Bảo Tín Mạnh Hải: Doanh thu gần 1.000 tỷ, đóng thuế chưa nổi 20 triệu
Số thuế thu nhập doanh nghiệp mà Công ty cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải phải đóng chỉ là 19,8 triệu đồng, quá nhỏ khi đặt cạnh doanh thu lên đến gần 1.000 tỷ đồng vào năm 2022.
Thương hiệu Vàng Bảo Tín được sáng lập bởi nữ doanh nhân Lương Thị Điểm (sinh năm 1936) tại thôn Bình Vọng, xã Bạch Đằng, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội.
Nghề kim hoàn đến với bà một cách tình cờ. Bà từng chia sẻ với truyền thông: “Ban đầu tôi ngồi bán hàng ở cổng chợ, tiền nhàn rỗi trong dân, người ta chọn mặt gửi vàng đưa tôi buôn bán, dần dần người ta biết mang tới tận nhà bán. Mình làm việc có tín, có tâm nên dần dần, nhiều người tin tưởng, có người vào tận nhà nhờ bán hộ vàng”.
Qua nhiều năm gây dựng và học hỏi, thương hiệu cửa hàng Nhà vàng Bảo Tín ra đời, sau đó đổi tên thành Doanh nghiệp tư nhân Vàng Bảo Tín.
Đây cũng là điểm tựa vững chắc cho 6 người con của bà theo nghề và phát triển thương hiệu Vàng Bảo Tín, gồm: Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Hồng Quân, Bảo Tín Mạnh Hải, Bảo Tín Thanh Vân, Bảo Tín Hoàng Long.
Bảo Tín Mạnh Hải tiền thân là một cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý tại địa chỉ 39 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội ra đời vào năm 1992. Cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính ban đầu đều hạn chế với 1 cửa hàng diện tích 7m2, vỏn vẹn 4 nhân sự và số vốn đầu tư ban đầu chỉ 3 cây vàng.
Trải qua chiều dài phát triển, Bảo Tín Mạnh Hải đã phát triển ngày càng lớn mạnh. Năm 2019, Bảo Tín Mạnh Hải chính thức trở thành một trong 17 doanh nghiệp kinh doanh, mua bán vàng miếng hợp pháp tại Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Theo thông tin trên website, hiện thương hiệu có 9 cơ sở tại Hà Nội và 2 chi nhánh tại Hải Dương và Bắc Ninh.
Khai mở 'đế chế' Bảo Tín Mạnh Hải
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải tiền thân là Công ty TNHH Bảo Tín Mạnh Hải, được thành lập vào tháng 7/1995, trụ sở hiện đóng tại số 39 Nguyễn Trãi, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính là "kinh doanh vàng trang sức, bạc, đá quý; kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; kinh doanh mua, bán vàng miếng".
Công ty TNHH Bảo Tín Mạnh Hải ban đầu có vốn điều lệ là 8 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập bao gồm: Nguyễn Thị Thanh Vân góp 4,8 tỷ đồng, nắm 60% cổ phần; Nguyễn Quang Tuyến và Vũ Hùng Sơn mỗi người góp 1,6 tỷ đồng, chia nhau 40% cổ phần còn lại.
Cuối năm 2015, Công ty TNHH Bảo Tín Mạnh Hải nâng vốn điều lệ từ 8 tỷ đồng lên thành 20 tỷ đồng. Lúc này, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông sáng lập không thay đổi, với số vốn góp lần lượt là: Nguyễn Thị Thanh Vân 12 tỷ đồng; Nguyễn Quang Tuyến và Vũ Hùng Sơn mỗi người 4 tỷ đồng.
Tháng 8/2017, Công ty TNHH Bảo Tín Mạnh Hải tiếp tục nâng vốn lên thành 35 tỷ đồng. Đồng thời, toàn bộ cổ phần của Nguyễn Quang Tuyến cũng được chuyển nhượng sang cho Vũ Sơn Tùng.
Tháng 11/2018, vốn điều lệ của Công ty TNHH Bảo Tín Mạnh Hải cán mốc 100 tỷ đồng Lúc này, Nguyễn Thị Thanh Vân góp 60 tỷ đồng, tương ứng 60% cổ phần; Vũ Sơn Tùng và Vũ Hùng Sơn mỗi người góp 20 tỷ đồng, tương ứng 20% cổ phần/người.
Tháng 12/2021, Công ty TNHH Bảo Tín Mạnh Hải chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải. Sau khi đổi tên, doanh nghiệp cũng thay đổi vị trí tổng giám đốc và người đại diện pháp luật từ bà Nguyễn Thị Thanh Vân (sinh năm 1961, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) sang cho ông Vũ Hùng Sơn (sinh năm 1984, cùng địa chỉ thường trú với bà Vân).
Cập nhật mới nhất vào tháng 3/2024, Công ty cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải đã nâng vốn điều lệ lên thành 200 tỷ đồng. Hiện ông Vũ Hùng Sơn là Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này.
Đáng chú ý, ông Vũ Hùng Sơn từng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) khi mới 33 tuổi (năm 2018).
Quá trình thăng tiến "thần tốc" của ông Vũ Hùng Sơn thời điểm đó gây xôn xao dư luận. Sau đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ làm rõ việc bổ nhiệm “thần tốc” Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đối với ông Vũ Hùng Sơn.
Chưa hết, ngoài Công ty cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải, ông Vũ Hùng Sơn và bà Nguyễn Thị Thanh Vân cũng là 3 cổ đông góp vốn thành lập Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Bảo Tín Mạnh Hải vào tháng 8/2023.
Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Bảo Tín Mạnh Hải ban đầu có vốn điều lệ là 5 tỷ đồng. Trong đó, Công ty cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải góp 3,25 tỷ đồng, sở hữu 65% cổ phần; bà Nguyễn Thị Thanh Vân góp 1 tỷ đồng, sở hữu 20% cổ phần; ông Vũ Hùng Sơn góp 750 triệu đồng, sở hữu 15% cổ phần còn lại.
Tháng 11/2023, Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Bảo Tín Mạnh Hải nâng vốn điều lệ từ 5 tỷ lên thành 45 tỷ đồng. Vị trí người đại diện pháp luật của doanh nghiệp cũng được chuyển từ ông Vũ Hùng Sơn sang cho ông Nguyễn Đức Anh (sinh năm 1988, trú tại phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội).
Ngoài 2 thương hiệu nêu trên, gia đình nhà Bảo Tín Mạnh Hải cũng góp vốn thành lập nên Công ty cổ phần Tập đoàn Bảo Tín vào tháng 6/2010. Trụ sở đạt cùng địa chỉ với Công ty cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải.
Từ số vốn điều lệ 320 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Bảo Tín bất ngờ giảm vốn điều lệ xuống còn 20 tỷ đồng vào tháng 9/2019. Trong đó, bà Nguyễn Thị Thanh Vân góp 14 tỷ đồng, sở hữu 70% cổ phần; Vũ Hùng Sơn góp 4 tỷ đồng, sở hữu 20% cổ phần; Vũ Mạnh Hải góp 2 tỷ đồng, nắm giữ 10% cổ phần còn lại.
Tháng 12/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Bảo Tín lại điều chỉnh nâng vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng lên thành 200 tỷ đồng; rồi tiếp tục nâng lên thành 250 tỷ đồng vào tháng 5/2023.
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Bảo Tín, ông Vũ Sơn Tùng (sinh năm 1996) hiện được phân công đảm nhận vai trò tổng giám đốc và đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Năm 2020, ông Vũ Sơn Tùng từng góp vốn thành lập Công ty cổ phần ô tô Sơn Tùng. Showroom Sơn Tùng Auto là một cái tên nổi tiếng trong giới chơi siêu xe tại thủ đô. Tại đây, khách hàng có thể tìm kiếm những mẫu xe sang đến từ nhiều thương hiệu như Mercedes, BMW, Toyota và thậm chí là cả xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk.
Tại thời điểm thành lập, Công ty cổ phần ô tô Sơn Tùng có vốn điều lệ là 10 tỷ đồng. Trong đó, Sầm Thị Huệ góp 4 tỷ đồng, sở hữu 40% cổ phần; Vũ Sơn Tùng và Nguyễn Quang Trọng mỗi người góp 3 tỷ đồng, chia nhau 60% cổ phần còn lại.
Sau nhiều lần thay đổi, tháng 4/2020, doanh nghiệp chỉ còn 2 cá nhân là bà Sầm Thị Huệ (66,010%) và ông Nguyễn Quang Trọng (33,99%). Ô tô Sơn Tùng sau đó đổi tên thành Công ty TNHH Huệ Minh Auto Việt Nam.
Ngoài ra, Vũ Sơn Tùng hiện còn góp vốn và đại diện pháp luật tại nhiều doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Bảo tín Capital (vốn điều lệ 3,5 tỷ đồng); Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý đầu tư Bảo Tín (vốn điều lệ 20 tỷ đồng); Công ty cổ phần Hồn Đất Việt (vốn điều lệ 55 tỷ đồng)...
Bảo Tín Mạnh Hải thu gần nghìn tỷ, đóng thuế chưa nổi 20 triệu
Theo báo cáo tài chính tổng hợp đã được kiểm toán vào năm 2022 của Công ty cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 162,2 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm đến 94%, tương đương số lượng hàng tồn kho đạt giá trị 136 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2022, Công ty cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải có tổng nợ phải trả là 64,3 tỷ đồng. Trong số này, có đến 60 tỷ đồng là nợ vay. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt mức 97,9 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, năm 2022, Công ty cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải ghi nhận doanh thu thuần đạt mức 933 tỷ đồng. Trừ đi giá vốn bán hàng, lợi nhuận gộp thu về của doanh nghiệp trong giai đoạn này chỉ còn lại 23,7 tỷ đồng.
Lãi gộp mỏng, lại bị bào mòn bởi hàng loạt chi phí như tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp... nên lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải vào năm 2022 chỉ còn lại hơn 1,9 tỷ đồng.
Trong năm 2022, số thuế thu nhập doanh nghiệp mà Công ty cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải phải đóng chỉ là 19,8 triệu đồng. Quá nhỏ bé khi đặt cạnh doanh thu lên đến gần 1.000 tỷ đồng của doanh nghiệp.
Trên bảng lưu chuyển tiền lệ, dòng tiên kinh doanh của Công ty cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải trong năm 2022 âm tới 47,3 tỷ đồng.
Về mặt lý thuyết, việc âm dòng tiền kinh doanh cho thấy doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm hoặc khó thu hồi tiền. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ chưa thu được tiền về. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ là điều báo động, bởi việc dòng tiền thiếu hụt sẽ khiến doanh nghiệp chìm vào gánh nặng nợ nần, kết quả kinh doanh đi xuống… Thậm chí có thể sẽ mất khả năng thanh toán.