi/phát triển. Thực hiện chuyển đổi cần xem xét theo từng cấu phần của Kế hoạch chuyển đổi được xác định, bao gồm việc nâng cao năng lực cho KCN, lựa chọn doanh nghiệp tham gia thực hiện các giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) và triển khai các bước để áp dụng RECP trong doanh nghiệp. Cuối cùng, quá trình thực hiện cần được giám sát, đánh giá theo hệ tiêu chí về KCNST để rút kinh nghiệm, điều chỉnh Kế hoạch phù hợp.

Các hoạt động cơ bản của KCNST

Bài 2: Đánh giá hoạt động cơ bản của KCNST để chuẩn bị lộ trình chuyển đổi - Ảnh 3
Kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt.

Một là, hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp trong KCN, gắn với quá trình khai thác, sử dụng nguyên, nhiên liệu, năng lượng và hạ tầng dùng chung của KCN. Quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thể hiện các dòng lưu chuyển nước, năng lượng, vật liệu và chất thải trong KCN và việc khai thác hạ tầng dùng chung. Các dòng lưu chuyển trong KCNST vận hành theo chu trình khép kín hơn so với trong KCN truyền thống, kết nối giữa các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp với nhau để tận dụng tối đa cho quá trình sản xuất. Hoạt động sản xuất được thực hiện trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường, lao động trong KCN. Hoạt động này gắn liền với nhóm chủ thể số 3 và 4. .

Hai là, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng. Đây là việc đổi mới công nghệ, quy trình, kỹ thuật quản lý chất thải, sử dụng năng lượng, nước, vật liệu và cơ sở hạ tầng trong KCN đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường và phù hợp với chính sách phát triển bền vững của doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN. Việc đổi mới các loại công nghệ, kỹ thuật này giúp quá trình sản xuất trở nên thân thiện hơn với môi trường đồng thời với cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong KCN. Đây là các hoạt động do nhóm chủ thể số 3 và 5 thực hiện.

Ba là, hoạt động hỗ trợ và khuyến khích. Như đã nêu trên, chính sách hỗ trợ của Nhà nước là thành tố quan trọng để thúc đẩy các KCNST. Hoạt động hỗ trợ, khuyến khích không chỉ bao gồm các hỗ trợ về tài chính, công nghệ trong KCN mà còn phải đồng bộ với việc bảo đảm các điều kiện ngoài KCN (nâng cao chất lượng lao động, hạ tầng kết nối, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội). Đây là hoạt động do nhóm chủ thể số 1 và 2 thực hiện

Bốn là, hoạt động xã hội. Đây là hoạt động của các doanh nghiệp kết nối với cộng đồng và thực hiện chính sách xã hội cho người lao động. Đây là các hoạt động liên quan đến nhóm chủ thể số 6.

(Còn tiếp)

Nguyễn Thiệu Anh - Phạm Hồng Điệp và Cộng sự

Theo Kinh doanh và Phát triển