Bán hết cổ phiếu và rút khỏi PC1, nhóm BEHS thu về 2.000 tỷ đồng
Sau hơn nhiều năm đầu tư vào PC1, số lượng cổ phiếu PC1 mà nhóm BEHS nắm giữ đã gia tăng từ 47,1 triệu đơn vị lên hơn 73,4 triệu đơn vị sau nhiều lần chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Khoản đầu tư của nhóm BEHS cũng có thể lãi gấp đôi nếu bán thành công toàn bộ số cổ phiếu PC1 đăng ký.
Ba doanh nghiệp là Công ty Cổ phần BEH, Công ty Cổ phần BEHS và Công ty Cổ phần BES vừa đăng ký bán ra toàn bộ cổ phiếu PC1 của Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 (HoSE: PC1).
Cụ thể, BEH đăng ký bán ra gần 11 triệu cổ phiếu PC1, tương đương 3,53% vốn. BEHS đăng ký bán ra gần 53,9 triệu cổ phiếu PC1, tương đương 17,32% vốn. BES đăng ký bán ra hơn 8,5 triệu cổ phiếu PC1, tương đương 2,76% vốn.
Tổng cộng, nhóm BEHS đăng ký bán ra hơn 73,4 triệu cổ phiếu PC1, tương đương 23,61% vốn. Tạm tính theo thị giá của PC1, số tiền mà nhóm này dự kiến thu về khi thoái vốn PC1 là 2.000 tỷ đồng.
Người nội bộ liên quan đến nhóm cổ đông này là ông Mai Lương Việt, thành viên HĐQT PC1. Ông Việt hiện đồng thời là phó tổng giám đốc BEHS, công ty mẹ của BEH và BES.
Được biết, nhóm BEHS xuất hiện tại PC1 kể từ khi BEHS mua số lượng lớn cổ phiếu từ phía Dragon Capital vào hồi tháng 5/2020. Ngay sau đó, công ty tiếp mua vào cổ phiếu PC1 để gia tăng tỷ lệ sở hữu lên mức 17,76%, trở thành cổ đông lớn thứ 2 sau ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT PC1 (nắm giữ 18,1%).
Đến tháng 10/2021, 2 doanh nghiệp trong nhóm BEHS là BEH và BES mua vào lần lượt 6,92 triệu và 5,4 triệu cổ phiếu PC1, đưa tổng số lượng lên hơn 47 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu cả nhóm lên mức 24,6%.
Tạm tính theo thị giá của PC1 tại thời điểm mà nhóm BEHS mua vào, số tiền mà nhóm cổ đông này đã chi để nắm giữ cổ phiếu PC1 là hơn 1.000 tỷ đồng.
Sau hơn nhiều năm đầu tư vào PC1, số lượng cổ phiếu PC1 mà nhóm BEHS nắm giữ đã gia tăng từ 47,1 triệu đơn vị lên hơn 73,4 triệu đơn vị sau nhiều lần chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Khoản đầu tư của nhóm BEHS cũng có thể lãi gấp đôi nếu bán thành công toàn bộ số cổ phiếu PC1 đăng ký.
Về tình hình kinh doanh, quý III/2023, PC1 ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.220 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu của sự suy giảm trên là mảng xây lắp và thiết bị ngành điện – mảng cốt lõi, giảm rất sâu (-79%), chỉ đạt 477 tỷ đồng. Trong khi đó, các mảng khác đều có sự tăng trưởng: sản xuất công nghiệp (tăng 77%, đạt 401 tỷ đồng), kinh doanh bất động sản (tăng 4%, đạt 7 tỷ đồng), bán điện (tăng 18%, đạt 380 tỷ đồng), bán hàng hóa, vật tư (tăng 45%, đạt 139 tỷ đồng).
Dù doanh thu suy giảm, song nhờ cải thiện giá vốn, lợi nhuận gộp quý III/2023 tăng 35%, đạt 534 tỷ đồng.
Trong quý, PC1 ghi nhận thêm 42 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 91%, đồng thời giảm được 13% chi phí quản lý (đạt 83 tỷ đồng).
Chốt quý III, PC1 báo lãi trước thuế 140 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Khấu trừ thuế, lợi nhuận còn 100 tỷ đồng, tăng gấp 22 lần.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của PC1 đạt 5.197 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế luỹ kế giảm 26% so với cùng kỳ năm trước, đạt 224 tỷ đồng. Lợi nhuận sau khấu trừ thuế đạt159 tỷ đồng, giảm 36%.
Cổ phiếu PC1 đóng cửa phiên 17/1 ở mức giá 27.250 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hoá thị trường ước tính hơn 8.400 tỷ đồng.