Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Vành đai 4 - TP.HCM 'lên bàn' Thủ tướng
UBND TP.HCM đã có văn bản số 7515/TTr-UBND trình đến Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP. HCM.
Theo tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Vành đai 4 TP. HCM có mục tiêu tạo ra trục giao thông chiến lược kết nối vùng Đông Nam bộ với Tây Nam bộ và Tây Nguyên góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuyến vành đai hình thành cũng sẽ mở không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng nguồn lực đất đai, góp phần hình thành tuyến vành đai công nghiệp, đô thị, logistics...
Tổng chiều dài dự án Vành đai 4 TP. HCM trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dài 159,31 km.
Trong đó, dự án qua Bà Rịa-Vũng Tàu 18,23 km, qua Đồng Nai 46,08 km, qua TP. HCM dài khoảng 16,7 km, qua Long An dài 78,3 km (bao gồm đoạn qua Long An dài 74,5 km, đoạn qua địa phận TP. HCM dài 3,8 km).
Riêng đoạn đi qua tỉnh Bình Dương khoảng 47,95 km (không thuộc phạm vi dự án) đã được địa phương đầu tư 8,12 km, đoạn xây dựng mới 39,33 km đang triển khai đầu tư theo chủ trương đã được HĐND tỉnh thông qua. Đối với đoạn 12 km đường đô thị trên Vành đai 4, UBND tỉnh Bình Dương đang triển khai điều chỉnh để đảm bảo tiêu chuẩn đường cao tốc đồng bộ với quy mô toàn dự án, theo ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải.
Vành đai 4 TP. HCM sẽ được đầu tư với vận tốc thiết kế 100 km/giờ; mặt cắt ngang 6 - 8 làn xe cao tốc, có đường song hành 2 bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng.
Các địa phương sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn. Tuyến chính cao tốc sẽ đầu tư 4 làn và 2 làn khẩn cấp, đồng thời các địa phương làm đường gom, đường song hành hai bên.
Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 122.774,28 tỷ đồng, thực hiện theo hợp đồng BOT.
Sau khi chủ trương dự án được thông qua, các địa phương kể trên sẽ chủ động lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2025 và triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư giai đoạn từ 2025-2026.
Các dự án thành phần qua từng địa phương dự kiến sẽ khởi công xây dựng từ quý III năm 2026 và hoàn thành vào năm 2028.
TP. HCM và các địa phương cũng kiến nghị 12 cơ chế chính sách đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư dự án, phạm vi áp dụng các cơ chế đặc thù cho toàn bộ tuyến đường Vành đai 4 TP. HCM, bao gồm cả đoạn qua tỉnh Bình Dương.