'Bí kíp' thưởng nghìn tỷ giúp Trương Mỹ Lan lôi kéo đàn em tiếp tay phạm tội
Tại phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát, khá nhiều 'đàn em' là nhân viên tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đối tác của bị cáo Trương Mỹ Lan, hoặc lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã thừa nhận hành vi phạm tội đúng với cáo trạng.
'Đối tác' được 'thưởng' gần 1.500 tỷ đồng
Bị cáo Dương Tấn Trước (41 tuổi, quê Quảng Ngãi, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Tường Việt) đã thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân được nêu trong cáo trạng là đúng.
Khai tại tòa, bị cáo Dương Tấn Trước cho biết công ty của bị cáo chuyên cung cấp hệ thống máy phát điện, thang máy, đồ gỗ nội thất... và lĩnh vực bất động sản. Thông qua việc làm ăn, bị cáo Dương Tấn Trước biết Trương Mỹ Lan là người có tên tuổi trên thị trường, có uy tín, rất nhiều bất động sản nên mong muốn làm đối tác làm ăn.
Theo bị cáo Trước, trước khi chuyển sang vay tín dụng tại SCB, các công ty của bị cáo chưa bao giờ có nợ xấu nào trong khoảng 20 năm.
Cáo trạng xác định, bị cáo Dương Tấn Trước đã thỏa thuận, thống nhất với Trương Mỹ Lan về việc sử dụng các pháp nhân nhóm Công ty Tường Việt, phối hợp với cán bộ Ngân hàng SCB tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của SCB để sử dụng.
Dương Tấn Trước đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 4.752 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 605 tỷ đồng.
Trong đó, bị cáo Dương Tấn Trước được Trương Mỹ Lan cho số tiền 1.498 tỷ đồng và đã sử dụng vào các mục đích cá nhân.
Sau khi khởi tố vụ án, Dương Tấn Trước đã khắc phục hậu quả, trả cho SCB hơn 813 tỷ đồng đối với các khoản vay của Công ty Tường Việt và Công ty Việt Đức.
Ngoài ra, Dương Tấn Trước còn nhận của Trương Mỹ Lan hơn 2.204 tỷ đồng. Bị cáo Dương Tấn Trước xin được nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận của Trương Mỹ Lan để khắc phục hậu quả.
Cán bộ ngân hàng SCB tiếp tay
Trả lời Hội đồng Xét xử, bị cáo Hoàng Minh Hoàn (quyền Tổng Giám đốc SCB) thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu.
Hoàng Minh Hoàn bị cáo buộc đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn. Cụ thể, Hoàng Minh Hoàn đã ký hợp thức hồ sơ của 51 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 2.449 tỷ đồng.
Bị cáo Bùi Nhân (Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), bị cáo Nguyễn Cửu Tính (Phó Tổng Giám đốc SCB) và bị cáo Đỗ Phú Huy (nguyên Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh và Đầu tư SCB) thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng là đúng.
Trong khi đó, bị cáo Diệp Bảo Châu (Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) thừa nhận bản thân giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan rút tiền từ SCB. Tuy nhiên, bị cáo này cho rằng bản thân chỉ làm công ăn lương và không hưởng lợi trong vụ việc.
Theo cáo trạng, bị can Diệp Bảo Châu với vai trò là thành viên Hội đồng tín dụng, thành viên Hội đồng kinh doanh và đầu tư Hội sở, Phó tổng giám đốc được Tổng giám đốc ủy quyền đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.
Từ ngày 10/12/2012 đến ngày 1/12/2021, Diệp Bảo Châu đã ký hợp thức hồ sơ của 294 khoản vay tại SCB, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 122.350 tỷ đồng.
Các bị cáo khác tại Ngân hàng SCB như: Khổng Minh Thế (nguyên Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB), Trần Hoàng Giang (nguyên Phó Giám đốc Khối Phê duyệt tín dụng SCB), Từ Văn Tuấn (nguyên Giám đốc Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale SCB); Mai Hồng Chín (nguyên Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB), Mai Văn Sáu Nhở (nguyên Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB), Lương Thị Hồng Quế (Giám đốc Phòng Phê duyệt tín dụng Khách hàng doanh nghiệp SCB)… đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu.
Đứng tên khoản vay được nhận 7 - 10 triệu đồng/tháng
Theo các trạng, các nhân viên công ty Vạn Thịnh Phát là ông Bùi Đức Khoa, bà Nguyễn Thị Khánh Vân khai nhận đã đưa bạn bè, người thân đứng tên các khoản vay giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan, thừa nhận các hành vi phạm tội theo cáo trạng.
Cụ thể, ông Bùi Đức Khoa đã tìm kiếm 96 cá nhân và chuyển thông tin cho nhóm ông Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) để thành lập, sử dụng 77 công ty 'ma' và 19 cá nhân đứng tên tài sản, cổ phần, vốn góp tại các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, đưa vào hợp thức 166 hồ sơ vay vốn khống để bà Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB.
Hành vi của ông Bùi Đức Khoa đã gây thiệt hại cho SCB số tiền 154.880 tỷ đồng (tổng dư nợ tính đến ngày 17/10/2022 là hơn 171.173 tỷ đồng - giá trị tài sản đảm bảo của các khoản vay là hơn 16.292 tỷ đồng).
Bùi Đức Khoa cho biết, bên cạnh các nhân viên của công ty đứng tên với tinh thần 'đóng góp cho công ty' thì cũng đã giới thiệu cho nhiều bạn bè, cả bố mẹ mình đứng tên. Mỗi khoản đứng tên được nhận 7 - 10 triệu đồng/tháng.
Bà Nguyễn Thị Khánh Vân thừa nhận chỉ đưa các hồ sơ của người đứng tên cho ông Nguyễn Phương Anh chứ không biết về các khoản vay.
Bà Nguyễn Thị Khánh Vân đã tìm kiếm, thuê 38 cá nhân và chuyển thông tin cho nhóm ông Nguyễn Phương Anh để thành lập và sử dụng 33 công ty 'ma', 7 cá nhân tạo dựng hồ sơ đứng tên tài sản, cổ phần, vốn góp tại các công, sự thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, hợp thức 64 hồ sơ vay vốn khống, chứng từ rút, nộp và chuyển tiền liên quan đến các khoản vay giúp cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền từ SCB để sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Hành vi của bà Nguyễn Thị Khánh Vân đã gây thiệt hại cho SCB số tiền 40.327 tỷ đồng (dư nợ phát sinh từ năm 2018 đến ngày 17/10/2022 là 49.932 tỷ đồng - giá trị tài sản đảm bảo của các khoản vay là 9.604 tỷ đồng).