Biến số nợ xấu: Nỗi lo lớn dần
Sau thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các ngân hàng phải đối mặt với vấn đề nợ xấu tăng. Điều này thể hiện rõ trên số dư nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2022 của 27 ngân hàng niêm yết cổ phiếu và giao dịch trên thị trường chứng khoán. Dự báo còn nhiều biến số khiến nợ xấu tăng trong năm 2023…
Những con số biết nói
Với 27 ngân hàng niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022, 22 ngân hàng ghi nhận lãi ở mức kỷ lục và toàn ngành làm ra hơn 11,5 tỷ USD lợi nhuận.
Điểm đáng chú ý là các ngân hàng báo lãi kỷ lục dù doanh nghiệp và nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn. Đặt câu hỏi với một Tổng giám đốc về vấn đề này? Vị lãnh đạo chia sẻ: “Các ngân hàng giảm trích lập dự phòng dẫn đến lợi nhuận tăng nhưng năm 2023, câu chuyện này sẽ khác khi nợ xấu đã ước tính được”.
Nhìn lại nợ xấu của các ngân hàng năm 2022, tính đến thời điểm 31/12/2022 của OCB là 2.671 tỷ đồng tăng trưởng 98% so với 31/12/2021 là 1.350 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu lên đến 2,23% so với 1,32% tại cuối năm 2021.
Tại Techcombank, tỷ lệ nợ xấu và nợ cần chú ý cũng đều tăng. Nợ xấu tính đến cuối năm 2022 là 3.818 tỷ đồng tăng so với 2.294 tỷ đồng cuối năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng tài sản của Ngân hàng tăng từ 0,66% lên 0,9%. Mặc dù đây là mức vẫn trong nhóm thấp trong hệ thống ngân hàng nhưng nợ cần chú ý của Techcombank đã tăng từ 2.100 tỷ đồng lên hơn 8.700 tỷ đồng.
Tính toán về số dư tuyệt đối, VPBank là ngân hàng có số dư nợ xấu cao nhất trong năm 2022 với hơn 25.137 tỷ đồng tăng trưởng 55% so với 31/12/2021 là 16.244 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu ở mức 5,73%. Nhưng, phần lớn nợ xấu của VPBank đến từ công ty tài chính tiêu dùng FE Credit, nợ xấu của ngân hàng mẹ tính đến cuối năm 2022 chỉ hơn 10.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 dưới 3%.
SHB cũng là Ngân hàng tăng trưởng nợ xấu mạnh 59% trong năm 2022 với 9.740 tỷ đồng so với 6.113 tỷ đồng của năm 2021. Tương tự, tăng trưởng nợ xấu của MB là 54% trong năm 2022 với 5.030 tỷ đồng so với 3.267 tỷ đồng.
Trao đổi với báo giới, TS. Nguyễn Chí Hiếu cho biết, một trong những nguyên nhân chính đưa đến rủi ro nợ xấu là từ trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Do môi trường lãi suất cao và nhiều dự án gặp khó về vấn đề pháp lý, triển vọng ngành bất động sản không khả quan, góp phần tăng nợ xấu chéo sang tín dụng ngân hàng khi có nhiều doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ trái phiếu.
Được biết, MB là Ngân hàng giữ vị trí quán quân về số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ là 46.870 tỷ đồng. Báo cáo tài chính của Techcombank cho biết, hơn 41.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đang được Ngân hàng nắm giữ. Tính đến cuối năm 2022, VPBank nắm giữ hơn 32.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Tại Hội nghị tín dụng về bất động sản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức vào ngày 8/2, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN Việt Nam khi mời đại diện Techcombank phát biểu đã nhấn mạnh đây là “anh cả cho vay trong lĩnh vực bất động sản…”. Báo cáo tài chính cho biết, xét theo tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản/tổng dư nợ cho vay khách hàng, Techcombank đang dẫn đầu với tỷ lệ 25,90% tại thời điểm cuối năm 2022. Techcombank cũng là Ngân hàng có dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản cao nhất, với 108.906 tỷ đồng. Tiếp theo là VPBank với dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản là 67.593 tỷ đồng với tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản/tổng dư nợ cho vay khách hàng là 15,42%. Tương tự, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản của SHB là 31.493 tỷ đồng và MB là 21.358 tỷ đồng.
