Bất động sản Lanmak: Nợ tăng cao, ‘chây ỳ’ đóng BHXH
Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng bất động sản Lanmak là doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt hơn 617 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đang bị BHXH Hà Nội “bêu tên” vì... nợ BHXH.
Nợ BHXH, BHYT,... hơn 3,47 tỷ đồng
BHXH thành phố Hà Nội vừa công bố danh sách các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)… từ 1 tháng trở lên trên địa bàn thành phố Hà Nội tháng 3/2025 (số liệu tính đến hết ngày 31/3/2025 theo C12-TS lấy ngày 10/4/2025).
Trong danh sách công khai của BHXH Hà Nội có sự xuất hiện của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bất động sản Lanmak, địa chỉ làng quốc tế Thăng Long, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Hiện công ty đang có số tháng chậm đóng BHXH là 11 tháng, với số tiền hơn 3,47 tỷ đồng.

Theo giới thiệu trên website, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bất động sản Lanmak (gọi tắt Bất động sản Lanmak) là công ty chuyên hoạt động về đầu tư bất động sản và thi công xây lắp, được thành lập theo nghị quyết số 06/2007 ngày 3/4/2007 của HĐQT Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.
Tháng 7/2009, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội đã quyết định sát nhập chi nhánh khu vực phía Bắc của Tổng công ty vào Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bất động sản Lanmak nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Bất động sản Lanmak tập trung vào 3 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, gồm: Đầu tư xây dựng kinh doanh bất động sản; tư vấn thiết kế, tư vấn đầu tư và tư vấn quản lý dự án và thi công xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng.
Vốn điều lệ của công ty là hơn 87,33 tỷ đồng. Cổ đông góp vốn gồm: Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP góp 23,58 tỷ đồng; ông Lê Trần Tuấn (chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc) góp hơn 17,63 tỷ đồng; Ngô Sỹ Quang góp gần 5 tỷ đồng; Đặng Việt Thanh góp gần 4,4 tỷ đồng; Bùi Thị Phượng góp hơn 13,52 tỷ đồng và hơn 23,24 tỷ đồng Vốn góp của các cổ đông khác.

Là công ty chuyên hoạt động về đầu tư bất động sản và thi công xây lắp, các dự án có bóng dáng của Bất động sản Lanmak phải kể tới như: Nhà máy VINSMART Hòa Lạc (giá trị hợp đồng 392 tỷ đồng); Vinhome Megamall Ocean Park (giá trị hợp đồng gần 170 tỷ đồng); Dự án VinCity Sportia (giá trị hợp đồng 267,35 tỷ đồng; Trung tâm thương mại Vincom Hà Giang (quy mô 2,1ha); dự án Tòa nhà hỗn hợp NO1-T6, T7 (tòa nhà HAN JARDIN);…
Bên cạnh đó, công ty cũng có các dự án đang triển khai như: Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (gói thầu 11); dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch; Công viên điều hòa CV1; Tuyến đường sắt trên cao – Tường Mây,…
Nợ phải trả cao gấp 7,6 lần vốn chủ sở hữu
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2024 của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bất động sản Lanmak công bố, năm 2024 công ty ghi nhận doanh thu đạt 617,1 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu của công ty chủ yếu đến từ doanh thu hoạt động xây lắp (hơn 584 tỷ đồng); doanh thu khác (hơn 26,7 tỷ đồng). Trong khi doanh thu kinh doanh bất động sản lại rất khiêm tốn, chỉ đóng góp hơn 6,2 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí, Bất động sản Lanmak báo lãi sau thuế hơn 3,1 tỷ đồng, giảm 28,3% so với năm 2023.
Tổng cộng tài sản của công ty tính đến cuối năm 2024 là hơn 1.005,4 tỷ đồng, giảm 17,3% so với hồi đầu năm. Tập trung chủ yếu ở tài sản ngắn hạn.
Các khoản phải thu ngắn hạn của công ty hiện chiếm tới 64,6% tổng tài sản, hiện ghi nhận ở mức hơn 571,1 tỷ đồng. Chiếm phần lớn nằm ở phải thu ngắn hạn của khách hàng (hơn 338,7 tỷ đồng). Cụ thể, CTCP Tập đoàn Bắc Hà (hơn 98 tỷ đồng); Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (hơn 61,1 tỷ đồng); CTCP Đầu tư xây dựng TNCONS Việt Nam (hơn 6 tỷ đồng); Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Gia Lâm (hơn 23,4 tỷ đồng),…

Hàng tồn kho đến cuối năm 2024 ghi nhận gần 261 tỷ đồng, giảm 6% so với hồi đầu năm, hiện tập trung tại chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Tính đến ngày 31/12/2024, nợ phải trả của Bất động sản Lanmak là 888,3 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nợ ngắn hạn với hơn 858,8 tỷ đồng (chiếm 96,7% nợ phải trả của công ty). Vốn chủ sở hữu là 117,2 tỷ đồng.
Tổng nợ vay của Bất động sản Lanmak ghi nhận là hơn 196,2 tỷ đồng, riêng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 191,3 tỷ đồng. Để đảm bảo các khoản vay này tại ngân hàng, công ty thế chấp ô tô, xe cần cẩu, máy đào, tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Có thể thấy, việc công ty đang sử dụng nhiều tài sản đảm bảo cho hàng loạt khoản vay để duy trì hoạt động kinh doanh dấy lên nhiều nghi ngại, rủi ro trong việc trả nợ, khi tổng nợ phải trả của Bất động sản Lanmak đã lên gấp 7,6 lần vốn chủ sở hữu.
Được biết, thời điểm năm 2023, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Bất động sản Lanmak là gấp 9,6 lần.