Làm sao để giải ngân 100% vốn đầu tư công?
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025.Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng, đòi hỏi những nỗ lực đồng bộ. Tạp chí Đầu tư Tài chính– VietnamFinance có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hữu Huân – Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) để đánh giá về khả năng và phương cách hiện thực hóa mục tiêu này.
-Ông đánh giá như thế nào về mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025 của Chính phủ?
Đây là một quyết sách mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhiều thách thức, đặc biệt là vào thời điểm cuối của giai đoạn kế hoạch 2021–2025. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu này không phải là điều dễ dàng, bởi hiện nay tiến độ giải ngân vẫn còn chậm. Đến hết tháng 5, vốn đầu tư công giải ngân ước đạt 199.325 tỷ đồng, chỉ bằng 22,2% kế hoạch và 24,1% kế hoạch do Thủ tướng giao.

-Dưới góc nhìn của ông, nguyên nhân chính yếu khiến vốn đầu tư công chậm giải ngân là gì?
Chậm giải ngân đầu tư công thực sự là một “căn bệnh” kéo dài nhiều năm qua ở Việt Nam và là vấn đề đã được nhắc đến rất nhiều trong các báo cáo giám sát của Quốc hội, Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế. Theo quan điểm của tôi, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp không hoàn toàn nằm ở yếu tố tài chính, bởi thực tế, nguồn vốn bố trí cho đầu tư công hằng năm đều rất lớn và ngân sách nhà nước luôn sẵn sàng đáp ứng nếu dự án đủ điều kiện.
Điểm nghẽn lớn nhất nằm ở khâu quản trị, thể hiện ở cả cơ chế, chính sách lẫn quá trình tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, giải pháp quan trọng nhất là tiếp tục cải cách mạnh mẽ về thể chế, nâng cao năng lực thực thi, tăng trách nhiệm giải trình và khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong quản trị đầu tư công.
-Ông có thể chỉ ra những “tắc nghẽn” của khâu quản trị một cách cụ thể?
Những điểm nghẽn lớn nhất trong thể chế đầu tư công hiện nay có thể nhận diện rõ nét qua thực tiễn triển khai các dự án trên cả nước.
Trước hết, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư công còn chồng chéo, thiếu đồng bộ giữa các luật như Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch và các quy định về đấu thầu, giải phóng mặt bằng. Sự thiếu nhất quán này dẫn đến tình trạng mỗi địa phương, mỗi bộ ngành có thể hiểu và áp dụng khác nhau, gây ra tình trạng “đứng hình” ở nhiều khâu thủ tục, khiến tiến độ triển khai dự án bị kéo dài không cần thiết.
Bên cạnh đó, quá trình phân bổ và điều chỉnh vốn đầu tư công vẫn còn cứng nhắc, thủ tục điều chỉnh dự án, chuyển vốn giữa các dự án hoặc các hạng mục gặp rất nhiều rào cản, nhất là khi phải trình qua nhiều cấp thẩm quyền và thường xuyên vướng vào các quy định chặt chẽ về mục tiêu, phạm vi đầu tư. Việc triển khai dự án đầu tư công cũng chịu ảnh hưởng lớn từ quy định về quy hoạch, nhất là với những dự án hạ tầng quy mô lớn hoặc các dự án liên quan tới đất đai, bởi việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch ở nhiều nơi còn kéo dài, gây khó khăn cho việc giao đất, giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục đầu tư tiếp theo.
Một điểm nghẽn rất điển hình nữa là công tác giải phóng mặt bằng và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, vốn thường chiếm phần lớn thời gian trong các dự án đầu tư công, lại gặp nhiều vướng mắc do giá đền bù, chính sách hỗ trợ chưa thống nhất, phát sinh khiếu nại, tranh chấp kéo dài. Ngoài ra, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa trung ương và địa phương còn thiếu sự thống nhất và linh hoạt, khiến nhiều công việc bị đùn đẩy trách nhiệm hoặc xử lý chậm trễ.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, chính là năng lực quản trị, điều hành dự án của các ban quản lý và chủ đầu tư còn hạn chế; sự e ngại trách nhiệm, sợ sai vẫn khá phổ biến do hệ thống kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm còn nghiêng về xử lý hình sự, chưa tạo động lực và niềm tin cho người thực thi. Tất cả những điểm nghẽn này kết hợp lại tạo nên một hệ thống đầu tư công vận hành còn kém hiệu quả, làm chậm tiến độ giải ngân và giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

-Luật Đầu tư công đã nhiều lần sửa đổi. Liệu quá trình thực hiện luật này có còn vướng mắc, cản trở việc giải ngân vốn đầu tư công?