Thêm biến số tăng nợ xấu
Trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản “tắc”, thị trường bất động sản gần như “đóng băng” được nhận định tiếp tục là vấn đề của năm 2022 kéo sang 2023. Bên cạnh đó, ông Simon Chen, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) chia sẻ thêm, rủi ro tài sản và chi phí tín dụng sẽ tăng do điều kiện hoạt động khó khăn hơn.
Ngoài ra, nợ có vấn đề mới hình thành sẽ tăng do dòng tiền kinh doanh yếu hơn, lãi suất và chi phí hoạt động cao hơn, cũng như khó khăn tái cấp vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tín dụng đối với các ngành tiềm ẩn rủi ro liên quan đến xuất khẩu và sản xuất, bất động sản và xây dựng sẽ bị ảnh hưởng nhất do chi phí tín dụng tăng.
“Mặc dù tỷ lệ dự phòng tổn thất cho các khoản nợ xấu cải thiện, các ngân hàng vừa và nhỏ có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ ít có sự chuẩn bị cho chất lượng tài sản kém đi và sẽ cần gia tăng trích lập dự phòng”, ông Simon Chen nói.
Cũng theo ông Simon Chen, áp lực cạnh tranh kết hợp với yêu cầu của cơ quan quản lý sẽ đẩy lãi suất huy động tăng nhanh hơn lãi suất cho vay. Cùng với nhu cầu tín dụng chậm lại, biên lãi ròng sẽ thu hẹp và rõ nét hơn đối với các ngân hàng nhỏ có nguồn vốn yếu và thanh khoản eo hẹp. Câu chuyện thu phí liên quan đến các dịch vụ thị trường vốn, theo ông Simon Chen, sẽ thu hẹp do tâm lý kém khả quan trên thị trường chứng khoán và trái phiếu. Thu từ mua bán chứng khoán có thể sẽ giảm do lãi suất cao hơn và biến động thị trường kéo dài. Tăng trưởng phí bán chéo bảo hiểm cũng sẽ chậm lại do tâm lý khách hàng và giảm cơ hội bán chéo.
Thực tế cho thấy, khả năng sinh lời giảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng tạo vốn nội bộ. Mặt khác, tăng trưởng tín dụng chậm lại sẽ giảm áp lực lên vốn. Trong khi đó, mức vốn lõi của các ngân hàng Việt Nam đến nay vẫn ở mức thấp nhất so với các ngân hàng trong khu vực. Nếu không tăng vốn đủ lớn, các ngân hàng dễ bị ảnh hưởng trước rủi ro sự kiện và sẽ cần hỗ trợ đặc biệt trong những thời điểm căng thẳng.
Ông Simon Chen nhấn mạnh: “Đặc biệt, thanh khoản sẽ vẫn eo hẹp, nhất là với các ngân hàng vừa và nhỏ. Chi phí huy động sẽ vẫn ở mức cao do tiền gửi tăng trưởng chậm trong bối cảnh các ngân hàng cạnh tranh sát sao và vẫn còn tâm lý e ngại rủi ro trên thị trường liên ngân hàng”.
Đề cập đến tâm điểm ngành ngân hàng 2023, ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Phân tích Tín dụng và Dịch vụ Tài chính xanh, FiinRatings cho rằng: “Chất lượng tài sản cũng là một yếu tố cần theo dõi, đặc biệt các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao cần thực hiện các biện pháp thu hồi và xử lý nợ xấu để cải thiện năng lực tài chính, tránh gây ảnh hưởng đến cả hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền”.