BIDV: Lãi trước thuế quý II đạt 11.084 tỷ đồng, tăng 37,5%
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố Báo cáo tài chính quý II/2022.
Theo đó, tính đến hết quý II/2022, tổng tài sản hợp nhất của BIDV đạt trên 1,98 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 12,4% so với đầu năm.
Đến 30/06/2022, tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt trên 1,54 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm. Huy động vốn tăng trưởng đồng thời ở cả phân khúc bán lẻ và bán buôn.
Trong hoạt động tín dụng, cho vay khách hàng đạt trên 1,48 triệu tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức thực hiện cùng kỳ các năm trước; trong đó, dư nợ tín dụng tăng trưởng tốt ở các phân khúc khách hàng FDI (32,7%), khách hàng bán lẻ (15,8%) và khách hàng doanh nghiệp SME (8,3%).
Chất lượng tín dụng được cải thiện tích cực so với đầu năm khi tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN là 0,83%, đảm bảo theo định hướng điều hành. Cùng với đó, tỷ lệ nợ nhóm 2 theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN là 1,28%; tỷ lệ trang trải nợ xấu riêng ngân hàng đạt 279%, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng so với mức 235% thời điểm 31/12/2021.
BIDV cũng cho biết ngân hàng đã thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo phân loại nợ. Các chỉ tiêu an toàn đảm bảo theo quy định.
Bên cạnh đó, hiệu quả kinh doanh 6 tháng ghi nhận kết quả tích cực khi chênh lệch thu chi hợp nhất đạt 24.856 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 11.084 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 53,8% kế hoạch năm.
Trước đó, theo báo cáo của HĐQT BIDV, trong giai đoạn 2022 - 2025, ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng bình quân tổng tài sản 8-12%/năm, dư nợ tín dụng tăng 8-12,5%/năm, huy động vốn tăng 8-13%/năm, lợi nhuận trước thuế tăng 19-26%/năm, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên 12,5% trong cả giai đoạn.
Riêng với năm 2022, ban điều hành BIDV dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 20.600 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2021.
Để thực hiện được mục tiêu trên, ban điều hành BIDV cho biết sẽ ưu tiên tăng trưởng tín dụng trung dài hạn, cho vay ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tập trung đẩy mạnh tín dụng bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), FDI, giảm dần mức độ tập trung vào khách hàng doanh nghiệp lớn, phát triển chọn lọc khách hàng có tổng hòa lợi ích lớn.
Cùng với đó, tiếp tục cơ cấu lại nguồn vốn huy động theo kỳ hạn, loại tiền, đối tượng khách hàng nhằm tiết giảm chi phí huy động vốn, gia tăng quy mô phát hành giấy tờ có giá với chi phí thấp; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng trên cơ sở theo dõi sát tình hình thực hiện chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Song song, thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghệ thông tin (CNTT) trọng điểm, phấn đấu tăng trưởng thu dịch vụ ngân hàng số đạt trên 40% trong năm 2022. Đặc biệt, tập trung triển khai các phương án tăng vốn điều lệ, vốn tự có nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR).
Theo tiết lộ của ban lãnh đạo BIDV, dự kiến nguồn thu nợ ngoại bảng năm nay có thể lên đến 8.000-9.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mức trích lập dự phòng năm nay sẽ vào khoảng 23.000 tỷ đồng (thấp hơn nhiều mức 29.000 tỷ đồng của năm 2021), trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng rất thấp và tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao.