Bức tranh nhiều 'gam màu sáng nổi bật' của nền kinh tế Việt Nam năm 2021
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng. Theo đó, Việt Nam cũng chịu những ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch này, song với tất cả nỗ lực, nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng.
Vượt Covid-19, kinh tế tăng trưởng dương
Những điểm sáng về sản xuất, đầu tư và thương mại quốc tế trong 11 tháng năm 2021 đã cho thấy nền kinh tế nước ta đang từng bước phục hồi. Dự báo kinh tế quý 4/2021 tăng từ 2-3% so với cùng kỳ năm 2020 và GDP cả năm tăng từ 1,6-2,1%. Đây là cơ sở quan trọng, tạo đà tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Cộng đồng doanh nghiệp năng động và vững tin vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các địa phương và triển vọng kinh tế của đất nước. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng năm 2021 là 105.618 doanh nghiệp, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2020. Số vốn đăng ký thành lập trong 11 tháng năm 2021 đạt 1.454.231 tỷ đồng, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh các doanh nghiệp thành lập mới, còn có 40,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 146,1 nghìn doanh nghiệp.
Cùng với đó, khu doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020. Một số ngành công nghiệp trọng điểm và sản phẩm công nghiệp chủ lực đều có mức tăng cao.
Nhiều dự án FDI vốn "khủng" đầu tư vào Việt Nam
Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/11/2021, tổng vốn đăng ký nước ngoài vào Việt Nam đạt 26,46 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký thêm của khối doanh nghiệp FDI tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt trên 8 tỷ USD.
Từ đầu năm đến nay, cả nước có 1.577 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tuy giảm 32,8% về số lượng dự án so với cùng kỳ năm trước, nhưng số vốn đăng ký tăng 3,76% đạt gần 14,1 tỷ USD.
Theo đó, tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 677,3 triệu USD, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm 2021, đã có nhiều dự án FDI "khủng" được đầu tư tại các địa phương của Việt Nam, nổi bật như tại Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đồng Nai.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 680,7 triệu USD, chiếm 33,8% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 618 triệu USD, chiếm 30,6% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 221,3 triệu USD, chiếm gần 11% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc.
Ngành thép "bội thu", Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long trở thành tỷ phú của năm
Năm 2021, ngành thép đã có nửa năm thăng hoa và nửa năm bị “thất sủng”, nhưng nếu chọn tỷ phú của năm thì không ai khác xứng đáng hơn Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long. Tại thời điểm 6/12, giá trị tài sản của ông Long theo dữ liệu của Forbes đạt 3,2 tỷ USD, xếp hạng 1.444 người giàu nhất thế giới. Đã từng có thời điểm, cổ phiếu HPG tăng 92% so với cuối năm trước, tuy nhiên dữ liệu tại thời điểm 7/12, giá cổ phiếu HPG tăng 53,6% so với cuối năm ngoái.
Sau khi dự án Hoà Phát Dung Quất giai đoạn 1 đi vào vận hành ổn định, năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử sản lượng bán hàng của Hoà Phát đã vượt 8 triệu tấn, tăng 33% cùng kỳ năm trước, trong đó thép cuộn cán nóng đạt 3 triệu tấn.
Mặc dù thị trường thép xây dựng trong nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid và thời gian giãn cách xã hội kéo dài tại các tỉnh phía Nam, tuy nhiên năm nay cũng là năm đầu tiên sản lượng xuất khẩu của Hoà Phát vượt 1 triệu tấn, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Tôn mạ cũng ghi nhận sản lượng xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ 2020.
Điều này được phản ánh tại kết quả kinh doanh của Hoà Phát với kỳ vọng gần 150.000 tỷ doanh thu và 35.000 tỷ lợi nhuận sau thuế năm 2021, gấp 2,7 lần thực hiện 2020.
