Bộ GTVT duyệt điều chỉnh quy hoạch sân bay Sa Pa
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Sa Pa (Lào Cai) giai đoạn đến năm 2030.
Theo phê duyệt quy hoạch, cảng hàng không Sa Pa nằm tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Đây sẽ là cảng hàng không nội địa với tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Về mục tiêu quy hoạch, cấp sân bay 4C với công suất 3.000.000 hành khách/năm; loại máy bay khai thác là máy bay code C hoặc tương đương với 9 vị trí đỗ máy bay.
Mạng lưới giao thông phục vụ hoạt động của Cảng hàng không Sa Pa được quy hoạch đồng bộ. Đường trục vào cảng nối từ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tới khu vực sân đỗ ô tô trước ga với quy mô 6 làn xe. Nút giao với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là nút giao khác mức. Cầu cạn kết nối nhà ga 2 cao trình với chiều dài cầu khoảng 620 m dự phòng kết nối cho phát triển nhà ga hành khách giai đoạn sau năm 2030.
Tổng nhu cầu sử dụng đất của Cảng hàng không Sa Pa đến năm 2030, có dự trữ phát triển sau năm 2030 là 371 ha.
Trước đó, tỉnh Lào Cai đã có kiến nghị với Thủ tướng về dự án cảng hàng không Sa Pa và cho biết đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến trong năm 2019 hoàn thành, đề nghị Thủ tướng chấp thuận hình thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP).
Theo đề xuất của tỉnh Lào Cai, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa dự kiến có công suất từ 2,5 đến 3 triệu khách/năm, đón được tàu bay Airbus A320, A321 hoặc tương đương, có tổng mức đầu tư lên tới 5.903 tỷ đồng.
Trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 3.088 tỷ đồng để xây dựng khu bay (đường băng, đường lăn, sân đỗ) và đường trục vào cảng hàng không. Vốn ngân sách tỉnh Lào Cai là 910,6 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng, tái định cư và rà phá bom mìn).
Vốn do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là 131 tỷ đồng để đầu tư các công trình quản lý bay, vốn kêu gọi nhà đầu tư là 1.772 tỷ đồng để xây dựng khu hàng không dân dụng và kho nhiên liệu hàng không.
UBND tỉnh Lào Cai sẽ kêu gọi nhà đầu tư tư nhân để đầu tư xây dựng khu hàng không dân dụng và kho nhiên liệu hàng không với chi phí 1.772,43 tỷ đồng theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Thời điểm đó, cho ý kiến về đề xuất này của UBND tỉnh Lào Cai, Đại tá Phan Tương, nguyên Giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất cho rằng, đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ tới 50% tổng vốn đầu tư của dự án là không thể được. Ngân sách đang khó khăn, Việt Nam đang phải đi vay để trả nợ mà lại đề xuất Trung ương rót tiền hỗ trợ xây sân bay thì không thể chấp nhận được.
"Cơ quan quản lý nhà nước cần khẳng định rõ ràng quan điểm không sử dụng một đồng ngân sách nào để đầu tư cho dự án này", Đại tá Phan Tương nói.
Cũng theo nguyên Giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất, ngân sách Trung ương cộng với ngân sách địa phương (đều là tiền thuế của người dân) bỏ ra hơn 60% tổng mức đầu tư dự án, trong khi tư nhân, theo phương án của Lào Cai, chỉ bỏ ra chưa đến 30% tổng mức đầu tư nhưng được giao khai thác thì có khi cái tư nhân được lợi lớn hơn rất nhiều số vốn họ bỏ ra.
"Phải tính toán hết sức cẩn thận. Nhà nước không thể chịu mất một nguồn lực quá lớn trong khi hiệu quả dự án vẫn còn chưa đo đếm được", Đại tá Phan Tương nhấn mạnh.
Theo Minh Thái/Báo Đất Việt