Bài toán thua lỗ, nợ nần của Apax Holdings khi nào được giải quyết?
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của CTCP Đầu tư Apax Holdings (Apax Holdings – Mã chứng khoán: IBC) cho thấy nợ vay của doanh nghiệp này đang tăng rất nhanh, và việc đầu tư vào nhiều mảng, dàn trải ở nhiều lĩnh vực khiến cho Apax Holdings “nợ càng thêm nợ”. Mặt khác, doanh thu ghi nhận trong báo cáo tài chính cũng mập mờ, khó giải thích.
“Dấu hỏi” trong lợi nhuận
Theo báo cáo riêng lẻ công ty mẹ – Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (HOSE – mã IBC) do ông Nguyễn Ngọc Thuỷ (Shark Thủy) làm chủ tịch HĐQT, hết quý IV/2020, tổng tài sản của Công ty Cổ phần đầu tư Apax Holdings đạt 3.303 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2019. Lợi nhuận trước thuế quý cuối năm của doanh nghiệp này đạt gần 73 tỷ đồng, cao vọt so với mức lỗ 15 tỷ đồng cùng kỳ 2019.
Nhưng tổng số công nợ phải thu được ghi nhận tại thời điểm cuối năm là 1.174 tỷ đồng. Và khoản phải thu của Apax Holdings đã tăng thêm 775 tỷ đồng trong năm 2020. Trong đó, hơn 833 tỷ đồng là các khoản đặt cọc cho các hợp đồng mua cổ phần, xây dựng nhà trẻ, trường học, thương mại dịch vụ, văn phòng…
Rõ ràng, mức tăng trong tổng tài sản của Apax Holdings không đến từ sự cải thiện chất lượng tài sản. Bởi hầu hết tài sản của Apax Holdings không thể sinh lời, mà đang nằm đọng trong các công nợ phải thu của doanh nghiệp. Đối với các nhà đầu tư, điều này được xem là khá rủi ro, đặc biệt là khi các khoản phải thu là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Apax Holdings.
Năm 2020, doanh thu của Apax Holdings đạt hơn 1.950 tỷ đồng, tăng gần 17% tuy nhiên lợi nhuận gộp lại giảm 7% xuống 720 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế vẫn tăng nhẹ so với năm trước lên mức 108 tỷ đồng nhờ doanh thu bất thường từ hoạt động tài chính, cao gấp 3 lần doanh thu tài chính trong năm 2019.
Đặc biệt, trong khoản mục doanh thu hoạt động tài chính của Apax Holdings có ghi nhận gần 42,6 tỷ đồng là “Lãi dự thu khoản đặt cọc với ông Nguyễn Ngọc Thủy” (còn được biết đến với tên gọi Shark Thủy, là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Apax Holdings). Về nguyên tắc, những khoản lãi dự thu là khoản tiền dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lời. Do đó, khoản dự thu này không thể được hạch toán như một kết quả kinh doanh thực sự tại thời điểm lập báo cáo. Khoản dự thu này sẽ phải được hạch toán vào tài sản phải thu khác của doanh nghiệp.
Như vậy, có thể hiểu rằng, một phần lợi nhuận của Apax Holdings được ghi nhận trong báo cáo tài chính chỉ là lợi nhuận hơi, không có thực ở hiện tại. Lợi nhuận thực tế của Apax Holdings trong năm qua ít hơn nhiều, chỉ khoảng trên 60 tỷ đồng.
Được biết, Apax Hodings đã chuyển cho Shark Thủy khoảng 165 tỷ đồng tiền đặt cọc và lãi đặt cọc mua cổ phần Công ty Anh ngữ Apax theo thoả thuận chuyển nhượng ngày 2/1/2020. Do đó, phần lãi dự thu từ khoản này, dù chưa thu được, Apax Holdings vẫn đưa vào lợi nhuận thu về của công ty.
Đến cuối năm 2020, Apax Holdings huy động thêm 300 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 12,5%/năm. Mục đích của đợt phát hành được Apax Holdings công bố dự kiến là 250 tỷ đồng để cơ cấu nợ, 50 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động cho công ty.
