Bỏ vốn mồi gọi ông lớn, đưa Quảng Ninh thành trung tâm logistics quốc tế

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần bố trí ngân sách làm “vốn mồi”, thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển các hạ tầng logistics quy mô lớn.

Cảng biển lớn gặp khó

Đánh giá về tiềm năng phát triển logistics tại Quảng Ninh, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: "Quảng Ninh đã có chuyển biến rất tốt về đường bộ, hàng không, nhưng cảng biển hiện nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Chưa có những trung tâm logistics xứng tầm để phục vụ các hoạt động thương mại ở khu vực biên giới".

Thực tế, dù có rất nhiều lợi thế, song cảng biển tại Quảng Ninh vẫn còn gặp phải không ít khó khăn, dẫn đến yếu tố cạnh tranh còn yếu. Điều này đã khiến hầu hết các cảng đang dư thừa năng lực, lượng hàng hóa thông qua các cảng còn ở mức khá khiêm tốn.

“Cảng biển khu vực Hòn Gai, mặc dù có đầy đủ các yếu tố trở thành khu vực cảng biển tổng hợp then chốt của Việt Nam và quốc tế. Tuy nhiên, các hãng tàu nước ngoài đến cảng cũng như các chủ hàng còn đắn đo khi lựa chọn giữa cảng biển này với cảng biển Hải Phòng. Một trong những điểm nghẽn lớn nhất tại các bến cảng khu vực Hòn Gai là kết nối giao thông sau cảng. Bởi khoảng cách từ Hòn Gai đi các tỉnh phía Bắc dài hơn so với việc xuất phát đi từ Hải Phòng, điều này dẫn đến việc tăng phí vận tải nội địa cho các hãng tàu, chủ hàng”, ông Hải nói.

Bên cạnh đó, các loại hình dịch vụ hàng hải tại khu vực Hòn Gai mới chỉ dừng lại ở việc làm đại lý tàu biển, dịch vụ lai dắt hỗ trợ, cung ứng một số loại hình dịch vụ đơn giản. Các dịch vụ đòi hỏi trình độ cao như: sửa chữa, bảo dưỡng máy móc tàu, lặn ngầm khảo sát thân vỏ tàu... còn phải huy động các cơ sở dịch vụ từ khu vực Hải Phòng thực hiện.

Ông Lê Văn Thuyết - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Quảng Ninh chia sẻ, để phát triển logistics cần kèm theo kho bãi nhưng hiện Quảng Ninh mới chỉ quy hoạch khu công nghiệp cảng biển còn kho bãi ngoại quan thì gần như chưa có. Kể cả ở 4 thành phố lớn cũng không có một bãi container hay kho bãi nào đủ quy mô để chứa hàng ngoại quan bao gồm kho, hạ tầng, xuất nhập hay bảo quản...

Quảng Ninh cũng chưa xây dựng được trung tâm logistics chuyên biệt phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, lưu kho, bãi, vận tải tại khu vực cảng biển, hay cửa khẩu; dịch vụ vận chuyển hàng hóa tại Quảng Ninh còn quá phụ thuộc vào vận chuyển đường bộ, chưa khai thác tối ưu các tuyến thủy nội địa và hệ thống cảng hiện có; nguồn hàng còn thiếu hụt về “chân hàng” để các hãng tàu vận chuyển...

Cùng với đó, hoạt động dịch vụ cảng biển và logistics chưa có những giải pháp trọn gói, thiếu các dịch vụ gia tăng cho chuỗi cung ứng của chủ hàng, thiếu sự kết nối giữa doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics… đã tác động đến cả thương mại, sản xuất, đầu tư, trong đó có ngành dịch vụ logistics.

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng gặp những khó khăn về nguồn nhân lực logistics cũng như cải tiến công nghệ để bắt kịp xu hướng số hóa và cải thiện tỷ suất lợi nhuận thông qua việc trang bị các công cụ tự động, hiện đại. Các đơn vị vận tải khó khăn về nguồn vốn, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được trong quá trình chuyển đổi số.

Bỏ vốn mồi, gọi DN lớn dẫn dắt

Phát biểu tại Hội nghị Phát triển dịch vụ logistics mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: "nhắc đến Quảng Ninh, người ta thường nghĩ ngay đến du lịch và than… Tuy nhiên, còn một ngành dịch vụ tiềm năng mà Quảng Ninh cũng có lợi thế đặc biệt, đó chính là logistics. Quảng Ninh có vị trí địa kinh tế thuận lợi và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gần như hoàn thiện và hiện đại nhất cả nước với đủ 5 loại hình vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không), giúp kết nối, giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, khu vực và quốc tế”.

Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, logistics Quảng Ninh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình, cần có những giải pháp mạnh mẽ, đột phá hơn để thúc đẩy ngành dịch vụ quan trọng này phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, tỉnh có các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi để thu hút các nguồn lực xã hội, đồng thời ưu tiên bố trí ngân sách để làm “vốn mồi”, dẫn dắt, thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển các hạ tầng logistics quy mô lớn, tích hợp nhiều dịch vụ, có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức và có khả năng kết nối hiệu quả với các hệ thống đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu, hành lang kinh tế nhằm nâng cao tính kết nối giữa Quảng Ninh với các địa phương trong vùng và quốc tế.

Đồng thời, tận dụng lợi thế riêng có về địa lý để tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài nhằm kết nối hạ tầng logistics với Trung Quốc và các nước ASEAN, Đông Bắc Á, từ đó phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới… hình thành các chuỗi logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao, đem lại dịch vụ chất lượng cao với chi phí phù hợp.

Cùng với đó, Quảng Ninh cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tthúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ logistics trong tình hình mới.

Kỳ Thư

Theo VietnamFinance