Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu 6 nhóm giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 6 nhóm giải pháp thực hiện, trong đó yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không trả lại kế hoạch vốn ngân sách trung ương (N

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu 6 nhóm giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1
Đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước cả trước mắt và lâu dài. Ảnh minh họa.

Ước giải ngân vốn đến ngày 31/10/2022 đạt 51,34% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2021

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước (NSNN) trong 10 tháng đầu năm 2022 và các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2022, tính đến ngày 28/10/2022, tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là 549.081,601 tỷ đồng, đạt 94,7% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, vốn trong nước đạt 94,3% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 99,9% kế hoạch. Số vốn NSNN còn lại chưa phân bổ là 30.965,233 tỷ đồng (bằng 5,3% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương (05/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch).

Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN từ đầu năm đến ngày 31/10/2022 là 297.774,16 tỷ đồng, đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 55,8%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 40.387 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với số giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN 10 tháng năm 2021.

Vốn trong nước là 290.807,06 tỷ đồng, đạt 53,31% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 60,89%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 41.301,65 tỷ đồng. Vốn nước ngoài là 6.967,10 tỷ đồng, đạt 20,14% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 15,29%).

03 cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80% kế hoạch

Theo báo cáo, có 03 cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tuy nhiên, có 37/51 bộ, cơ quan trung ương và 19/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (51,34%), trong đó có 10 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng giải ngân của đơn vị mình.

Không trả lại kế hoạch vốn ngân sách trung ương (NSTW) năm 2022 được giao

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu Thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương và các cấp chính quyền địa phương phải coi việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch đã được giao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó tập trung thực hiện 06 nhóm giải pháp chính.

Thứ nhất, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không trả lại kế hoạch vốn ngân sách trung ương (NSTW) năm 2022 được giao. Chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ; các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ…

Thứ hai, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên…; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng; chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn theo quy định.

Thứ ba, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể, nhất là các dự án khởi công mới; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu tư của từng dự án; nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án. Thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ năm, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trước tháng 11/2022 theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 31/7/2022 của Chính phủ và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 05/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ; rà soát ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp, sắp xếp thứ tự ưu tiên khởi công mới các dự án trong năm 2023 bảo đảm tính khả thi về thủ tục đầu tư và giải ngân; hoàn thành một số dự án trọng điểm, tạo động lực mới phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương.

Thứ sáu, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án để có thể triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2023, tích cực giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, không để chậm trễ.

Minh Thành

Theo Kinh doanh và Phát triển