Luật Đầu tư công đã được sửa đổi, bổ sung qua nhiều lần nhằm khắc phục các bất cập trong thực tiễn, nhưng quá trình triển khai vẫn còn nhiều điểm nghẽn, đặc biệt về thủ tục, phân cấp, và tính linh hoạt trong điều hành.
Theo tôi, để hoàn thiện hơn trong giai đoạn tới và thực sự phát huy vai trò của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế, cần tập trung vào một số định hướng cải cách sau: Thứ nhất, nhà nước cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình chuẩn bị, phê duyệt và giải ngân dự án đầu tư công. Đặc biệt, nhà nước nên ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan, để hạn chế tình trạng chồng chéo giấy tờ, xin ý kiến qua nhiều cấp; có thể xem xét cơ chế “một cửa số hóa” cho toàn bộ quy trình đầu tư công, từ lập chủ trương, thẩm định, giải phóng mặt bằng đến giải ngân.
Thứ hai, nhà nước tăng cường phân cấp, phân quyền thực chất cho địa phương gắn với cơ chế giám sát, kiểm soát rủi ro phù hợp. Địa phương cần được chủ động hơn trong điều chỉnh danh mục, phân bổ và điều chuyển vốn giữa các dự án trong cùng nhóm, cùng mục tiêu, miễn là đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, không làm tăng tổng mức đầu tư và tuân thủ kế hoạch tổng thể. Song song với đó, nhà nước cần tăng cường hậu kiểm, xử lý nghiêm các sai phạm và phòng ngừa tham nhũng, thất thoát.
Thứ ba là nâng cao trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, đi đôi với chế tài đủ mạnh để xử lý trường hợp chậm trễ, thiếu trách nhiệm, hoặc không đảm bảo chất lượng dự án. Luật cần bổ sung quy định đánh giá định kỳ hiệu quả thực tế các dự án đầu tư công, công khai thông tin cho xã hội và cho phép các tổ chức độc lập, chuyên gia giám sát.
Thứ tư, nhà nước nên hoàn thiện các quy định về chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đấu thầu; cần có quy trình chuẩn bị kỹ lưỡng, rõ trách nhiệm từng bước, đồng thời quy định rõ các tiêu chí lựa chọn dự án ưu tiên đầu tư công, hạn chế tình trạng “xin-cho”, dàn trải hoặc thiếu hiệu quả.
Thứ năm là khuyến khích đổi mới sáng tạo trong đầu tư công, ví dụ áp dụng mô hình hợp tác công – tư (PPP) linh hoạt, khuyến khích xã hội hóa đầu tư trong những lĩnh vực phù hợp, đồng thời ứng dụng công nghệ trong giám sát tiến độ, chất lượng dự án theo thời gian thực. Cuối cùng là cần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công, liên thông, minh bạch, công khai tiến độ và hiệu quả các dự án, từ đó tạo điều kiện cho giám sát xã hội, tăng niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
-Theo ông, đâu là giải pháp cốt lõi để nâng cao hiệu quả đầu tư công trong trung hạn, đặc biệt trong giai đoạn 2025–2030?
Để nâng cao hiệu quả đầu tư công trong trung hạn, nhất là giai đoạn 2025–2030, điều quan trọng nhất không còn nằm ở chỗ tăng thêm quy mô vốn hay đẩy mạnh giải ngân bằng mọi giá, mà phải chuyển hẳn sang cách tiếp cận lấy “chất lượng” làm trung tâm. Nghĩa là, mỗi dự án được lựa chọn không chỉ dựa trên ý chí chủ quan hay phân bổ theo kiểu “cào bằng”, mà phải thực sự dựa trên những tiêu chí khoa học, minh bạch và hướng đến lợi ích lâu dài, tạo ra tác động lan tỏa mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Việc ưu tiên các dự án hạ tầng chiến lược, thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, phát triển xanh và các chuỗi liên kết vùng sẽ mang lại giá trị bền vững thay vì chạy theo số lượng hay thành tích giải ngân ngắn hạn. Trường hợp lý thuyết “chiếc kính vỡ” nổi tiếng trong kinh tế học, do Frédéric Bastiat nêu ra là một minh họa điển hình. Lý thuyết dựa trên chuyện về một cậu bé vô tình đá quả bóng làm vỡ cửa kính của tiệm bánh trong làng.
