Đất nền quanh dự án đường Vành đai 4: “Nổi sóng” dịp cuối năm, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng

Không còn chìm đắm trong thông tin cắt lỗ, thị trường đất nền gần dự án Vành đai 4 đang ghi nhận sự hồi phục rõ rệt. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư trước khi xuống tiền nhà đầu tư, người mua cần tìm hiểu kỹ về lịch sử giá và tiến độ triển khai đường Vành đai 4 để tránh mua hớ.

 

Đất nền quanh dự án đường Vành đai 4: “Nổi sóng” dịp cuối năm, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng - Ảnh 1

Cơn sốt nhẹ

Vào cuối tháng 6/2023, đường vành đai 4 – một tuyến đường huyết mạch, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của thủ đô và các vùng lân cận chính thức được khởi công. Được biết, đường vành đai 4 có chiều dài toàn tuyến là 112,8 km, trong đó, đoạn đi qua Hà Nội là 56,5 km.

Dự án đi qua các quận/huyện: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín. Ngoài yếu tố thị trường bất động sản dần hồi phục, đây là một trong những yếu tố khiến phân khúc đất nền được quan tâm.

Sự kiện khởi công dự án đường Vành đai 4 đã tạo nên các cơn sốt nhẹ đất nền vành đai 4 khi đó. Sở dĩ chỉ là cơn sốt nhẹ, thay vì những cơn sốt nóng bỏng khi có thông tin tích cực về hạ tầng, quy hoạch là bởi thời điểm tháng 6/2023, thị trường bất động sản nói chung vẫn đang “chìm” trong khó khăn kéo dài từ 2022. Chính bởi vậy mà các thông tin hạ tầng giao thông tích cực không đủ sức tạo nên cơn sóng thị trường bất động sản như giai đoạn thị trường nóng sốt các năm trước.

Suốt năm 2024, thị trường bất động sản ghi nhận những chuyển biến tích cực hơn. Đặc biệt, các luật liên quan đến thị trường bất động sản là Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực từ 1/8/2024 đã tạo những tiền đề tích cực và thúc đẩy thị trường từng bước phục hồi và đi lên. Trong đó, các quy định với đất nền như việc siết chặt quy định về phân lô bán nền tại các loại đô thị đặc biệt, loại I, II, III theo Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 có hiệu lực từ 1/1/2025 hay UBND TP.Hà Nội ban hành: ở các phường, thị trấn nếu muốn tách thửa đất ở thì thửa đất phải có diện tích tối thiểu 50 m2, áp dụng từ ngày 7/10 là những yếu tố khiến nguồn cung đất nền ra thị trường không ồ ạt mà có sự chuẩn chỉnh về pháp lý. Điều này khiến nguồn cung hiện hữu, đảm bảo các yếu tố pháp lý trên được giới đầu tư săn đón.

Dự án đường Vành đai 4 đã tạo cú hích cho thị trường bất động sản quanh khu vực.
Dự án đường Vành đai 4 đã tạo cú hích cho thị trường bất động sản quanh khu vực.

Khảo sát của Batdongsan.com.vn với các môi giới địa phương ghi nhận lượng nhà đầu tư tìm hiểu đất nền vành đai 4 thời điểm quý cuối cùng của năm có xu hướng tăng khoảng 30% so với các quý trước đó.

Tại các khu vực có đường vành đai 4 đi qua như Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Oai, Đan Phượng, tùy từng khu vực, lượng giao dịch cũng tăng từ 10-20% so với các tháng của quý 3/2024. Trên thực tế, dòng tiền đầu tư thường có xu hướng dồi dào hơn vào cuối năm. Giới đầu tư có tài chính nhàn rỗi đang khởi động kế hoạch săn hàng nên thị trường đất nền vành đai 4 cũng đang trở nên sôi nổi hơn.

“Nổi sóng” nhưng nhà đầu tư cần cẩn trọng

Sau khi “nổi sóng” trước thông tin khởi công dự án Vành đai 4, càng về những tháng cuối năm, nhiều lô đất nền ven đường vành đai 4 đi qua các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Thường Tín, Hoài Đức (TP Hà Nội) lại tiếp tục được chủ tăng giá rao bán.

Theo khảo sát, tại huyện Sóc Sơn, các khu vực như xã Thanh Xuân, Minh Trí, Hiển Ninh…, thời điểm đầu năm, các lô đất trong ngõ ô tô di chuyển dao động khoảng 17-21 triệu đồng/m2 thì hiện đã tăng lên 20-26 triệu đồng/m2. Còn các lô đất ở mặt đường lớn có thể kinh doanh, đầu năm có giá 27-33 triệu đồng/m2, nay lên 35-40 triệu đồng/m2, tăng 20-30%.

Tại xã Nhị Khê và Ninh Sở (huyện Thường Tín, TP Hà Nội), hiện nay, giá đất tại mặt đường lớn kinh doanh đang dao động từ 90 triệu đồng/m2 đến 95 triệu đồng/m2, tăng 20% so với đầu năm.

Tại huyện Hoài Đức (TP Hà Nội), giá nhà đất trong ngõ tại các khu vực có đường vành đai 4 chạy qua như Đức Thượng, Dương Liễu, Tiền Yên… đến nay đã tăng 20-30% so với đầu năm, lên mức 50-60 triệu đồng/m2.

Còn nằm ở mặt đường khu vực trung tâm tăng lên mức 100-130 triệu đồng/m2, tăng khoảng 20-25% so với đầu năm. Tại huyện Hoài Đức, giá đất nền thời gian qua tăng cao còn được đánh giá do tác động của các phiên đấu giá đất kỷ lục.

Tại huyện Mê Linh (TP Hà Nội), các khu vực Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa... nơi có đường vành đai 4 chạy qua, giá đất tại mặt đường lớn có giá dao động 40-55 triệu đồng/m2, tăng khoảng 20% so với đầu năm. Đất nền tại các ngõ ô tô có thể di chuyển có giá dao động 22-25 triệu đồng/m2, tăng gần 20% so với đầu năm.

Giá tăng cao, tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, nhà đầu tư nên cẩn trọng trước khi xuống tiền, tránh cuốn theo các thông tin quy hoạch hạ tầng, cơn sốt đất ảo trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn hồi phục. Thậm chí, một số nơi đang có hiện tượng tăng giá đất nền một cách vô căn cứ.

Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội - nhận định, hệ thống cơ sở hạ tầng, tiện ích đô thị thường là một trong những yếu tố có thể tác động tới giá trị của bất động sản.

Theo bà Hằng, một công trình hạ tầng giao thông thường được triển khai trong nhiều năm, theo từng giai đoạn nhất định. Nhà đầu tư cần nắm rõ hiện trạng quy hoạch, tiến độ hoàn thiện của các dự án thành phần để đưa ra quyết định phù hợp.

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) - nhận định, hạ tầng giao thông được xây dựng mới, mở rộng có thể đem lại giá trị lớn cho thị trường bất động sản lân cận. Theo đó, nhiều nhóm đầu cơ cũng lợi dụng các thông tin quy hoạch, triển khai dự án để đẩy giá bán.

Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án hạ tầng giao thông này phải mang tính dài hạn. Hơn nữa, các khu vực ven đường vành đai 4 giá đất đã có nhiều lần tăng giá lên mức cao. Do đó, trước khi xuống tiền nhà đầu tư, người mua cần tìm hiểu kỹ về lịch sử giá và tiến độ triển khai đường Vành đai 4 để tránh mua hớ.

An Nhiên

Theo Chất lượng và cuộc sống