Các bộ ngành vào cuộc kiểm soát tình trạng 'sốt đất ảo', thổi giá bất động sản
Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản tại các địa phương, tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất.
Kiểm soát việc tăng giá đất, ngăn chặn tình trạng sốt đất ảo
Theo công văn số 989/BXD-QLN của Bộ Xây dựng ban hành ngày 25/3/2021 về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản tại các địa phương, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian gần đây, một số địa phương đã và đang xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc ban hành bảng giá đất mới, việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn,... để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản.
Nhiều người dân bị lôi kéo tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản như quyền sử dụng đất, nhà ở chưa đảm bảo điều kiện pháp lý đưa vào kinh doanh, giao dịch,... Điều này gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để lợi dụng trục lợi.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các quy định páp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính,… Điều này nhằm minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Đồng thời, thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản. Có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng của địa phương có tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông,… gây bất ổn cho thị trường.
Xử lý nghiêm với các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý,… vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có).
Kiểm soát chặt chẽ các giao dịch ảo, thổi giá bất động sản
Cũng liên quan đến tình trạng sốt đất diễn ra tại nhiều địa phương hiện nay, ngày 30/3 Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành công văn số 1454/BTBMT-TCQLĐĐ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ngành có liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai.
Đảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư và kinh doanh bất động sản; kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản bảo đảm các quy định của pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản; quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất; xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, kinh doanh bất động sản… nhất là thông tin kịp thời về quy hoạch của địa phương để người dân hiểu và thực hiện, tránh bị lợi dụng, trục lợi.
Từ năm 2020 đến nay thị trường liên tục xuất hiện những cơn sốt đất tại nhiều địa phương từ xã Bình Ba (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội) gần đây là huyện Hớn Quản (Bình Phước)… Những cơn sốt đất diễn ra với tốc độ “chóng mặt” rồi nhanh chóng “chết yểu”, “vỡ bong bóng”.
Cơn sốt lan dần trên nhiều địa phương trên cả nước theo sóng đầu tư đi tỉnh, ra các vùng ven đô như Hoà Lạc, Ba Vì, Hoà Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang… và các huyện vùng ven các TP lớn như Hà Nội, TP HCM.
Cùng với các cơn sốt đất là những hệ lụy nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến nền kinh tế kinh tế, xã hội nói chung.
Vì vậy, khi sốt đất “nổ” ra và có dấu hiệu lan rộng, các chuyên gia, các đơn vị nghiên cứu đã kiến nghị chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai,.. đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luât.