Bất động sản 24h: Náo loạn nhà đất Hà Nội, dự án xanh cỏ cả thập kỷ hét giá 100 triệu/m2
Náo loạn nhà đất Hà Nội, dự án xanh cỏ cả thập kỷ hét giá 100 triệu/m2; Phân khúc mặt bằng bán lẻ: Nghịch lý chỗ ế ẩm, chỗ thiếu nguồn cung... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Náo loạn nhà đất Hà Nội, dự án xanh cỏ cả thập kỷ hét giá 100 triệu/m2
Vào khoảng tháng 11/2020, một dự án ngay mặt đường 32, thuộc địa bàn Hoài Đức sau cả thập kỷ “đắp chiếu” xanh cỏ cũng bất ngờ tái xuất rầm rộ trên thị trường với các thông tin rao bán sản phẩm biệt thự, liền kề giá từ 40-65 triệu đồng/m2, tuỳ vào vị trí lô đất được chia trên mặt đường to hay nhỏ.
Ngoài hình thức đặt cọc giữ chỗ mua lô liền kề trong bảng hàng mới ra thì tại dự án này còn một hình thức giao dịch khác là các nhà đầu tư mua lại những ô đất đã ký thỏa thuận góp vốn từ cách đây 10 năm.
Điều đáng nói, trong khi dự án được rao bán, nhận đặt cọc thì thông tin từ Phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng TP Hà Nội) cho biết dự án chưa có thông báo của Sở Xây dựng về đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai.
Trao đổi với báo chí về hiện tượng các dự án khu vực phía Tây ghi nhận giá cao như thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng đối với các dự án vùng ven ghi nhận mức tăng từ 40% trở lên trong thời gian ngắn thì không có căn cứ, bởi cơ sở hạ tầng chưa có nhiều chuyển biển trong khi giá đất tăng phải đi kèm với phát triển hạ tầng xung quanh.
Theo ông Đính, chỉ khoảng 20-30% nhà đầu tư rót tiền vào khu vực phía Tây hiện nay nhằm để ở nhưng cũng một vài năm nữa mới về sinh sống, trong khi đó đa số mua đầu tư. Do đó, ông cảnh báo nhà đầu tư, khách mua ở thực nên cẩn trọng đánh giá chính xác giá trị đất khu vực này, tránh mắc cạn thay thế cho người mắc trước.
Xem thông tin chi tiết tại đây
“Thời cơ kim cương để đầu tư bất động sản đã tới”
Đó là nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Think Big Group khi bàn về thời điểm bỏ vốn vào lĩnh vực địa ốc. Ông Hà cũng nhấn mạnh, 2021 là năm khởi đầu của một chu kỳ bất động sản mới, đầy rực rỡ.
Năm 2021 là thời điểm kim cương để đầu tư vào bất động sản. Có rất nhiều yếu tố để nhìn nhận rằng, thị trường bất động sản 2021 rất sáng cửa.
Ông Nguyễn Mạnh Hà lý giải: Thứ nhất, đây là năm nút thắt về pháp lý đã được cởi bỏ như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng sửa đổi, Nghị định 148 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định, quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai… Sự gỡ bỏ này sẽ giúp cho các nhà đầu tư lớn rộng đường phát triển và đưa ra thị trường những sản phẩm bất động sản phù hợp với nhu cầu thực. Nó là đòn bẩy vô cùng quan trọng quyết định đến sinh mệnh của thị trường bất động sản. Bởi nỗi sợ về pháp lý của bất động sản luôn thường trực với cả chủ đầu tư và nhà đầu tư nay đã được cởi bỏ.
Thứ hai, nhu cầu thực của khách hàng tại Việt Nam rất lớn. Với tốc độ đô thị hoá cao, dân số đang ở thời kỳ dân số vàng càng dẫn tới nhu cầu nhà ở và nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tăng theo tỷ lệ thuận. Sự sôi động của thị trường địa ốc là một quá trình tất yếu.
Thứ ba, nền kinh tế đang phục hồi theo hình chữ V và tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong top đầu cả nước. Đầu tư FDI liên tục tăng kỷ lục. Làn sóng dịch chuyển nhà máy từ các quốc gia khác qua Việt Nam sẽ tạo nên những thành phố công nghiệp khổng lồ với tốc độ tăng chóng mặt vòng một thập kỷ tới. Khi đó, bất động sản công nghiệp trở thành một kênh đầu tư hiệu quả và chắc chắn là xu hướng chủ đạo trong những năm tới đây.
Thứ tư, cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong lịch sử, đó là dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới khiến hàng tỷ người bị chôn chân tại chỗ thì nhu cầu được giải phóng để đi du lịch, mở mang đầu óc càng tăng. Như một hệ quả tất yếu, bất động sản du lịch sẽ tiếp tục có sự phục hồi ngoạn mục và tăng trưởng đột phá trong 5 năm tới. Đây là phân khúc giàu tiềm năng nhưng vẫn có những thử thách trong giai đoạn 2021 - 2022 bởi dịch bệnh còn những diễn biến phức tạp.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Phân khúc mặt bằng bán lẻ: Nghịch lý chỗ ế ẩm, chỗ thiếu nguồn cung
Năm 2020, Việt Nam ghi nhận không ít các khách sạn 5 sao và khu nghỉ dưỡng cao cấp hướng trọng tâm đến nhóm khách hàng tại Việt Nam thay vì chỉ tập trung vào du khách quốc tế, thị trường bắt đầu có bước chuyển mình lớn trong lĩnh vực dịch vụ - giải trí và kinh doanh hàng xa xỉ. Các nhà bán lẻ đang đặt nhiều niềm tin vào người tiêu dùng Việt Nam nhờ các chỉ số vĩ mô tích cực như GDP tăng, tốc độ đô thị hóa cao, dân số trẻ, dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho hay, các nhà bán lẻ đang đặt nhiều niềm tin vào người tiêu dùng Việt Nam nhờ các chỉ số vĩ mô tích cực như GDP tăng, tốc độ đô thị hóa cao, dân số trẻ, dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao.
Đặc biệt, sự hiện diện gần đây nhất của những thương hiệu lớn tại khu vực Tràng Tiền là một dấu hiệu đáng mừng về niềm tin dành cho thị trường Việt Nam khi ở các thành phố khác hoặc ở quốc gia khác, các nhãn hàng không nhận thấy cơ hội trong việc mở cửa hàng mới hoặc đánh giá hoạt động kinh doanh có thể quá rủi ro.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bất chấp Covid-19, giá đất nhiều khu vực đã tăng phi mã như thế nào?
Theo Báo cáo thị trường bất động sản 2020 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), khi thị trường bất động sản các thành phố lớn ngày càng khan hiếm nguồn cung do thủ tục rà soát dự án, khó khăn từ dòng vốn tín dụng, giá đất bị đẩy cao và quỹ đất nội đô ngày càng hạn hẹp,… thì xu hướng đầu tư dần chuyển dần sang các vùng ven khiến giá đất tăng cao.
Báo cáo của VARs cho hay, hiện tượng các nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng nông thôn thời gian gần đây đã làm cho đất vùng nông thôn trở nên sôi động, nhộn nhịp hơn hẳn.
Đất nông nghiệp cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Thời gian gần đây, giá đất nông nghiệp ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh hay xa hơn là Lâm Đồng, Đắk Nông,... đã có mức tăng giá mạnh.
Đơn cử, giá đất nông nghiệp ở nhiều khu vực nông thôn trong tỉnh Đồng Nai như huyện Cẩm Mỹ, huyện Xuân Lộc, huyện Thống Nhất, huyện Định Quán, TP. Long Khánh,... đã tăng gấp 2 - 10 lần so với thời điểm cách đây 3 năm. Đặc biệt là những nơi có các tuyến đường giao thông lớn mới mở, đất nông nghiệp lên đến 10 - 20 tỷ đồng/ha.
Với lợi thế tiếp giáp khu Đông TP.HCM và bản thân tỉnh đang có sự tăng trưởng kinh tế tốt, đặc biệt là sự đầu tư sân bay Long Thành đã khiến Đồng Nai tăng trưởng phát triển các dự án đất nền. Đồng thời đẩy giá đất tăng mạnh. Nếu trong năm 2019, giá đất bình quân tại Đồng Nai dao động trong khoảng 12 - 14 triệu đồng/m2, thì năm 2020 bị đẩy mạnh lên bình quân 22 triệu đồng/m2. Đất tại thị trấn Long Thành, có nơi đã tăng đến trên 100 triệu đồng/m2.
Xem thông tin chi tiết tại đây
'Cuộc đua tuyển người' của doanh nghiệp môi giới bất động sản
CTCP Bất động sản Asian Holding vừa phát đi thông báo tuyển dụng nhân sự tháng 1/2020, vị trí nhân viên kinh doanh với số lượng lên tới 200 người. Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc doanh nghiệp này cho biết việc tuyển nhân sự số lượng lớn đến từ việc doanh nghiệp sẽ bán số lượng lớn sản phẩm tại các tỉnh như dự án FLC tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, dự án tại tỉnh Bình Phước, dự án tại tỉnh Đồng Nai…
Các công ty thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh Corp như Hưng Thịnh Land, Propertyx… đều đang phát đi thông báo tuyển dụng số lượng hàng trăm nhân sự Sales ở các sàn giao dịch tại TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai…
Tập đoàn Novaland đưa ra thông báo “chiêu mộ” 500 nhân viên môi giới bất động sản bắt đầu từ tháng 1/2021. Phía Tập đoàn này cho biết việc tuyển số lượng lớn nhân viên môi giới trên vì hiện doanh nghiệp này đang triển khai mở bán các dự án lớn tại Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM. Với lượng sản phẩm lớn, nhu cầu nhân viên môi giới của Novaland hiện rất nhiều và đây là yếu tố quyết định cho việc bán được hàng hay không của Novaland.
Xem thông tin chi tiết tại đây