Ngoài thép, năm 2021 ông Trần Đình Long tập trung mở rộng mảng bất động sản, trong đó ngoài bất động sản khu công nghiệp tại Phố Nối (Hưng Yên) được mở rộng diện tích thêm 92 ha thành 686 ha, Hoà Phát đẩy mạnh các dự án nhà ở và bất động sản nghỉ dưỡng. Ông Long đã ký hợp tác đầu tư với Cần Thơ, Nha Trang để rót vốn vào thị trường bất động sản đầy tiềm năng tại đây.
Hòa Phát cũng đẩy mạnh triển khai dự án sản xuất vỏ container tại Bà Rịa -Vũng Tàu công suất khoảng 200.000 TEU, dự kiến chạy thử cho ra sản phẩm vào quý III/2022 và đẩy mạnh sản phẩm điện máy.
Thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hoa, VNDirect dẫn đầu
Năm 2021 chứng kiến sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam khi những kỷ lục liên tiếp bị xô đổ. Sự thăng hoa của thị trường đã giúp nhóm công ty chứng khoán hưởng lợi lớn và cái tên nổi bật nhất năm qua phải kể tới VNDirect (Mã CK: VND).
9 tháng đầu năm, VNDirect đạt 1.545 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, con số kỷ lục từ trước tới nay, cao gấp 3,5 lần cùng kỳ năm trước và hoàn thành vượt 76% kế hoạch được ĐHCĐ thông qua đầu năm. Với kết quả tăng trưởng ngoạn mục, VNDirect đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2021 lên 1.600 tỷ đồng và gần như hoàn thành mục tiêu điều chỉnh chỉ sau 9 tháng.
Dư nợ cho vay của VNDirect lên hơn 11.300 tỷ đồng vào cuối quý 3, tăng 141% so với đầu năm và là công ty chứng khoán niêm yết có tăng trưởng dư nợ ấn tượng nhất. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, VNDirect đã sớm đẩy mạnh tăng vốn và hiện đang có kế hoạch tiếp tục tăng vốn lên hơn 12.000 tỷ đồng, qua đó trở thành một trong hai công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.
Bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch HĐQT VNDirect cho biết: “VNDirect cần gấp rút tăng vốn để đón nhận chu kỳ tăng trưởng mới. Việc tăng vốn sẽ giúp cải thiện hạn mức kinh doanh và là điều kiện tiên quyết để giữ vững lợi thế quy mô, cạnh tranh”.
VNDirect cũng cho thấy sức hút lớn với khách hàng nhờ sự đầu tư mạnh về dịch vụ, công nghệ. Điều này được thấy rõ qua thị phần môi giới VNDirect liên tục cải thiện qua các quý và nằm trong top 3 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất thị trường. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và hầu hết công ty chứng khoán top đầu đều đánh mất thị phần.
Điểm mặt các thương vụ mua bán, sáp nhập "khủng"
11 tháng vừa qua, làn sóng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam sẽ rất tốt cho kinh tế Việt Nam nói chung và các hoạt động đầu tư gián tiếp nói riêng.
Một số thương vụ đáng chú ý có thể kể đến như: Nhà đầu tư Thái Lan mua lại Công ty Bao bì Biên Hòa; SHB chuyển nhượng toàn phần công ty tài chính cho ngân hàng Thái Lan; Alibaba và Baring Private Equity Asia rót 400 triệu USD vào The CrownX; SK Group đầu tư 410 triệu USD vào VinCommerce, KKR góp 100 triệu USD vào tập đoàn giáo dục EQuest Việt Nam; Thaco mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Emart tại Việt Nam; Masterise Group nhận chuyển nhượng lô đất "khủng" từ Vinhomes; Bamboo Capital mua lại 71% cổ phần AAA; mở đường vào Bảo hiểm; Ngân hàng Nhật Mizuho chi 170 triệu USD mua 7,5% cổ phần MoMo; Kido bỏ ra hơn 1.250 tỷ đồng mua 44,2 triệu cổ phần Vocarimex từ tay SCIC.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Xuân Minh cho rằng, việc góp vốn, mua cổ phần tại những doanh nghiệp là bình thường, nên để diễn ra tự nhiên theo quy luật thị trường.
