TP.HCM: Nhà đầu tư tìm quỹ đất lập trung tâm dữ liệu lớn và siêu lớn
Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP. HCM, ông Lâm Đình Thắng, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm các khu đất để xây dựng trung tâm dữ liệu lớn và siêu lớn.
Tại TP. HCM mới, tính đến ngày 30/6/2025, tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài- FDI của 3 tỉnh, thành phố trước khi sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính là 4,725 tỷ USD, tăng 32,2% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2024 là 3,575 tỷ USD.
Tổng kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài đặt ra trong năm 2025 của thành phố (tính cả 3 tỉnh, thành phố cũ) là khoảng 10,44 tỷ USD. Trong đó, TP. HCM dự kiến khoảng 7 tỷ USD; Bình Dương (cũ) khoảng 1,8 tỷ USD; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) khoảng 1,64 tỷ USD.

Sau khi sắp xếp, Ban Quản lý các KCX và công nghiệp TP. HCM phấn đấu đạt tổng vốn thu hút đầu tư kể cả cấp mới và điều chỉnh theo kế hoạch năm nay khoảng 3,73 tỷ USD.
TP. HCM chủ động chuẩn bị về cơ chế, đất đai, quy hoạch và tháo gỡ vướng mắc để sẵn sàng cho nhà đầu tư tiếp cận các dự án thuộc Danh mục thu hút đầu tư giai đoạn 2024-2025 trên địa bàn, trên cơ sở tận dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.vietnamfinance.vn
TP. HCM tập trung hoàn thiện danh mục dự án thu hút đầu tư để kêu gọi đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên nhà đầu tư chiến lược, trong đó có các dự án trong lĩnh vực cảng trung chuyển quốc tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ...
Sau hợp nhất, TP. HCM có 64/67 khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động. Việc hợp nhất mở ra nhiều cơ hội và không gian phát triển cho lĩnh vực công nghiệp. Tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp lên tới 45.000ha.
Theo Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP. HCM, ông Lâm Đình Thắng, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm các khu đất để xây dựng trung tâm dữ liệu lớn và siêu lớn. Với các KCN, KCX hiện hữu, tại TP. HCM đề án thí điểm chuyển đổi 5 KCX, KCN, gồm Tân Thuận, Tân Bình, Hiệp Phước, Cát Lái, Bình Chiểu sẽ được trình UBND TP. HCM trong tháng 7 này. Định hướng chuyển đổi của 5 khu này là phát triển công nghệ cao, sáng tạo, với các tiêu chí thu hút đầu tư mới về công nghệ, ngành nghề, suất đầu tư, lao động, môi trường…
Mở rộng không gian, cũng là cơ hội để thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng hơn. Tại Bình Dương- thủ phủ công nghiệp với số KCN, KCX chiếm một nửa số lượng của TP. HCM mới, 2 dự án KCN Cây Trường và KCN Bàu Bàng mở rộng giai đoạn 2 vừa khởi công.
Với tổng vốn đầu tư gần 5.500 tỷ đồng, KCN Cây Trường được quy hoạch trên diện tích 700ha, ưu tiên thu hút các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường. KCN Bàu Bàng mở rộng giai đoạn 2, bổ sung 380ha quỹ đất sạch liền kề KCN hiện hữu, mang đến hạ tầng đồng bộ và hiện đại, sẵn sàng phục vụ các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp quy mô lớn.
Với cụm công nghiệp Tam Lập 2, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có công nghệ sản xuất tiên tiến, giảm phát thải và xây dựng môi trường sản xuất xanh - sạch. Các nhà máy đầu tư tại đây sẽ sử dụng năng lượng tái tạo đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Cắt giảm thủ tục hành chính luôn là vấn đề được nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Công Vinh, hiện có 22 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư do Sở Tài chính thực hiện. Đến nay, Sở Tài chính đã thực hiện cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với 5/22 thủ tục hành chính này.
Trong thời gian cuối năm, sở tập trung cắt giảm thời gian giải quyết hồ sơ, trong đó thủ tục đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư... chỉ trong một ngày làm việc. Các thủ tục cấp lại, hiệu đính thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thành lập văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC... sẽ giảm 30% thời gian giải quyết hồ sơ. Các cơ quan được lấy ý kiến thẩm định sẽ giải quyết trong 7 ngày làm việc.