Nhu cầu lớn nhưng DN không mặn mà, nguồn cung NƠXH vẫn thiếu hụt

Chất lượng quỹ đất còn nhiều vấn đề, vị trí khu đất không phù hợp, giá bán thấp, thủ tục rườm rà… là các nguyên nhân khiến nguồn cung nhà ở xã hội thiếu hụt dù nhu cầu lớn.

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm 'Gỡ nút thắt, ngăn trục lợi chính sách nhà ở xã hội', ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết, thời gian qua Bộ Xây dựng đã đi làm việc trực tiếp với các địa phương và kiểm tra thực tế tiến độ triển khai của các dự án nhà ở xã hội. Đến thời điểm hiện nay có 27 địa phương trên cả nước có nguồn nhu cầu cao.

Hiện nay con số nhà ở xã hội đạt được gần 90.000 căn. Tính từ đầu năm đến ngày 30/6 đã hoàn thành khoảng 35.000 – 36.000 căn nhà ở xã hội.

Theo ông Hưng, thời gian vừa qua mặc dù nhu cầu về nhà ở xã hội cao, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, tuy nhiên kết quả triển khai cũng chưa đạt được như kỳ vọng.

Tính từ đầu năm đến ngày 30/6 đã hoàn thành khoảng 35.000 – 36.000 căn nhà ở xã hội.
Tính từ đầu năm đến ngày 30/6 đã hoàn thành khoảng 35.000 – 36.000 căn nhà ở xã hội.

Ông Hưng cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu. Đầu tiên là trong thời gian vừa qua, một số địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội. Mặc dù đã có Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị, Quyết định số 338 của Chính phủ đã giao cho các địa phương là phải đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương 5 năm và hằn năm để kiểm đếm. Tuy nhiên, vẫn còn có những địa phương vẫn chưa triển khai vấn đề này.

Tiếp đó, chất lượng quỹ đất vẫn còn nhiều vấn đề, còn nhiều vị trí khu đất đất được bố trí vào những khu vực không phù hợp như: đầu thừa đuôi thẹo của các dự án hoặc những vị trí chưa được kết nối đầy đủ hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Điều này dẫn tới vấn đề phát sinh đó là nếu đầu tư vào những vị trí này, thì không thu hút được người dân và thực tế có những dự án đã thể hiện đúng tình trạng này.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác đó là liên quan tới thể chế pháp luật, trong đó có quy định về đấu thầu. Cụ thể, việc lựa chọn chủ đầu tư phải đấu thầu, việc thực hiện thủ tục đầu tư từ cấp phép xây dựng đến thẩm định giá bán mất rất nhiều thời gian; các chi phí để tuân thủ các thủ tục thủ tục hành chính dẫn đến các dự án nhà ở xã hội không thể đẩy nhanh tiến độ.

Cùng với đó, nhiều địa phương chưa ban hành được các cơ chế chính sách để ưu đãi cho doanh nghiệp và cũng chưa dành nguồn lực để thực hiện giải phóng mặt bằng. Điều này ảnh hưởng đến nguồn cung trong thời gian vừa qua là nhiều địa phương, nhiều dự án lựa chọn chủ đầu tư chưa đảm bảo về năng lực tài chính, kinh nghiệm khiến nhà ở xã hội còn chậm muộn, chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Nhiều địa phương không mặn mà tham gia phát triển nhà ở xã hội 
Nhiều địa phương không mặn mà tham gia phát triển nhà ở xã hội 

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cũng thẳng thắn chia sẻ rằng doanh nghiệp hiện nay khá thờ ơ với việc tham gia phát triển nhà ở xã hội. Lý do là liên quan tới quỹ đất chưa thực sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp.

Tiếp đến là vấn đề về thủ tục, ông Đính cho biết quá trình làm nhà ở xã hội còn khó hơn làm nhà ở thương mại. Vì đây là một cơ chế được cho, được ban cấp cho đối tượng, cho doanh nghiệp nên thẩm định phê duyệt sẽ khó khăn hơn.

“Những cơ quan thực thi rất ngại, họ rất sợ làm sai, phê sai và chịu trách nhiệm cho nên họ thường đắn đo, thường tìm cách không phải phê duyệt dẫn đến câu chuyện là tại sao nhiều dự án không triển khai được nằm ở chỗ đó. Chưa kể, nhiều thủ tục còn chồng chéo mâu thuẫn. Do vậy, quá trình nhà ở thương mại đã lâu rồi, vài ba năm mới xong, nhưng nhà ở xã hội thậm chí còn tăng nhiều hơn thời gian đó, dẫn đến câu chuyện không hấp dẫn doanh nghiệp”, ông Đính nói.

Ngoài ra, một lý do khác cũng ảnh hưởng đến việc tham gia phát triển nhà ở xã hội đó là giá thành thấp. Điều này khiến các doanh doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân không “mặn mà” tham gia. Chưa kể, nguồn vốn tiếp cận cũng khó và mức lãi suất cũng không tương xứng.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra một nguyên nhân khác đó là chính quyền không đưa vào kế hoạch, quy hoạch, không đưa vào chủ trương phát triển nhà ở của địa phương. Đặc biệt là sự hỗ trợ gần như không có từ chính quyền địa phương, điều này cũng khiến doanh nghiệp nản lòng.

Bên cạnh đó, đầu ra cũng là một phần quan trọng của doanh nghiệp vì làm được sản phẩm phải bán được, phải bán dễ dàng nhưng thực tế rất khó. Chưa kể, phê duyệt cho đối tượng mua nhà cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là những đối tượng lao động lại không phải người của địa phương, đây cũng là một là một vấn đề rất phức tạp.

“Từ các nguyên nhân kể trên dẫn đến các doanh nghiệp không mặn mà tham gia, khiến chương trình nhà ở xã hội phát triển với tốc độ chậm”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay.

Duy Quang

Theo Vietnamfinance