BV Land: Năm 2022, doanh thu tăng gấp 3 lần, lãi sau thuế tăng gấp 9 lần
Với doanh thu thuần lên tới 1.160 tỷ đồng, Công ty Cổ phần BV Land (UPCoM: BVL) báo lãi sau thuế năm 2022 đạt 157 tỷ đồng, là mức lãi lớn nhất kể từ năm 2019.
Theo báo cáo tài chính của BVL, quý IV/2022, doanh thu thuần tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 384 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng 2,5 lần, đạt 90 tỷ đồng.
Trong quý, doanh thu tài chính không có nhiều chú ý. Trong khi đó, các loại chi phí tăng khá mạnh: chi phí tài chính tăng gấp đôi lên 17,6 tỷ đồng, chi phí bán hàng cũng tăng 4 lần lên 28,3 tỷ đồng.
Dù vậy, lợi nhuận trước thuế của BVL vẫn tăng 49%, đạt 39 tỷ đồng.
Luỹ kế năm 2022, BVL ghi nhận doanh thu thuần tăng gấp ba lần, đạt 1.160 tỷ đồng, là mức doanh thu cao nhất kể từ năm 2019.
Nhờ doanh thu "khủng", lợi nhuận gộp tăng gấp 4 lần, đạt 233 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 13,3% của năm trước lên 20%.
Với thêm 11 tỷ đồng doanh thu tài chính và 61 tỷ đồng lợi nhuận khác, BVL dư sức "cân" đà tăng của các loại chi phí để kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế tăng tới 8 lần, đạt 184 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 9 lần đạt 157 tỷ đồng - lớn nhất từ năm 2019.
Kết quả kinh doanh ấn tượng năm 2022, theo BVL, là do công ty đã hợp nhất số liệu với hai đơn vị thành viên mới là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Lilâm và Công ty Cổ phần Areca Việt Nam.
Năm 2022, BVL đặt mục tiêu doanh thu là 1.918 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 162,3 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, BVL đã hoàn thành lần lượt 60,48% và 97% kế hoạch năm.
Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của BVL tăng 3,5 lần so với đầu năm, đạt 1.844,5 tỷ đồng. Cơ cấu tài sản có điểm nổi bật là hàng tồn kho tăng 14 lần, đạt 821 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 2,5 lần, đạt 640 tỷ đồng. Như vậy, hàng tồn kho và các khoản phải thu chiếm tới 79% tổng tài sản.
Nợ phải trả tại ngày kết thúc năm 2022 tăng 4 lần, đạt 905 tỷ đồng, chủ yếu do phát sinh vay nợ dài hạn 506 tỷ đồng (cùng kỳ không ghi nhận) từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TCMP Quân đội (MBBank).
Đáng chú ý, công ty có 131 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn, trong khi đầu năm chưa có khoản mục này.