Nhiều người ngoài nhìn vào sẽ cho rằng đây là một sự kiện “may mắn” cho người thợ sửa kính, vì từ sự cố đó, ông ta có việc làm, nhận được tiền công và vòng quay kinh tế nhờ đó mà tăng lên. Mẹ của cậu bé, dù không vui, cũng phải trả tiền để thay kính mới. Nếu nhìn thuần túy theo con số, chi phí thay kính ấy sẽ được cộng vào GDP – bởi nó là một khoản chi tiêu mới cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, logic của “chiếc kính vỡ” chỉ ra cái nhìn ngắn hạn và phiến diện này. Thực chất, khoản tiền mẹ cậu bé trả cho người thợ kính chỉ là khoản tiền mà, nếu không có sự cố, bà có thể dùng để mua sách, quần áo mới hay dành dụm cho những mục đích khác, qua đó cũng tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội. Việc tấm kính bị vỡ không làm cho xã hội giàu có hơn, mà chỉ chuyển hướng tiêu dùng từ một giá trị tiềm năng sang việc “bù đắp” cho một tổn thất. Xét trên tổng thể, xã hội không giàu hơn, mà chỉ mất đi một tấm kính lành, đổi lấy việc làm tạm thời cho người thợ kính.
Đây là ví dụ điển hình cho “cái thấy” và “cái không thấy” trong kinh tế học. Liên hệ tới việc thúc đẩy đầu tư công chỉ với mục đích tạo ra việc làm, bản chất cũng tương tự như lý thuyết chiếc kính vỡ. Nếu nhà nước tập trung giải ngân đầu tư công vào các dự án không thật sự cần thiết, không tạo giá trị gia tăng thực chất, chỉ để tăng số lượng việc làm hoặc con số tăng trưởng trên báo cáo ngắn hạn, thì cuối cùng nguồn lực xã hội lại bị tiêu hao cho những hoạt động ít hiệu quả.
Thay vì đầu tư vào những lĩnh vực có khả năng bứt phá, đổi mới, tạo nền tảng cho phát triển bền vững, nguồn lực lại được phân bổ vào các công trình “hào nhoáng” hoặc lặp đi lặp lại mà không cải thiện thực chất năng suất xã hội. GDP có thể tăng, giống như tiền công cho thợ kính được trả ra, nhưng sự giàu lên của nền kinh tế là ảo, bởi tổng thể xã hội không nhận được giá trị mới, mà chỉ “bù đắp” cho sự thiếu hiệu quả trong phân bổ nguồn lực. Bài học từ “chiếc kính vỡ” nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy đầu tư công phải luôn đặt mục tiêu hiệu quả và phát triển bền vững lên hàng đầu, tránh chạy theo những con số tăng trưởng hời hợt mà quên đi “cái không thấy” – tức là giá trị, cơ hội bị đánh mất khi nguồn lực không được sử dụng một cách tối ưu cho xã hội.
Trên thực tế, chất lượng đầu tư công phụ thuộc rất lớn vào khâu chuẩn bị và tổ chức thực hiện dự án. Nếu giai đoạn chuẩn bị được tiến hành bài bản, nghiêm túc từ công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục pháp lý đến đánh giá năng lực các chủ thể tham gia, thì quá trình triển khai sẽ hạn chế tối đa rủi ro chậm trễ, thất thoát hay lãng phí. Khi mỗi khâu, mỗi bước đều gắn với trách nhiệm cá nhân cụ thể, với quy trình giám sát – kiểm soát rõ ràng, thì mới thực sự tạo nên niềm tin vào hiệu quả của đầu tư công. Hiện đại hóa công tác quản lý, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số trong giám sát dự án, cũng là giải pháp mang tính đột phá.
Việc ứng dụng các nền tảng dữ liệu số, công nghệ AI, phân tích dữ liệu lớn sẽ giúp công khai tiến độ, chất lượng, chi phí dự án tới từng người dân, doanh nghiệp và cơ quan kiểm soát. Khi thông tin được chia sẻ kịp thời, minh bạch và có thể phản hồi từ nhiều phía, sẽ giảm thiểu các khoảng “mù mờ” dễ phát sinh tiêu cực và nâng cao hiệu quả quản trị.
Quan trọng hơn cả là phải thay đổi tư duy về vai trò của đầu tư công trong phát triển. Thay vì chỉ coi đây là nhiệm vụ chi tiêu ngân sách, cần xem đầu tư công là “chất xúc tác”, là vốn mồi để thu hút các nguồn lực tư nhân, vốn ngoài nhà nước cùng tham gia vào các dự án có sức lan tỏa thực sự cho nền kinh tế. Khi đầu tư công được đặt đúng vai trò dẫn dắt, tập trung vào các lĩnh vực mà khu vực tư nhân chưa thể hoặc không muốn đầu tư, nó sẽ trở thành động lực phát triển bền vững và mang lại hiệu quả thiết thực cho cả xã hội trong trung hạn cũng như dài hạn.
-Trân trọng cảm ơn ông!