Bùng nổ nhà cao tầng thành tường chắn gió sát biển

Tại Đà Nẵng và các thành phố ven biển, những tòa nhà cao tầng đang đua nhau mọc lên, chạy dọc hàng cây số nằm áp sát bờ biển. Nó trở thành một bức tường chắn gió và gây ra nhiều lo ngại về cảnh quan, quá tải hạ tầng nghiêm trọng.

Đó cũng là điều gây ra không ít nỗi bức xúc cho người dân vì các khu nhà cao tầng chiếm mất không gian bờ biển chung. Ngày 4-7 tại Đà Nẵng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức tọa đàm kiến trúc cao tầng ven biển Đà Nẵng để bàn các giải pháp cho vấn đề trên.

Những bức tường trước biển

Ông Nguyễn Cửu Loan, tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, cho biết du lịch Đà Nẵng trong 10 năm trở lại đây đã lên ngôi, tạo điều kiện cho các dịch vụ, thương mại phát triển, đặc biệt tại hai quận ven biển là Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.

Các công trình cao tầng mọc lên như nấm quay mặt về hướng biển như khách sạn, nhà hàng, chung cư, condotel với tốc độ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. 

"Tại nhiều khu vực đang tạo ra sự hỗn loạn bởi khối nhà cao tầng chen chúc nhau. Một khi các dự án này đưa vào sử dụng sẽ cho ra đời hơn cả ngàn căn hộ, xấp xỉ cả vạn dân, trong khi đó đường sá, cống rãnh ở những khu vực đó trước đây chỉ được thiết kế đủ cho một khu dân cư bình thường" - ông Loan nói.

Theo quan sát của PV Tuổi Trẻ, không chỉ cấp phép cho xây dựng ồ ạt các công trình cao tầng nơi phía tây đường Võ Nguyên Giáp - Trường Sa mà hiện nay một số công trình lớn ở phía đông trục đường này với vị trí áp sát bờ biển đã bắt đầu "mọc" lên. 

Cụ thể là dự án Ariyana condotel ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Ngoài ra, một dự án là tổ hợp khách sạn, thương mại dịch vụ, chung cư cao cấp THAT với 6 tòa nhà chọc trời cũng đang gấp rút làm thủ tục để tiến hành xây dựng.

Nhận định về hiện trạng trên, PGS.TS Lưu Đức Hải - phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - đánh giá nước ta đang có nhiều khách sạn, nhà nghỉ cạnh bờ biển không thân thiện với môi trường, che khuất những khung cảnh đẹp hay tầm nhìn ra biển.

"Cần hạn chế việc chia lô xây nhà cao tầng ven biển, bởi sẽ làm mất đi không gian công cộng ven biển" - TS Hải nói.

Lý giải thêm về việc đua nhau xây nhà cao tầng ven biển, TS Hải cho rằng các khu cao tầng tập trung đông người dọc theo các tuyến bờ biển đang là xu hướng chung không chỉ riêng Đà Nẵng mà còn tại các đô thị biển Việt Nam. Điều này đem lại lợi ích làm gia tăng khả năng thương mại và dịch vụ mà một số người dân đô thị và khách du lịch có thể được hưởng lợi. 

Theo TS Hải, cần phải có một nghiên cứu khoa học để đánh giá một cách cụ thể "những bức tường rào cao tầng" này có tác động xấu như thế nào tới cảnh quan, đời sống của các đô thị ven biển so với lợi ích nó đem lại.

Trả lại bờ biển cho dân

Có ý kiến về hiện trạng trên, kiến trúc sư Lã Kim Ngân, viện phó Viện kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng không gian bờ biển phải thuộc về khu vực công cộng. Thế nhưng hiện nay nó hầu như được lấp đầy bởi các dự án phát triển dịch vụ du lịch (nhà hàng, khách sạn, resort) thuộc khu vực tư nhân sở hữu. Từ đó tạo thành những ngăn cách làm mất đi các trục kết nối giao thoa giữa biển và đô thị. Mất đi khả năng kiểm soát sự cân bằng giữa lợi ích cộng đồng và lợi ích tư nhân. Không gian công cộng từng ngày bị biến dạng và thu hẹp, tư nhân hóa.

Kiến trúc sư Ngân nhận định gần đây chính quyền Đà Nẵng đã có những chuyển dịch tích cực nhằm giành lại một số không gian cho cộng đồng như mở lối xuống biển, thu hồi một số bãi cát ven biển, đầu tư xây dựng tuyến đi bộ ven biển. Thúc đẩy tái thiết một số làng chài mang tính lịch sử truyền thống, một số điểm quảng trường cây xanh ven biển... Đó là những động thái tích cực đem lại những giá trị nhân văn của đô thị, tạo ưu thế cạnh tranh bền vững của các đô thị phát triển.

Cùng chung nhận định, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đánh giá TP Đà Nẵng cho phép nhiều khu resort phát triển nối tiếp nhau hàng cây số, đóng cửa đối với nhu cầu lối công cộng ra biển của người dân và khách du lịch trong hàng thập kỷ qua. Từ đó tạo nút thắt đóng cửa cơ hội phát triển của các vùng đất phía tây trục đường ven biển.

Theo ông Sơn, đã đến lúc các không gian đáng giá này cần được quy hoạch tốt hơn với một tầm nhìn mới. Trong đó đặc biệt ưu tiên bảo vệ và nâng cấp giá trị môi trường xanh của không gian ven sông và ven biển. Từ đó tạo sự hài hòa giữa lợi ích công cộng, lợi ích của người dân với lợi ích của các nhà đầu tư.

GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông (phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam):

Tòa nhà cao tầng tạo bức tường chắn gió từ biển

akha ngay 4-7 2(read-only)

Đà Nẵng dường như đang phát triển quá mạnh, quá "bạo", đang làm mất đi hoặc biến dạng hệ sinh thái nội và ngoại vùng. Hiện nay Đà Nẵng đang đứng trước hàng loạt thách thức về việc xây dựng nhà cao tầng ven biển. Cụ thể các dự án quy hoạch đô thị, du lịch đang án ngữ mặt tiền của biển, cản trở việc tiếp cận của cộng đồng dân cư với biển. Bởi các tòa nhà tạo thành những bức tường chắn gió, che khuất tầm nhìn nhiều khu dân cư phía trong đô thị.

KTS Lã Kim Ngân (viện phó Viện kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam):

Có hiện tượng chiếm giữ không gian ven biển

untitled-1 copy

Phát triển đô thị hướng biển đã, đang trở thành xu hướng rất rõ ở nhiều đô thị trong cả nước. Những tăng trưởng nóng bởi phát triển du lịch, bất động sản trong giai đoạn vừa qua đã cảnh báo những biến dạng và suy giảm giá trị cảnh quan tự nhiên độc đáo, tài nguyên ven biển như Hạ Long, Nha Trang...

Theo đó là những hiện tượng chiếm hữu không gian công cộng ven biển, xây dựng khu biệt, không gian cảnh quan ven biển bị lấn át, chia cắt bởi các dự án đầu tư xây dựng.

Chúng ta phải có giải pháp để tổ chức lại không gian, thiết kế kiến trúc, kiến trúc cao tầng và kiến trúc điểm nhấn cho các không gian đô thị ven biển. Từ đó hạn chế những tác động tiêu cực đối với cảnh quan, tạo lập đặc trưng đô thị biển, không chỉ ở Đà Nẵng mà nhiều khu đô thị tiếp cận biển khác.

 

Theo HỮU KHÁ/ Báo Tuổi trẻ

Tin liên quan