Bị phạt 200 triệu vì mua “chui” cổ phiếu, Văn Phú - Invest của đại gia Tô Như Toàn đang làm ăn thế nào?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest (Mã CK: VPI) do đại gia Tô Như Toàn làm Chủ tịch vì mua chui cổ phiếu trong quá khứ. Vậy doanh nghiệp này đang kinh doanh ra sao?
Văn Phú – Invest bị phạt 200 triệu đồng vì mua chui cổ phiếu
Vào ngày 5/9 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 651/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest số tiền là 200 triệu đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Nguyên nhân là do công ty này không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật (Ngày 25/6/2021, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest mua 3.719.923 cổ phiếu Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội (mã chứng khoán: HAF) dẫn đến số lượng nắm giữ sau khi giao dịch là 3.719.923 cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 25,65% vốn điều lệ của HAF nhưng không đăng ký chào mua công khai).
Ngoài ra, Văn Phú – Invest còn bị buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 17 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP. Đồng thời, Văn Phú - Invest bị buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 17 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.
Ông Tô Như Toàn là cổ đông lớn nhất tại VPI
Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest tiền thân là Chi nhánh Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Quảng Ninh tại Hà Nội, được thành lập từ năm 2003 chỉ với 17 nhân sự. Sau thời gian ban đầu hoạt động trên lĩnh vực thi công, xây lắp, đến năm 2006 công ty đã lấn sân sang lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản với dự án Khu đô thị Văn Phú Hà Đông, với quy mô 3000 căn biệt thự liền kề và 9 toà chung cư.
Theo thông tin được đăng tải trên trang chủ của doanh nghiệp này, Văn Phú - Invest đang sở hữu quỹ đất là 1.009ha, với 29 dự án đã và đang được triển khai.
Được biết, tại VPI, ông Tô Như Toàn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT đồng thời là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này với việc nắm giữ trực tiếp 60,5 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ 25%.
Như vậy tính theo giá thị trường của cổ phiếu VPI kết phiên giao dịch ngày 14/9/2022, khối tài sản Chủ tịch Tô Như Toàn đang trực tiếp nắm giữ có giá trị khoảng 3.624 tỷ đồng.
Ngoài ra, về cơ cấu cổ đông tại VPI, bà Lê Châu Giang (con gái của ông Tô Như Toàn) và bà Đào Thị Hồng Hạnh (vợ của ông Tô Như Toàn) cùng sở hữu 2,5% cổ phần công ty này.
Trong khi đó, ông Tô Như Thắng Phó Tổng Giám đốc, em trai của ông Tô Như Toàn hiện nắm giữ gần 17,1 triệu cổ phiếu VPI, tương đương 7,06% vốn điều lệ.
Trong một diễn biến khác, ngày 6/9, ông Nguyễn Ngọc Trung, một nhà đầu tư cá nhân đã mua vào 889.000 cổ phiếu VPI tăng sở hữu từ 10,8 triệu cổ phần (tỷ lệ 4,93%) lên 11,7 triệu cổ phần (tỷ lệ 5,33%). Sau giao dịch, ông Trung trở thành cổ đông lớn doanh nghiệp này.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, công ty có 4 cổ đông lớn, trong đó có 3 cổ đông cá nhân gồm ông Tô Như Toàn, ông Tô Như Thắng và ông Nguyễn Ngọc Trung (tỷ lệ 5,33%). Còn lại là CTCP Đầu tư THG Holdings (tỷ lệ 23,44%).
Văn Phú – Invest đang làm ăn thế nào?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng năm 2022, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, Văn Phú – Invest ghi nhận doanh thu đạt 1.130 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp đạt 1.083 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước và sau thuế luỹ kế của doanh nghiệp lần lượt đạt 346 tỷ đồng và 276 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện 65,9% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 sau 6 tháng đầu năm.
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản của Văn Phú – Invest ở mức 10.814 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền ở mức 282,7 tỷ đồng, giảm 73%.
Giá trị hàng tồn kho ghi nhận ở mức 4.099 tỷ đồng. Trong đó ghi nhận, doanh nghiệp đầu tư chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang vào các dự án Hùng Sơn - Thanh Hoá; dự án Phân khu 2, Khu đô thị phía Nam, Tp. Bắc Giang; dự án BT tuyến đường kết nối Phạm Văn Đồng - Gò Dưa.
Chuyên gia nhận định, hàng tồn kho luôn có rủi ro giảm giá, khoản phải thu cũng có rủi ro về khả năng thu hồi. Thêm vào đó, việc vay vốn để bù đắp cho dòng tiền thiếu hụt còn làm gia tăng gánh nặng lãi vay cũng như rủi ro về tài chính nều DN không cơ cấu được nguồn vốn để trả các khoản nợ đến hạn.
Về nguồn vốn, Văn Phú - Invest ghi nhận hơn 7.254 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 13% so với đầu năm. Văn Phú - Invest có xu hướng giảm vay nợ ngắn hạn và gia tăng vay nợ dài hạn. Cụ thể, giá trị khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chỉ đạt 495,5 tỷ đồng tại cuối quý II/2022, còn giá trị khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn đạt 3.991,8 tỷ đồng.
Chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp là ngân hàng Vietcombank với khoản vay trị giá gần 817 tỷ đồng, ngoài ra Văn Phú - Invest còn vay của Ngân hàng TNHH Indovina, VP Bank và MB Bank.
Bên cạnh đó, ghi nhận tại BCTC Hợp nhất soát xét 6 tháng năm 2022, đến cuối cuối quý II/2022 doanh nghiệp đang lưu hành tổng cộng 984 tỷ đồng trái phiếu dài hạn, trong đó có 322 tỷ đồng trái phiếu dài hạn đến hạn trả.
Đáng chú ý, dòng tiền của VPI cũng là một vấn đề lớn khi cả dòng tiền kinh doanh và đầu tư đều ghi nhận âm hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, tính đến ngày 30/6, dòng tiền kinh doanh của VPI âm 1.007 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 215 tỷ đồng. Còn dòng tiền đầu tư âm đến 1.307,5 tỷ đồng, cùng kỳ cũng âm 738,8 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, trường hợp tiền thu vào nhỏ hơn tiền chi ra cho thấy doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm hoặc khó thu hồi tiền. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ chưa thu được tiền về. Khi đó doanh nghiệp sẽ phải bù đắp bằng dòng tiền đầu tư hoặc dòng tiền hoạt động tài chính, như vay nợ, huy động thêm vốn từ cổ đông, thanh lý tài sản…