Bất động sản Phú Mỹ: Tiềm năng hay thách thức?
Các chuyên gia cho rằng, Phú Mỹ là nơi rất giàu tiềm năng để đầu tư trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, thị trường bất động sản này cũng ẩn chứa nhiều yếu tố mà người mua nên cân nhắc để tránh tối đa rủi ro.
Điểm kết giao của các vùng kinh tế trọng điểm
Phú Mỹ là một trong những thị trường được nhắc đến nhiều nhất khu vực phía Nam trong những tháng đầu năm 2020. Loạt cú hích từ sân bay quốc tế mới Long Thành cộng với tiềm năng về cảng biển, du lịch đã tạo nên nhiều đợt sốt đất trong thời gian qua. Chia sẻ về tiềm năng của thị trường Phú Mỹ, các chuyên gia đều đánh giá bất động sản nơi đây vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong 3 - 5 năm tới.
Ông Nguyễn Lộc Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty Ngọc Châu Á phân tích, Phú Mỹ là một phần của Bà Rịa - Vũng Tàu nên được hưởng lợi lớn từ nhiều yếu tố. Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) là một trong những điểm nhấn quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 3 TP.HCM, Đồng Nai và BRVT nối thành một tam giác về kinh tế và logistic. Một khi sân bay Long Thành khởi công, kéo theo phát triển về mọi mặt thì lượng hàng hóa từ 3 tỉnh thành này sẽ hội tụ lại và từ đó đổ ra cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép.
Trên thế giới, 90% lượng hàng hóa đều được di chuyển bằng đường biển vì chi phí thấp, trọng tải lớn. Điển hình các nước như Scotland hay Island, khi đánh cá tuyết họ sẽ chở thẳng qua Trung Quốc gia công rồi sau đó mới chở về bằng đường biển để giảm chi phí. Toàn bộ các tuyến hàng hóa trên thế giới đều di chuyển bằng đường biển nên những nơi có cảng nước sâu như BRVT cực kỳ có tiềm năng.
Dưới góc độ kinh tế, chuyên gia này cũng đánh giá rất cao ở thị trường Phú Mỹ. Hiện nay, TP.HCM quy hoạch các khu đô thị vệ tinh xung quanh bao gồm các tỉnh là Đồng Nai, Bình Dương, BRVT, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Trong đó, Tiền Giang với Long An đang là nơi phát triển về đầu tàu của nông sản trên toàn bộ khu vực miền Tây và Đồng bằng Sông Cửu Long. Các tuyến đường vành đai 4 giúp kết nối 6 tỉnh thành này, hay tuyến vành đai 3 kết nối xung quanh thành phố, vành đai 2 kết nối trung tâm thành phố, từ đó mọi nguồn hàng sẽ đổ về cảng Cái Mép - Thị Vải.
Trong tương lai, có thể hình dung BRVT và Đồng Nai sẽ giống như Thượng Hải. Đồng Nai là nơi tập trung toàn bộ các tuyến đường cao tốc lớn như Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương…, cộng với sự phát triển về hàng không thì toàn bộ lượng hàng hóa sẽ đổ ra hàng hải. Đây là sự kết hợp giữa 3 yếu tố vừa đường bộ, đường không và đường biển để tạo ra sự phát triển đồng bộ và cực kỳ nhanh chóng. Trong khi đó, cảng Cái Mép Thị Vải là một trong 35 cảng nước sâu trên thế giới chứa được những con tàu siêu trường siêu trọng, nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.
“Phú Mỹ hội đủ 4 yếu tố từ du lịch, dân sinh, công nghiệp và cảng biển. Trong đó cảng biển là nơi hội tụ về logistic rất lớn. Phú Mỹ hội đủ các yếu tố từ đường bộ, đường không, đường biển để phát triển mạnh và khó có thể hình dung mức độ phát triển của Phú Mỹ trong 5 năm tới. Ở Vũng Tàu thông thường làm đường bộ rất nhanh, kể cả Phú Mỹ. Điều đó cho thấy sự ưu tiên của Phú Mỹ để tạo tiền đề cho việc đón dân cư, đón các cụm công nghiệp và chuyên gia trong thời gian tới”, ông Hạnh nói.
Ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa cũng đánh giá, Phú Mỹ có đặc điểm và vị trí phù hợp để phát triển bất động sản dựa theo làn sóng lan tỏa bất động sản từ trung tâm đi ra. Phú Mỹ là nút giao giữa Đồng Nai - TP.HCM và BRVT. Các khu công nghiệp phụ thuộc vào các hệ thống như khu lọc dầu Long Sơn cũng là một tiềm năng lớn ở Phú Mỹ. Các khu vực tiếp giáp Phú Mỹ có quỹ đất lớn, có thể hình thành khu công nghiệp vệ tinh hỗ trợ TP.HCM rất tốt. Từ đó sẽ phát triển mạnh về dịch vụ, phát sinh hệ thái phục vụ cho chuyên gia ở đó.
Có thực sự "ngon ăn"?
Hội tụ nhiều thế mạnh để trở thành “mảnh đất nhiều khoáng sản”, nhưng theo các chuyên gia, Phú Mỹ vẫn cần rất nhiều thời gian để đạt đến “độ chín” của thị trường.
Chuyên gia Trần Khánh Quang nhận định, về cơ bản Phú Mỹ hoàn toàn có triển vọng để đầu tư ngay lúc này. Ví dụ, khu công nghiệp hóa dầu Long Sơn là tiềm năng rất lớn ở Phú Mỹ, nếu phát triển sẽ kéo theo tất cả mọi thứ, từ công nhân, chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao từ Thái Lan, Hàn Quốc… và nơi đây sẽ thành điểm đến của các nước. Nhiều công ty của Hàn Quốc đánh giá Phú Mỹ là nơi rất tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận khách quan rằng đây là thị trường rất mới và khó dự đón chính xác về thời gian hoàn thiện hạ tầng.
Để Phú Mỹ phát triển tốt như mong đợi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thời gian có thể kéo dài 2 - 3 năm hoặc lâu hơn. Do đó, nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng mà đổ vốn quá lớn. Ngoài ra, hiện nay nhiều tuyến đường cao tốc kết nối vào Phú Mỹ để giảm tải tình trạng giao thông vẫn chưa hoàn thiện.
“Bất động sản Phú Mỹ có mức giá tốt nhưng phù hợp với đầu tư lâu dài, hạn chế lướt sóng tối đa để tránh rủi ro. Trong tâm điểm dịch như hiện nay, nhà đầu tư thích bất động sản có pháp lý rõ ràng, trên dưới 1 tỷ đồng là lý do khiến bất động sản Phú Mỹ tốt lên. Tuy nhiên, sau dịch hiện tượng này có thể thay đổi. Nếu toàn thế giới và Việt nam không chế được dịch từ 6 - 9 tháng nữa, tối đa 12 tháng thì thị trường bất động sản sẽ hồi phục trở lại. Khi thị trường tốt lên, những khu vực như TP.HCM và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ hồi phục sớm hơn. Khi đó, Phú Mỹ có thể sẽ quay lại như trước đây và thị trường này chưa chắc đã tăng giá tốt như bây giờ”, ông Quang nói.
Về công nghiệp và dịch chuyển chuỗi cung ứng, ông Quang đánh giá đây là xu hướng tất yếu nhằm đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam sau dịch. Nhưng so với Bình Dương, Long An, Đồng Nai thì Phú Mỹ không phải là lựa chọn tốt nhất về công nghiệp. Bởi Phú Mỹ quỹ đất trống còn nhiều nhưng chưa khai thác hết được. Do đó, nếu người dân xác định mua đất để chờ đợi bất động sản công nghiệp phát triển thì sẽ phải chờ đợi rất lâu.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Lộc Hạnh cho rằng, tiềm năng này phục thuộc nhiều vào hạ tầng và khả năng phát triển các khu công nghiệp, đường sá, thời gian lên thành phố. Phú Mỹ hiện nay chỉ có 2 lĩnh vực trước mắt là cảng biển và khu lọc hóa dầu Long Sơn là tiềm năng lớn nhất.
Để Phú Mỹ lên được thành phố, theo các chuyên gia, chính quyền cần phải kêu gọi đầu tư về hạ tầng, tạo cơ sở hạ tầng xã hội để kéo dân về ở và tạo thành những cộng đồng dân cư lớn. Hiện hay, quy mô cảng nước sâu đang ngày càng mở rộng liên tục nhưng số lượng công nhân không tăng lên nhiều. Chỉ khi khu công nghiệp hóa dầu Long Sơn phát triển mới đòi hỏi lượng công nhân chuyên gia. Do đó, nhà đầu tư được khuyên nên hạn chế lướt sóng để bảo toàn dòng tiền.
Khánh Hòa/ Reatimes
Link nguồn: https://reatimes.vn/bat-dong-san-phu-my-tiem-nang-hay-thach-thuc-1601282445781.html