Bệnh viện "ngàn tỉ" tại miền Tây xây xong vẫn chưa thể hoạt động
Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang với tổng kinh phí đầu tư 2.350 tỷ đồng, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Bạc Liêu được đầu tư hơn 200 tỷ đồng, tuy nhiên khi xây xong thì không thể đưa vào hoạt động do cách quản lý còn nhiều bất cập.
Bênh viện xây xong không thể di dời trang thiết bị để hoạt động
Dự án Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang, được xây dựng trên diện tích 10 ha (tại xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho), tổng diện tích xây dựng hơn 19.000 m2, bao gồm một khu phức hợp với 4 khối chức năng cao 10 tầng, kinh phí 2.350 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 1.750 tỷ đồng, còn lại 600 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Khu chính có 10 tầng nổi và một tầng hầm, quy mô 1.000 giường, có quy mô lớn trong khu vực.
Dù đã được được xây hoàn chỉnh hơn 1 năm qua, nhưng do khó khăn, bất cập trong việc di dời trang thiết bị nên vẫn chưa biết thời điểm nào đưa vào hoạt động phục vụ bệnh nhân.
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, để bệnh viện mới đi vào hoạt động phải tiến hành di dời hơn 600 danh mục thiết bị từ bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang (tại phường 1, TP Mỹ Tho) qua bệnh viện mới.
Tuy nhiên thời gian qua, việc tổ chức đầu thầu để di dời các trang thiết bị đến bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang mới xây gặp nhiều khó khăn, ít có nhà thầu tham gia. Qua nhiều lần gia hạn đấu thầu, đến nay vẫn mới tổ chức đấu thầu được 1/3 gói thầu. Đặc biệt 2 gói thầu cần phải di dời là hệ thống không lắp đặt (hệ thống cấp cứu điều trị cho bệnh nhân) và các hệ thống máy lắp đặt quy mô lớn, quan trọng, rất khó chọn được nhà thầu và công tác này rất khó khăn, phức tạp; phải được sự chấp thuận từ các hãng cung cấp thiết bị ngoài nước.
Hơn nữa bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang (cũ), hiện đang điều trị cho khoảng 1.400 bệnh nhân cho nên việc di dời trang thiết bị là phải thực hiện đồng bộ cả 3 gói thầu để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân. Do đó, thời điểm đưa vào hoạt động bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang vẫn chưa xác định.
Cũng theo người đứng đầu UBND tỉnh Tiền Giang, nguyên nhân chậm tiến độ là các nhà thầu sợ trách nhiệm nên không tham gia vì máy đã qua sử dụng, máy có giá trị lớn và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, nếu có gì họ phải chịu trách nhiệm.
Mặc khác, tiền chi cho di dời thì không bao nhiêu nhưng trách nhiệm rất lớn, nên nhà thầu ngại. Do vậy trong thời gian tới, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế mời các đơn vị cung cấp trang thiết bị y tế đến để thực hiện các gói thầu di dời các trang thiết bị này về bệnh viện mới để sớm đưa vào hoạt động.
Bệnh viện xây trong 10 năm , xây xong gần 2 năm vẫn chưa biết khi nào hoạt động.
Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Bạc Liêu được khởi công xây dựng vào năm 2010, thuộc địa phận xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu, với kinh phí hơn 200 tỷ đồng, do Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư. Sau hơn 10 năm xây dựng đến đầu năm 2021 mới hoàn thành, gồm ba khu, quy mô một trệt, hai tầng lầu với hơn 100 giường bệnh.
Tuy nhiên, gần 2 năm qua, bệnh viện này vẫn chưa thể đi vào hoạt động khám chữa bệnh cho người dân. Hiện hơn 140 cán bộ, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện này chủ yếu “ngồi không hưởng lương”, do chưa được nghiệm thu chính thức.
Theo UBND tỉnh Bạc Liệu, nguyên nhân chính là nhiều công trình, hạng mục thiết kế xây dựng không phù hợp. Nhiều máy móc, thiết bị y tế do chủ đầu tư là Sở Y tế Bạc Liêu mua về không đúng chủng loại theo hợp đồng; nhiều máy móc trị giá hàng chục triệu đồng chưa sử dụng đã hư hỏng.
Một số công trình, hạng mục, máy móc tuy chưa sử dụng nhưng đã xuống cấp, hư hỏng. Trong đó có 4/8 máy giúp thở vừa lắp đặt, chưa hoạt động đã gặp “sự cố”. Ngoài ra, hệ thống máy xét nghiệm trị giá hàng tỷ đồng nhưng không có hóa chất kín để đưa vào hoạt động; ba xe cứu thương trị giá hơn năm tỷ đồng nhưng trang thiết bị kèm xe lại không đúng theo hồ sơ ban đầu; hệ thống xử lý nước thải chưa được nghiệm thu, cấp phép hoạt động…
Phần lớn các danh mục thiết bị y tế đấu thầu chỉ có bản photocopy
Điều đáng nói là có nhiều thiết bị, cấu hình trong gói thầu cung cấp thiết bị y tế không bảo đảm theo hồ sơ đấu thầu, máy móc trong hồ sơ ghi nước này nhưng nhận là nước khác nên đơn vị sử dụng chưa thể nghiệm thu. Phần lớn các danh mục đấu thầu không có hồ sơ gốc, chỉ có bản photocopy nên không thể bàn giao giá trị tài sản. Nhiều thiết bị y tế mặc dù đã được Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhưng không thể bàn giao cho bệnh viện do luôn gặp sự cố trong vận hành (toàn bộ hệ thống thiết bị kiểm soát nhiễm khuẩn và các máy giúp thở bị trục trặc).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, “ gần đây chúng tôi đã nhờ các chuyên gia ở Bệnh viện Chợ Rẫy thẩm định các trang thiết bị đã mua có phù hợp hay không, song họ đều lắc đầu không dám đánh giá…”.
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều thông báo, Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh cũng rất bức xúc về tình trạng trên. Đồng thời, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, cụ thể là cơ quan Thanh tra tỉnh vào cuộc thanh tra, kiểm tra kỹ nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần sớm chuyển hồ sơ qua cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để làm rõ, xử lý nghiêm minh đúng pháp luật.
Trong một diễn biến khác liên quan đến vụ việc, mới đây Thanh tra tỉnh Bạc Liêu đã công bố Quyết định số 231 ngày 25/11/2022 của Chánh Thanh tra tỉnh Bạc Liêu về việc thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện chuyên khoa Lao (nay là Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu).