BOT cầu Thái Hà: Cổ phiếu tăng gấp đôi, vẫn chỉ bằng ly trà đá

Cổ phiếu BOT đã ghi nhận đà tăng phi mã kể từ đầu năm tới nay, thị giá tăng gấp đôi chỉ trong vỏn vẹn 3 tháng.

Trong phiên 28/3, cổ phiếu BOT của Công ty Cổ phần BOT Cầu Thái Hà (UPCoM: BOT) ghi nhận mức tăng kịch trần lên mức 5.900 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản tăng đột biến, khối lượng giao dịch đạt 2,45 triệu đơn vị, cao gấp 3,8 lần mức trung bình trong 1 năm trở lại đây.

Không chỉ riêng phiên 28/3, cổ phiếu BOT đã ghi nhận đà tăng phi mã kể từ đầu năm tới nay, thị giá tăng gấp đôi chỉ trong vỏn vẹn 3 tháng. Từ mức 2.700 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2025 (2/1/2025), BOT đã tăng gấp 2,7 lần lên mức 7.300 đồng/cổ phiếu trong phiên 21/2, thiết lập mức đỉnh trong suốt 2 năm lẹt đẹt ở vùng giá 3.000 đồng/cổ phiếu.

Trong vòng 1 tháng trở lại đây, BOT đã trải qua nhiều phiên điều chỉnh về vùng giá 5.000 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên bất ngờ ghi nhận đảo chiều tăng trần trong phiên 28/3.

BOT cầu Thái Hà: Cổ phiếu tăng gấp đôi, vẫn chỉ bằng ly trà đá - Ảnh 1

BOT bắt đầu giao dịch ở hệ thống UPCoM từ ngày 14/2/2019, với mức giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngay sau khi bắt đầu giao dịch, với biên độ 15% của hệ thống UPCoM, cổ phiếu BOT đã nhanh chóng leo lên vùng giá trên 50.000 đồng/cổ phiếu, gấp 5 lần mức giá tham chiếu.

Cổ phiếu BOT đã duy trì được vị trí ở vùng giá này trong khoảng hơn 2 năm, cho đến cuối năm 2021, thị giá bắt đầu “lao dốc không phanh” và nhanh chóng mất mốc 10.000 đồng/cổ phiếu (mệnh giá) vào thời điểm cuối tháng 4/2022.

Kể từ đó, thị giá của BOT luôn “chìm” dưới vùng giá bằng giá trị một ly trà đá, lẹt đẹt trong suốt 2 năm nay. Nhiều nhà đầu tư cho rằng việc cổ phiếu này có những diễn biến khác thường trong thời gian qua phản ánh tình hình kinh doanh bất ngờ cải thiện trong quý cuối năm 2024.

Theo đó, kể từ năm 2019-2023, BOT đã ghi nhận 5 năm kinh doanh thua lỗ, các khoản lỗ từ vài chục tỷ đồng tới cả trăm tỷ đồng. Sang năm 2024, trong 3 quý đầu năm, tình hình kinh doanh vẫn chưa khởi sắc khi thua lỗ không ngừng.

Tuy nhiên, quý IV/2024, BOT đã bất ngờ ghi nhận doanh thu “khủng” hơn 413 tỷ đồng, cao hơn doanh thu của bất kỳ năm nào trước đó. Trong đó, doanh thu từ phí BOT là 56,2 tỷ đồng, còn lại hơn 357 tỷ đồng là doanh thu bán hàng – chưa từng ghi nhận trước đó.

Đi kèm với đó là khoản lợi nhuận sau thuế hơn 248 tỷ đồng, khoản lợi nhuận hiếm hoi của doanh nghiệp kể từ năm 2019 đến nay. Nhờ khoản lãi đột biến này, BOT đã xoá được gần một nửa số lỗ luỹ kế sau thuế chưa phân phối, từ mức -436,8 tỷ đồng còn hơn -188,4 tỷ đồng.

Theo giải trình của ban lãnh đạo, trong quý IV/2024, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động theo kế hoạch kinh doanh được ĐHĐCĐ thông qua. Doanh thu từ hoạt động thu phí cầu đường tăng do lưu lượng xe lưu thông qua trạm vào thời điểm cuối năm tăng lên. Đồng thời, hoạt động kinh doanh thương mại của doanh nghiệp ghi nhận thêm khoản doanh thu lớn từ cung cấp hàng hoá, dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2024 có lãi và chênh lệch lớn so với cùng kỳ.

Được biết, Công ty Đầu tư BOT cầu Thái Hà được thành lập vào năm 2014, là doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, giai đoạn I theo hình thức hợp đồng BOT”.

Dự án có mức vốn đầu tư hơn 1.709 tỷ đồng, bắt đầu thu phí từ tháng 2/2019 với thời gian hoàn vốn khoảng 16 năm 7 tháng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của BOT cầu Thái Hà bắt đầu gặp khó khăn khi mà dự án ODA (cầu Hưng Hà - kết nối giao thông tương tự với Cầu Thái Hà) đi vào hoạt động. Cầu Hưng Hà không thu phí phương tiện qua lại, nên hầu hết xe tải, container đều tránh tuyến đường thu phí (cầu Thái Hà), dẫn đến giảm lưu lượng xe và doanh thu thu phí của cầu Thái Hà.

Doanh thu phí sụt giảm khiến BOT cầu Thái Hà không đủ năng lực tài chính để chi trả các khoản lãi vay thực hiện dự án, dẫn tới các khoản lỗ kéo dài từ năm 2019 tới nay.

Hải Đường

Theo Vietnamfinance