Bí thư Hà Nội: Quy hoạch sông Hồng đang vướng...

Theo Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ, có quy hoạch được phân khu sông Hồng thì mới giải quyết được dân sinh, sinh kế cho người dân vùng này.

Trong cuộc trao đổi trên báo Tiền phong, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã có những chia sẻ xung quanh Quy hoạch phân khu sông Hồng.

Quyết tâm thực hiện quy hoạch hai bên bờ sông Hồng để tạo động lực phát triển cho Hà Nội, ông Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội đang triển khai Quyết định 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050. Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch theo Quyết định đó mới đạt 86%. Bốn quy hoạch phân khu nội đô của Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa được xây dựng từ 3 đến 4 năm qua, về cơ bản sẽ được giải quyết xong trong năm 2021.

Còn các quy hoạch phân khu sông Hồng trải dài trong phạm vi khoảng 120km sông Hồng chảy qua Hà Nội, từ khu vực Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ… chảy qua các quận nội thành, vòng xuống Thường tín, Phú Xuyên…

Trong 40 – 60km chạy qua đoạn trung tâm là các phân khu sông Hồng.

Hà Nội đang quyết tâm thực hiện quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Ảnh: Tiền phong  
Hà Nội đang quyết tâm thực hiện quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Ảnh: Tiền phong  
 

Theo Bí thư Hà Nội, Quy hoạch phân khu sông Hồng vướng nhất về quy định đỉnh lũ, thoát lũ.

"Vấn đề này đặt ra rất lâu, Hà Nội cũng đã thuê các đơn vị thiết kế để làm. Theo quyết định của Thủ tướng, tốc độ thoát lũ trên sông Hồng qua Hà Nội phải là 20.000 mét khối/giây; đỉnh lũ là 13,5 mét.

Với cao độ đó, xác suất 500 năm mới xảy ra một lần. Bây giờ có Thủy điện Lai Châu rồi, khả năng các thông số còn thấp hơn nữa. Nhưng Hà Nội vẫn căn cứ vào thông số hiện nay, sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy nhanh tốc độ xây dựng quy hoạch phân khu này, trình Thủ tướng xem xét thông qua", ông Vương Đình Huệ cho biết.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định, có quy hoạch được phân khu sông Hồng thì mới giải quyết được dân sinh, sinh kế cho người dân vùng này. Dọc theo tuyến này có khoảng 1 triệu dân. Nếu giải quyết sớm được, Hà Nội cũng sẽ sớm huy động đầu tư công nghệ cao, phát triển nông nghiệp khu vực này, bởi khi chưa có quy hoạch, theo quy định đất đai ngoài bãi chỉ cho thuê thời hạn không quá 5 năm. Sau 5 năm phải đấu thầu lại, nhà đầu tư rất ngại chuyện đầu tư khoa học công nghệ vì lo ngại không trúng thầu lại. Bây giờ đất bãi rất nhiều mà chưa sử dụng được.

"Nếu làm được quy hoạch, diện mạo đô thị mới khang trang hiện đại được. Cùng với quy hoạch có 10 cây cầu bắc qua sông Hồng, lúc đó Hà Nội mới có dư địa phát triển. Nhưng trên nguyên tắc phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về phòng chống lũ. Đó là nguyên tắc tối thượng. Không được phép để xảy ra rủi ro cho thành phố.

Sắp tới đây, chúng tôi có thể thi ý tưởng về thiết kế quy hoạch, sau đó triển khai làm. Cộng với đó là quy hoạch sông Đuống. Rồi đặt ra vấn bảo tồn và phát triển. Chúng tôi cũng mong muốn nghiên cứu Cầu Long Biên trở thành cầu đi bộ thì sẽ tạo không gian văn hoá đặc sắc của Thủ đô", Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ thông tin.

Trong nhiều phát biểu trước đây, ông Vương Đình Huệ đã bày tỏ mong muốn lập kỳ tích sông Hồng.

Tại chương trình Tọa đàm cấp cao Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo diễn ra vào tháng 10 năm ngoái, ông Huệ chia sẻ:  “Đại sứ Hàn Quốc có nói là Hàn Quốc có kỳ tích sông Hàn. Việt Nam và Hà Nội có thể có kỳ tích sông Hồng được không. Muốn có kỳ tích sông Hồng thì phải có quy hoạch về phát triển sông Hồng. Trước đây chỉ có 40 cây số sông Hồng qua Hà Nội thôi, bây giờ Hà Nội mở rộng thì có 126km chảy qua Hà Nội. Nếu làm được cái này thì có một nguồn lực hết sức to lớn, giải quyết sinh kế cho khoảng 1 triệu dân cư. Chúng tôi rất mong có sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết những bài toán quy hoạch”, ông Huệ nói.

Liên quan đến quy hoạch sông Hồng, hơn 10 năm trước, Hàn Quốc từng đề nghị làm siêu đô thị hai bên bờ sông Hồng với tổng mức đầu tư 10 tỷ USD. Phía Hàn Quốc cũng đã chi khoảng 5 triệu USD để nghiên cứu quy hoạch, sau đó bị gác lại.

Từ năm 2015 đến 2016, UBND TP Hà Nội đã đồng ý cho ba tập đoàn lớn là VinGroup, SunGroup và Geleximco nghiên cứu xây dựng các quy hoạch hai bên bờ sông.

 

Minh Thái (Tổng hợp)

Theo Báo Đất Việt