"Các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) giúp cho các doanh nghiệp tái cấu trúc nguồn lực của mình; đồng thời cũng là giải pháp đầu tư hiệu quả khi có thể tiếp cận thị trường một cách tối ưu nhất", ông Đặng Xuân Minh nhận định.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần thúc đẩy hoạt động mua bán sáp nhập thông qua các hoạt động thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, thu hút đầu tư từ nước ngoài. Bên cạnh đó, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để vừa quản lý tốt, vừa khuyến khích hoạt động mua bán và sáp nhập.
Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút các nhà đầu tư nước ngoài
Điều này được thể hiện qua việc các quốc gia chọn Việt Nam làm điểm đến như Singapore có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam vào hồi tháng 2 vừa qua. Theo đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà máy Lioncore Việt Nam với tổng mức đầu tư 30 triệu USD.
Tại một số địa phương khác như Hải Phòng, UBND TP cũng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án LG Display Hải Phòng cho Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng với số vốn đầu tư 750 triệu USD. Đây là dự án đầu tư FDI với số vốn lớn đầu tiên trong năm mới 2021.
Bên cạnh đó, Bắc Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực điện, điện tử trên địa bàn. Đó là dự án công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV VN do Công ty Ja Solar Investment (Hong Kong) Limited đầu tư, vốn đăng ký đầu tư 210 triệu USD. Dự án nhà máy Risesun New Material VN do Công ty Risesun Investment Pte.Ltd (Singapore), vốn đăng ký đầu tư khoảng 75 triệu USD. Và dự án nhà máy Kodi New Material VN do Công ty Risesun Investment Pte.Ltd (Singapore), vốn đăng ký đầu tư khoảng 6 triệu USD.
Không thể không kể đến Hải Phòng, địa phương hướng tới thu hút nhà đầu tư vào gắn với 3 trụ cột kinh tế là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại.
Điều này chứng tỏ rằng, Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những thị trường có nhiều tiềm năng.
Dự báo xu hướng M&A trong thời gian tới
Dự báo, trong giai đoạn 2021-2022, hoạt động M&A doanh nghiệp Việt Nam sẽ phục hồi; trong đó, khối ngoại, nhất là nhà đầu tư đến từ các quốc gia như: Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... tiếp tục tham gia M&A tại Việt Nam. Nhiều cơ hội mở ra khi sự dịch chuyển dòng vốn ra khỏi các thị trường lớn nhưng kém an toàn; các Hiệp định thương mại tự do mới như: CPTPP, EVFTA, EVIPA; việc sửa đổi một loạt các luật quan trọng mới về đầu tư kinh doanh trong đó, có các quy định mới cởi mở hơn, minh bạch hơn cho hoạt động M&A; việc đẩy mạnh hoạt động M&A của nhiều tập đoàn lớn trong chiến lược tái cơ cấu, hoàn thiện hệ sinh thái, chuỗi giá trị…
Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế thông qua Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA. Đây là cơ sở để củng cố làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp châu Âu vào thị trường Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ.
Đặc biệt, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đang được Chính phủ trình Quốc hội. Chương trình này không chỉ là gói kích thích phục hồi kinh tế mà còn là việc điều chỉnh chính sách vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, kích cầu kinh tế, thúc đẩy cải cách kinh tế sâu, rộng hơn.
Một yếu tố trợ lực cho thị trường M&A là sự trỗi dậy mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước tham gia vào M&A. Những năm gần đây, vai trò của doanh nghiệp trong nước đối với hoạt động này gia tăng mạnh mẽ, có thể kể đến: VinGroup, HPGroup, Vinamilk, Massan, Novaland,...
Mặc dù dự báo có sự tăng trưởng trong năm 2022 và những năm tới nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, thị trường M&A trong nước vẫn còn phải đối mặt với những thách thức liên quan đến cơ chế, chính sách. Để thị trường M&A có sự bứt phá, trở thành kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế, bên cạnh kiểm soát tốt dịch bệnh, nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng có thêm nhiều chính sách thuận lợi, thúc đẩy thị trường này phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.