Bộ Tài chính: Doanh nghiệp mua gần 3,7 tỷ USD trái phiếu trước hạn
Thống kê từ Bộ Tài chính cho thấy, tính đến cuối tháng 7/2022, khối lượng trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn đã là 86.556 tỷ đồng, tương đương gần 3,7 tỷ USD quy đổi theo tỷ giá hiện tại, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, tính riêng tháng 7/2022, đã có xấp xỉ 1,04 tỷ USD trái phiếu được mua lại trước hạn (số mua lại riêng quý II là 2,1 tỷ USD).
Trước đó, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết: Tính đến ngày 29/7, dựa trên các công bố từ trang thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có 28 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được công bố với tổng giá trị 18.661 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn doanh nghiệp phát hành trái phiếu tháng 7/2022 vẫn đến từ các ngân hàng thương mại với giá trị 15.058 tỷ đồng (chiếm 81% tổng giá trị phát hành), đứng đầu là BIDV với khối lượng phát hành 4.494 tỷ đồng, tiếp theo là MBBank với 3.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu tăng trưởng nóng từ năm 2019, tiềm ẩn nhiều rủi ro đến sự phát triển chung của thị trường, Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính đã liên tục có các văn bản chỉ đạo về việc quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường này.
Vị đại diện này cũng nhận định, sau động thái chấn chỉnh nghiêm của cơ quan quản lý, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ghi nhận hiện tượng các doanh nghiệp mua lại trái phiêu trước hạn với khối lượng lớn.
Theo thống kê, tổng khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ trong 7 tháng đầu năm là 280.641 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) chiếm 37,2% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 31,5% và doanh nghiệp xây dựng chiếm 8,8%. Tính riêng tháng 7/2022, 84,4% khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ là của các TCTD, trong khi nhóm doanh nghiệp bất động sản và xây dựng chiếm lần lượt 1,5% và 0,7%.
Ông Dương cũng cho biết, trên thị trường hiện nay xuất hiện môi giới của một số doanh nghiệp, tổ chức tài chính mời chào người dân mua TPDN như một hình thức gửi tiết kiệm. Các hình thức chào mời đa dạng, nhằm thu hút NĐT cá nhân, lách luật để trở thành NĐT chuyên nghiệp với mức phí từ 2-3 triệu đồng.
Chưa kể, các doanh nghiệp đã bắt đầu có hiện tượng nâng lãi suất trái phiếu để huy động vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng.
Đề cập thị trường TPDN thời gian qua, ông Nguyễn Hoàng Dương cho rằng: Việc thực thi pháp luật chưa nghiêm dẫn tới các vụ việc vi phạm bị xử lý. Bên cạnh đó, thị trường vẫn tồn tại các rủi ro gắn với từng chủ thể tham gia như: Doanh nghiệp đẩy lãi suất trái phiếu lên cao dù tình hình tài chính yếu; nhiều nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm quy định để mua trái phiếu; một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa tuân thủ quy định pháp luật, hợp thức hóa hồ sơ chào bán hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư đối với trái phiếu riêng lẻ… Đặc biệt, các nhà đầu tư cá nhân thiếu khả năng phân tích, đánh giá rủi ro của trái phiếu nhưng vẫn tham gia đầu tư.
Để phát triển thị trường TPDN minh bạch, bền vững theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ rà soát để báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội sửa đổi một số quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp. Theo đó, làm rõ phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Xây dựng trong quản lý giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN đối với các trái phiếu doanh nghiệp và các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng. Đồng thời, cung cấp thông tin cho Bộ Công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra.