Kết quả kinh doanh ảm đạm, xu hướng cổ phiếu IBC sắp tới đi theo hướng nào?
Trong 9 tháng đầu năm nay, Công ty CP Đầu tư Apax Holdings (HoSE: IBC) báo lỗ sau thuế 107 tỷ đồng. Với tình hình kinh doanh không cải thiện, xu hướng cổ phiếu IBC sắp tới sẽ ra sao?
Theo dữ liệu từ sàn HOSE, từ ngày 21/4/2020 cổ phiếu IBC của Shack Thuỷ bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối năm 2019 âm tới hơn 124 tỷ đồng.
Đặc biệt, sau gần 3 năm niêm yết trên sàn kể từ phiên giao dịch đầu tiên 15/12/2017, cổ phiếu IBC vẫn chưa được giao dịch ký quỹ. Trong khi đó theo quy định hiện hành, mỗi cổ phiếu sẽ được giao dịch ký quỹ sau 6 tháng lên sàn niêm yết.
Điều bất ngờ là dù tên tuổi của Shark Thủy khá nổi trong thời gian qua nhưng thanh khoản của cổ phiếu IBC rất thấp. Theo đó, mỗi phiên chỉ có vài trăm ngàn cổ phiếu IBC được giao dịch khép kín trong nội bộ của doanh nghiệp này.
Được biết, tháng 10/2016, Apax Holdings đăng ký giao dịch chứng khoán trên sàn UPCoM với mã IBC. Tháng 8/2017 thì hoàn thành phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu và đấu giá ra công chúng tại sàn HNX để tăng vốn điều lệ lên 688,8 tỷ đồng. Tháng 12/2017, tập đoàn này chính thức hoàn tất việc chuyển sàn từ UPCoM sang niêm yết trên HSX.
Trung bình 10 phiên giao dịch gần đây từ 15/12/-28/12 khối lượng cổ phiếu IBC được khớp lệnh cao nhất là 441 ngàn/cổ phiếu/phiên (ngày 28/12/2020), thấp nhất là 21 ngàn/cổ phiếu/phiên (ngày 21/12/2020) với tổng giá trị giao dịch nhỏ giọt từ 1 - 5 tỷ đồng/phiên.
Đáng chú ý, kể từ khi chào sàn với giá 24.000 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu tiên thì đến nay cổ phiếu IBC vẫn loanh quanh trong vùng giá 22-24 ngàn đồng/cổ phiếu.
Theo các báo cáo được công bố, trong vài năm gần đây các chỉ tiêu tài chính của IBC ngày một đi xuống. Chẳng hạn như hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tăng từ 0,65% (2017) lên 2,11% (2019) và kết thúc 9 tháng đầu năm 2020 tăng 2,39%; ROE cũng giảm từ 14,19% (năm 2017) xuống 6,44% (năm 2019);…
Phải chăng đây là một trong những lý do khiến nhà đầu tư kém "mặn mà” với cổ phiếu IBC?
Trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù doanh thu tăng 20% lên 1.330 tỷ đồng song IBC vẫn báo lỗ sau thuế 107 tỷ đồng, trái ngược với thực đạt 50,4 tỷ đồng cùng giai đoạn năm ngoái.
Tính tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản đạt trên 2.867 tỷ đồng, không có thay đổi nhiều so với cuối năm 2019. Tuy nhiên, tiền và các khoản tương đương tiền của IBC giảm 48% so với đầu năm, từ 530 tỷ đồng xuống còn 274 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ ngắn hạn phải trả cũng tăng lên gần 1.758 tỷ đồng, chiếm tới 61% tổng tài sản. "Các khoản phải thu ngắn hạn" tăng gấp 2 lần lên 538 tỷ đồng, chủ yếu do khoản "phải thu ngắn hạn khác".
Mặc dù thuyết minh báo cáo tài chính không đề cập đến khoản tăng đột biến này, song có thể thấy số tiền 250 tỷ đồng công ty "tạm ứng" cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Thủy (shark Thủy) từ quý I/2020 vẫn chưa được thu hồi.
Vay và nợ thuê tài chính tại Apax Holdings tính đến 30/9/2020 ở mức hơn 788 tỷ đồng bao gồm nợ vay ngắn hạn và vay dài hạn với chủ nợ lớn nhất là BIDV. Trong đó, nợ ngắn hạn đạt 553 tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm.
Việc kinh doanh ảm đạm khiến vốn chủ sở hữu giảm còn 846 tỷ đồng, chủ yếu do công ty không ghi nhận giá trị thặng dư vốn cổ phần (đầu kỳ đạt 66 tỷ đồng) và lỗ sau thuế chưa phân phối gia tăng lên gần 150 tỷ đồng. Hệ số nợ trả phải/vốn chủ sở hữu tăng từ 2,11% lên 2,39%.
Hiện chênh lệch giữa tài sản ngắn hạn (896 tỷ đồng) và nợ ngắn hạn (1.758 tỷ đồng) là gần 862 tỷ đồng, có thể thấy tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty này.
Nếu tình hình kinh doanh của IBC không cải thiện, cổ phiếu IBC khả năng sẽ tiếp tục đưa vào diện cảnh báo. Nếu tình huống này xảy ra, những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu này có nguy cơ thua lỗ lớn, bởi cổ phiếu IBC rất có thể điều chỉnh và lao dốc.