Bất động sản hạng sang trở thành “tâm điểm” hút nhà đầu tư trong và ngoài nước

Bên cạnh các sản phẩm nhà ở thông thường, trong những năm qua, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đón nhận thêm nhiều sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp và cũng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, thượng lưu, phản ánh sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam.

Bất động sản hạng sang trở thành “tâm điểm” hút nhà đầu tư trong và ngoài nước - Ảnh 1

Đắt đỏ nhưng vẫn hút khách

Hiện chưa có định nghĩa cụ thể về BĐS hạng sang tại các văn bản pháp luật hiện hành, mà các sản phẩm này được định nghĩa bởi nhiều yếu tố khác nhau, từ vị trí đắc địa, thiết kế độc đáo, tiện ích cao cấp, đến dịch vụ quản lý tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, phân khúc này thường tập trung ở khu vực trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành có du lịch phát triển.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi quỹ đất ở khu vực trung tâm ngày càng khan hiếm, phân khúc BĐS hạng sang đang dần lan ra khu vực ven đô, nơi có không gian phát triển lớn hơn.

Theo báo cáo mới được Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) công bố, bất động sản hạng sang đang trở thành một phân khúc thị trường ngày càng thu hút sự quan tâm của giới trung lưu, thượng lưu Việt Nam và nước ngoài.

Dữ liệu nghiên cứu của VARS chỉ ra, trong vài năm trở lại đây, số lượng dự án BĐS hạng sang, bao gồm các dự căn hộ duplex, penthouse, biệt thự sang trọng có giá từ 80 triệu/m2. Các sản phẩm này đang không ngừng tăng ở các đô thị loại 1, nhất là tại Hà Nội.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, phân khúc BĐS hạng sang chiếm khoảng 25% nguồn cung BĐS mới, và có tỷ lệ hấp thụ khát tốt, đạt khoảng 64%. Nhiều khách hàng thậm chí còn phải "tranh nhau" trả thêm tiền "chênh" để sở hữu các sản phẩm hạng sang giới hạn hay có vị trí "vàng" trong dự án.

VARS đánh giá, đây là sản phẩm đặc thù đáp ứng nhu cầu đối với tầng lớp cư dân đặc biệt. Cụ thể, nhà ở không chỉ đòi hỏi cần đáp ứng công năng sử dụng mà còn phải đẹp, mang dấu ấn cá nhân của gia chủ và có các dịch vụ "đẳng cấp" như hồ bơi vô cực, spa, sân golf, bến du thuyền, và dịch vụ quản gia 24/7.

VARS dự báo, trong thời gian tới phân khúc BĐS hạng sang vẫn sẽ giữ mức tăng trưởng ấn tượng do sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, thượng lưu trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng bền vững.

Do đó theo VARS, việc phát triển các dự án BĐS hạng sang đáp ứng nhu cầu gia tăng nói trên không chỉ đem đến nguồn lợi nhuận đảm bảo cho các chủ đầu tư mà còn góp phần khẳng định vị thế của quốc gia trên bản đồ BĐS cao cấp thế giới.

Tuy nhiên, để duy trì sự phát triển bền vững, các chủ đầu tư cần chú trọng đến chất lượng, sáng tạo, và đáp ứng đúng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đây sẽ là yếu tố quyết định sự thành công trong cuộc đua chinh phục thị trường đầy tiềm năng này.

Động lực để tiếp tục tăng trưởng

Để sở hữu bất động sản hạng sang đòi hỏi người mua phải có một lượng tiền lớn, do đó đây được coi là phân khúc dành riêng cho tầng lớp trung lưu, thượng lưu. Khi số lượng người ngày càng nhiều đồng nghĩa với việc tiềm năng để phân khúc này phát triển sẽ ngày càng lớn.

Thực tế, Việt Nam có tốc độ tăng số triệu phú (người có giá trị tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên) nhanh nhất thế giới, tới 98% trong 10 năm từ 2013 - 2023. Đây là số liệu được nêu ra trong báo cáo gần đây của công ty tình báo tài sản toàn cầu New World Wealth (Nam Phi) và hãng cố vấn di cư đầu tư Henley & Partners (Thụy Sĩ).

Tỷ lệ người giàu tại Việt Nam ngày càng tăng sẽ thúc đẩy phân khúc hạng sang càng tiềm năng hơn nữa (Ảnh minh họa).
Tỷ lệ người giàu tại Việt Nam ngày càng tăng sẽ thúc đẩy phân khúc hạng sang càng tiềm năng hơn nữa (Ảnh minh họa).

Nghiên cứu của New World Wealth được thực hiện ở 90 quốc gia và 150 thành phố trên thế giới, đặc biệt tập trung vào châu Á, châu Phi. Theo báo cáo này, Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số lượng triệu phú với hơn 5,4 triệu người, nhưng các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Cụ thể, số triệu phú của Việt Nam đạt 19.400 người tính đến cuối năm 2023, tương đương mức tăng 98% trong thập niên qua. Tốc độ tăng trưởng triệu phú của Việt Nam cao một phần do mức nền so sánh ban đầu thấp, chỉ gần 9.800 người hồi năm 2013. Tuy vậy, New World Wealth và Henley & Partners cũng cho rằng sự tăng trưởng nhanh chóng triệu phú ở Việt Nam phản ánh thành công kinh tế gần đây và cho thấy xu hướng tích lũy của cải tiếp tục gia tăng.

Trước đó, New World Wealth cũng dự báo Việt Nam sẽ chứng kiến mức tăng trưởng tài sản đột biến nhất thế giới, đến 125% trong 10 năm tới. Nhà phân tích Andrew Amoils của đơn vị này đánh giá con số trên là tốc độ tăng nhanh nhất so với bất kỳ quốc gia nào, xét về GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú.

Hay trước đó, theo công bố của hãng nghiên cứu Wealth-X, Việt Nam nằm trong tốp 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012 - 2017. Theo tính toán, tốc độ tăng trưởng giới siêu giàu của Việt Nam khi đó đứng thứ 3 thế giới, đạt con số 12,7% mỗi năm và chỉ đứng sau Bangladesh (17,3%), Trung Quốc (13,4%)…

An Nhiên

Theo Chất lượng và cuộc sống