Cơn khát vốn của Apax Holdings vẫn chưa dừng lại khi mới đây, công ty đã công bố phát hành 2 triệu trái phiếu (tương đương 200 tỷ đồng) để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.
Được biết, năm thứ hai trong nhiệm kỳ HĐQT 2017-2020 tại Apax Holdings, ông Thủy tham gia Shark Tank, chương trình truyền hình thực tế về kinh doanh khởi nghiệp (start-up) tạo nên cơn sốt trong giới trẻ và giới tài chính. Chương trình cũng là cầu nối cho sự phát triển của Apax Leaders, chuỗi trung tâm Anh ngữ thành lập cách đó 3 năm của Shark Thủy. Apax dần trở thành cái tên nổi bật trên thị trường giáo dục, Shark Thủy cũng tỏ ra mát tay trong việc huy động vốn thời điểm đó.
Mất cân bằng tài chính dẫn đến sự nhập nhằng trong báo cáo?
Tính đến 31/12/2020, tiền và các khoản tương đương tiền tại Apax Holdings giảm mạnh 62% so với đầu năm, xuống còn 203,4 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn lên mức 1.078 tỷ đồng, gấp 4 lần so với đầu năm; hàng tồn kho tại Apax Holdings tăng lên mức 52,6 tỷ đồng gấp 2,5 lần so với đầu năm; nợ phải trả cũng tăng 14% lên mức gần 2.245 tỷ đồng. Vốn bị nằm kẹt từ khách hàng, các dự án đầu tư dàn trải, trong khi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng ít nhiều bởi dịch bệnh Covid-19. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Apax Holdings bị hao hụt, âm 736 tỷ đồng, dòng tiền thuần trong năm âm 327 tỷ đồng.
Do đó, góp phần khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2020 của IBC âm hơn 736,4 tỷ đồng trong khi năm 2019 dương hơn 538 tỷ đồng.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh thường phản ánh chính xác chất lượng kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm nhiều sẽ không đủ bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông. Từ đó, doanh nghiệp dễ bị kéo chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau. Và minh chứng là khối nợ tại Apax Holdings tiếp tục tăng.
Đáng lưu ý, nợ ngắn hạn tại Apax Holdings luôn vượt quá tài sản ngắn hạn trong năm 2020 và nhiều năm nay.
Cụ thể, cuối năm 2020, nợ ngắn hạn ghi nhận 1.694 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, trong khi đó tài sản ngắn hạn tại Apax Holdings chỉ đạt gần 1.371 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2020 của Apax Holdings, rất nhiều chi tiết thuyết minh của báo cáo đã bị công ty lược bớt, không đầy đủ. Cụ thể, các thuyết minh về khoản phải thu khác như tiền đặt cọc, ký hợp đồng, ký quỹ không được đưa vào báo cáo tài chính.
Khoản nợ hơn 400 tỷ đồng từ trái phiếu phát hành cũng không có thuyết minh rõ ràng có phải trái phiếu chuyển đổi hay không. Hoặc như khoản đầu tư 15 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng, thời hạn 7 năm (2018 – 2025) tại sao “không cánh mà bay” cũng không có bất kỳ thuyết minh cụ thể nào ngoài vài dòng lưng chừng cắt ngang khó hiểu.
Chi tiết “khó hiểu” trong báo cáo tài chính của Apax Holdings nữa là, trong phần kết quả kinh doanh của công ty, khoản mục “chi phí lãi vay” được ghi nhận là 13,7 tỷ đồng, giảm 66% so với năm 2019. Nhưng trong phần thuyết minh, “chi phí lãi vay” lại được ghi nhận tới hơn 58,6 tỷ đồng, một con số chênh lệch khá lớn. Không rõ đây là sự nhầm lẫn vô ý của người lập báo cáo hay nó đến từ sự mập mờ của người thực hiện nhiệm vụ.
Những mù mờ trong bản báo cáo tài chính cho thấy liệu Apax Holdings có đang bị mất cân bằng tài chính? Và dù bản báo cáo của công ty có đưa ra lợi nhuận nhiều hơn, thì cũng không phản ánh được thực tế tình hình kinh doanh đang suy yếu của mình.