Bức tranh kết quả kinh doanh năm 2020 của các “ông lớn” bất động sản: Người thắng lớn, kẻ lỗ to
Chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid – 19, thị trường bất động sản trải qua một năm 2020 đầy biến động. Hàng loạt doanh nghiệp địa ốc cũng “điêu đứng” với những khó khăn gặp phải. Năm qua cũng chứng kiến tình hình kinh doanh trái ngược của nhiều doanh nghiệp. Ở đó có kẻ thì thắng lớn, người thì lỗ to.
Trải qua một năm 2020 với đầy biến động từ nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh. Ngành bất động sản cũng không ngoại lệ. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, năm qua là một trong những năm mà nền kinh tế nước ta nói chung phải chịu cảnh “điêu đứng” nhiều đến như vậy. Điểm tích cực có lẽ rơi vào khoảng quý III và quý IV/2020 trong khi 2 quý đầu năm chỉ là một gam màu xám.
Người thắng lớn, kẻ lỗ to
Trải qua năm 2020 với đầy những khó khăn, hàng loạt “đại gia” bất động sản cũng vì thế mà chịu cảnh làm ăn thua lỗ, kinh doanh bết bát. Đơn cử như Tập đoàn CEO Group của doanh nhân Đoàn Văn Bình đã lần đầu tiên ghi nhận khoản lỗ sau nhiều năm báo lãi. Cụ thể, theo BCTC hợp nhất quý IV/2020 được CEO Group công bố, nếu xét riêng quý IV/2020 công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 642 tỷ đồng, giảm 54% so với co số 1.384 tỷ đồng đạt được quý 4/2019. Chi phí giá vốn giảm ít hơn, dẫn tới lợi nhuận gộp còn 145 tỷ đồng – giảm 60% so với cùng kỳ.
Tính lũy kế cả năm 2020 CEO Group chỉ ghi nhận con số 1.324 tỷ đồng doanh thu, trong khi cùng kỳ ghi nhận hơn 4.550 tỷ đồng. Hàng tồn kho còn 665 tỷ đồng – giảm 356 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Chi phí xây dựng dở dang đến 31/12/2020 đạt 2.338 tỷ đồng, tăng 591 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó chủ yếu do tăng giá trị xây dựng dở dang tạo dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbour City.
Tại thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của CEO Group ở mức 7.438 tỷ đồng, giảm 599 tỷ đồng so với đầu kỳ. CEO còn 2.338 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án như: Tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbour City (gần 2.117 tỷ đồng), Sonasea Villas & Resort 2 (hơn 123 tỷ đồng), Khu du lịch Green Hotel & Resort (44 tỷ đồng), Hana Garden City (hơn 33 tỷ đồng).
Được biết, trong năm 2020, CEO Group đặt kế hoạch doanh thu là 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 200 tỷ đồng, lần lượt giảm 35,2% và 67,1% so với năm 2019. Như vậy, với việc lỗ 103 tỷ đồng cả năm 2020, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ở mức rất xa kế hoạch đề ra.
Một “ông lớn” khác cũng chung cảnh ngộ với CEO Group đó là Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG). Cụ thể, Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của Tập đoàn này, doanh thu quý IV chỉ đạt 1.014 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp giảm 46% còn 518 tỷ đồng. Ngoài ra báo lãi trước thuế là 66,7 tỷ đồng, lãi sau thuế 26 tỷ đồng nhưng cổ đông công ty mẹ lại chịu lỗ ròng gần 44 tỷ đồng. Trên báo cáo tài chính công ty mẹ, Đất Xanh ghi nhận lỗ tới 234 tỷ đồng.
Xét lũy kế năm 2020, Đất Xanh đạt doanh thu thuần 2.890 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời báo lỗ sau thuế 126 tỷ đồng và lỗ ròng 432 tỷ đồng trong khi năm trước hai chỉ tiêu lợi nhuận này lần lượt là lãi 1.886 tỷ đồng và 1.216 tỷ đồng.
Tính tới 31/12/2020, tổng tài sản của Đất Xanh đã tăng 18% so với đầu kỳ lên 23.511 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 51% đạt 10.252 tỷ đồng, chiếm 43% tổng tài sản, chủ yếu đến từ dự án bất động sản dở dang. Các dự án đang chiếm tồn kho dở dang cao như Opal Boulevard (1.199 tỷ đồng), Gem Riverside (1.558 tỷ đồng) và Gem Sky World (3.553 tỷ đồng). Trong đó, Gem Sky World tăng tồn kho thêm khoảng 2.000 tỷ đồng vào năm 2020.
Bên cạnh đó, nợ vay tài chính của Đất Xanh cũng tăng 1.545 tỷ đồng so với đầu kỳ lên 5.944 tỷ đồng, chiếm 1/4 tổng tài sản. Trong đó nợ ngắn hạn tăng hơn 1.000 tỷ đồng lên 2.068 tỷ đồng và nợ ngắn hạn tăng từ 2.336 tỷ đồng lên 3.876 tỷ đồng.
Ngoài hai ông lớn là CEO và Đất Xanh, năm 2020 cũng ghi nhận khoản lỗ đến từ các đại gia địa ốc khác. Có thể kể đến như Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, HOSE: TDH). Theo BCTC hợp nhất được công bố, doanh nghiệp lần đầu báo lỗ hơn 30 tỷ đồng sau 16 năm. Hay như CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest – HPX) ghi nhận 1.329 tỷ đồng doanh thu thuần – giảm 61% so với năm 2019. Lãi sau thuế giảm 35%, về mức 293 tỷ đồng. Ngoài ra CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest (VPI) cũng đạt đạt 2.164 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 29,2% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế 312 tỷ đồng, giảm 39%.
Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp bất động sản báo lỗ, điểm sáng vẫn xuất hiện đến từ các ông lớn như Vinhomes hay Novaland. Cụ thể, về phía CTCP Vinhomes (VHM) nếu tính riêng quý IV/2020, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vinhomes đạt 21.512 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2019.
Còn tổng doanh thu thuần hợp nhất ghi nhận trong năm 2020 của Vinhomes đạt 70.890 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi ghi nhận trong năm 2020, bao gồm doanh thu từ các hoạt động của Vinhomes, các hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) và hoạt động bán buôn được ghi nhận như một khoản thu nhập tài chính, đạt 98.089 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2019.
Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản Vinhomes đạt 214.937 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 89.685 tỷ đồng, tăng lần lượt 9% và 39% so với thời điểm 31/12/2019. Trong khi đó, hàng tồn kho giảm mạnh từ hơn 60.000 tỷ đồng đầu năm xuống còn 43.226 tỷ đồng.
Về phía CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland – NVL). Năm 2020, Novaland đạt hơn 5.000 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 3.900 tỷ đồng lãi ròng, giảm hơn một nửa về doanh thu nhưng tăng gần 14% về lợi nhuận so với năm trước đó.
Trong đó, Novaland ghi nhận khoản lãi 3.358 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ cổ phần mà Novaland sở hữu tại các công ty dự án và lãi 2.384 tỷ đồng từ việc đánh giá lại khoản đầu tư ở các công ty con sau khi hoàn tất sáp nhập vào tập đoàn. Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Novaland đạt 144.519 tỷ đồng, tăng 60,6% so với cuối năm 2019.