Bí ẩn một cá nhân đã cho Tập đoàn FLC vay tín chấp gần 900 tỷ đồng, trở thành “chủ nợ” lớn của doanh nghiệp này
Ngoài khoản nợ tại các ngân hàng, CTCP Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC) còn ghi nhận khoản nợ lên đến 870 tỷ đồng từ một nhà đầu tư cá nhân. Khoản nợ được chia làm 4 hợp đồng cho vay được ký từ tháng 4 đến tháng 6/2022.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Tập đoàn FLC, tính đến ngày 30/6/2022 doanh nghiệp ghi nhận khoản nợ phải trả ở mức 27.570 tỷ đồng, tăng khoảng 3.500 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Trong đó, khoản vay và nợ thuê tài chính khoảng 5.126 tỷ đồng (gồm cả ngắn hạn và dài hạn. Số tiền trả nợ gốc vay trong 6 tháng đầu năm nay là 3.814 tỷ đồng, trong khi đó tại cùng kỳ năm 2021 là 1.801 tỷ, chỉ bằng khoảng 1/2 so với năm nay. Tập đoàn FLC đã đi vay mới 2.751.
Tại thuyết minh trong báo cáo tài chính của FLC, ngoài khoản nợ từ các Ngân hàng quen thuộc như Sacombank, BIDV, OCB, NCB, Agribank và Công ty Chứng khoán MBS với số dư cho vay từ hàng trăm tỷ đồng lên đến hàng ngàn tỷ đồng, thì còn có một chủ nợ cá nhân khác với khoản vay 870 tỷ đồng đó là ông Lê Thái Sâm - thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) mới được bầu tại đại hội cổ đông bất thường ngày 2/7/2022.
Cụ thể, FLC cho biết, khoản vay này được chia làm 4 hợp đồng gồm: Hợp đồng số 0604/2022/VV-FLC-ĐTT ký ngày 06/04/2022; Hợp đồng số 2004/2022/VV-FLC-ĐTT ký ngày 20/4/2022; Hợp đồng 3105/2022/VV-FLC-ĐTT ký ngày 31/05/2022 và hợp đồng số 1006/2022/VV-FLC-ĐTT ký ngày 10/6/2022.
Các hợp đồng với khoản vay có kỳ 12 tháng, lãi suất 7%/năm. Mục đích nhằm bổ sung vốn lưu động, thanh toán cho hợp đồng 16C/2016 và 658/2017 cho Faros (theo thuyết minh của FLC). Khoản vay theo hình thức tín chấp (không có tài sản đảm bảo).
FLC cũng cho biết, Trong kỳ, công ty đã trả bớt 249 tỷ đồng, dư nợ còn lại của khoản vay này là là 621 tỷ đồng, tính vào ngày 30/6/2022.
Mặc dù như đã nói ở trên, ông Sâm là thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) mới được bầu tại đại hội cổ đông bất thường ngày 2/7/2022. Tuy nhiên, FLC hầu như không công bố thông tin gì về nhân tố mới này. Bản lý lịch trích ngang của cá nhân này không có nhiều thông tin, chỉ được FLC giới thiệu "là người am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam" và "có nhiều quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn".
Trở lại với tình hình vay nợ của FLC, ngoài các khoản vay từ ngân hàng và cá nhân, tính đến ngày 30/6, FLC còn ghi nhận khoản vay từ phát hành trái phiếu với giá trị là 1.980 tỷ đồng với lãi suất dao động từ 10% đến 12%/năm.
Về tình hình kinh doanh của FLC, trong quý II/2022 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần giảm mạnh 66% so cùng kỳ, còn hơn 576 tỷ đồng, lỗ sau thuế 640 tỷ đồng. Theo giải trình, FLC lỗ nặng trong quý II do phát sinh khoản lỗ đột biến hơn 317 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết. Ngoài ra, doanh thu tài chính cũng giảm mạnh với 65,6 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm, FLC ghi nhận doanh thu 1.709 tỷ đồng, giảm 60% so với nửa đầu năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán hàng hóa, kinh doanh bất động sản, cung cấp dịch vụ đều giảm gần một nửa so với cùng kỳ 2021. Doanh nghiệp lỗ sau thuế 1.105 tỷ đồng.
Được biết, năm 2022, FLC đặt mục tiêu doanh thu gần 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên mục tiêu này vẫn chưa được thông qua do chưa thể tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên.