Bóng đèn Rạng Đông: Từ việc giá cổ phiếu “trượt dốc” gần 40% đến việc cổ đông chất vấn về khoản phải thu tăng nhanh
Cổ đông Bóng đèn Rạng Đông cho rằng công ty nên mời gọi các nhà đầu tư lớn đồng hành cùng và cũng nêu nghi vấn về việc các khoản phải thu tăng nhanh.
Cuối tháng 6/2022 CTCP Bóng đèn và phích nước Rạng Đông (mã chứng khoán RAL) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2022. Tại Đại hội, cổ đông công ty đã có rất nhiều ý kiến, chủ yếu liên quan đến khoản phải thu tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu; đến việc giá phát hành cổ phiếu ESOP quá thấp…
RAL nhìn từ việc giá cổ phiếu “trượt dốc” khoảng 40% từ vùng đỉnh
Trong vòng hơn 2 năm trở lại đây, cổ phiếu RAL của Bóng đèn Phích nước Rạng Đông luôn được xếp trong TOP những cổ phiếu có thị giá cao nhất trên thị trường chứng khoán, khi “phi” một mạch từ vùng giá 50.000 đồng/cổ phiếu lên 3 chữ số, trên 100.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 12/2020 và duy trì thị giá 3 chữ số. Đến đầu tháng 5/2021 RAL còn tăng mạnh, vượt 170.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy vậy từ giữa tháng 4/2022 RAL bắt đầu giảm mạnh, và chỉ chưa đến 2 tháng, những phiên giao dịch cuối tháng 6/2022 vừa qua RAL đã xuyên thủng ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu, mất đi khoảng 40% thị giá từ vùng đỉnh.
Đến những chất vấn của cổ đông tại Đại Hội Cổ đông thường niên
Đối với cổ đông công ty, việc giá cổ phiếu giảm sâu đã gây ảnh hưởng. Đây cũng có thể là lý do khiến nhiều cổ đông lên tiếng chất vấn tại Đại hội năm nay. Trong đó có nhiều vấn đề được cổ đông quan tâm, như giá phát hành cổ phiếu ESOP, như việc Công ty nên mời gọi các nhà đầu tư lớn đồng hành cùng, như việc một số chỉ tiêu trên BCTC như khoản phải thu tăng nhanh…
Biên bản Đại hội ghi nhận, đối với đề xuất phát hành 600.000 cổ phiếu ESOP, có cổ đông cho rằng giá phát hành cổ phiếu ESOP đang quá thấp với mức 10.000 đồng/cổ phiếu, đề nghị công ty điều chỉnh lại giá. Hiện tại trên thị trường cổ phiếu RAL đang giao dịch quanh mức 98.000 đồng/cổ phiếu, giá phát hành ESOP này chỉ bằng 10% thị giá.
Cổ đông Bóng đèn Rạng Đông cũng đề xuất công ty nên sử dụng dịch vụ kiểm toán của 1 trong 4 công ty kiểm toán Big4, đồng thời nên mời gọi các nhà đầu tư lớn, các tổ chức tài chính lớn tham gia đầu tư tham gia đầu tư, đồng hành với công ty để phát triển.
"Soi" cơ cấu cổ đông của Bóng đèn Rạng Đông tính đến 31/12/2021 cho thấy công ty có 3 cổ đông lớn, trong đó Công đoàn Công ty là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 9,54 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 41,58%; bà Lê Thị Kim Yến sở hữu hơn 2,61 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 11,39% và ông Lê Đình Hưng sở hữu hơn 2,18 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 9,51%). Bà Kim Yến là Thành viên HĐQT của Bóng đèn Rạng Đông, còn ông Lê Đình Hưng là em trai bà Yến. Với cơ cấu cổ đông như hiện tại, việc cổ đông công ty mong muốn có sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân khác cũng là điều dễ hiểu.
Đến những chỉ tiêu trên BCTC
Từ những chất vấn của cổ đông, “soi” BCTC của Bóng đèn Rạng Đông cho thấy tổng tài sản công ty đến 31/3/2022 đạt gần 5.800 tỷ đồng, trong đó riêng các khoản phải thu ngắn hạn đã hơn 3.800 tỷ đồng, tăng 14,5% so với thời điểm đầu năm – phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng. BCTC quý 1/2022 không list rõ danh sách các khoản phải thu, tuy vậy BCTC năm 2021 ghi nhận trong số hơn 3.200 tỷ đồng phải thu của khách hàng đến 31/12/2021 thì riêng CTCP Gia Lộc Phát đã hơn 731 tỷ đồng (tăng hơn 250 tỷ đồng so với đầu năm 2021), trong số đó công ty đã trích lập dự phòng 156 tỷ đồng. Mà Công ty Gia Lộc Phát là công ty có mối liên quan với bà Lê Thị Kim Yến – Thành viên HĐQT của Bóng đèn Rạng Đông. Bà Lê Thị Kim Yến hiện là Tổng giám đốc của Gia Lộc Phát. Gia Lộc Phát cũng đang là khách hàng lớn của Bóng đèn Rạng Đông, tổng giá trị giao dịch trong năm gần 1.800 tỷ đồng.
Nợ xấu – là các khoản phải thu quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi - của Bóng Đèn Rạng Đông cũng tăng nhanh, từ giá gốc hơn 182 tỷ đồng đầu năm 2021 lên đến 1.173 tỷ đồng tính đến cuối năm 2021, trong đó công ty cho biết giá trị có thể thu hồi khoảng hơn 1.000 tỷ đồng...
Bóng Đèn Rạng Đông cũng phải “gánh” khoản vay nợ để phục vụ cho hoạt động SXKD. Tổng vay ngắn hạn tại ngân hàng đến 31/12/2021 gần 2.300 tỷ đồng, tăng 24% so với thời điểm đầu năm, trong đó chủ nợ lớn nhất là VietcomBank Sở Giao dịch với dư nợ gần 420 tỷ đồbng. VietinBank chi nhánh Đống Đa cũng có khoản dư nợ 166 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn chi nhánh Hà Nội có khoản dư nợ cho vay hơn 170 tỷ đồng. Đáng chú ý Bóng đèn Rạng Đông còn có khoản vay các đối tượng khác hơn 1.000 tỷ đồng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến chi phí tài chính trong năm của công ty cao, do gánh nặng chi phí lãi vay.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Bóng đèn Rạng Đông ghi nhận lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2021 của công ty là số âm, với 238 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng ghi âm 214 tỷ đồng.
BCTC quý 1/2022 cũng ghi nhận lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 340 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm gần 13 tỷ đồng.