Các cổ phiếu từng được lãnh đạo doanh nghiệp công khai hô hào, cái kết nào cho cổ phiếu họ Louis, Apec, FLC…?

Nhà đầu tư rất quan tâm đến phát ngôn của lãnh đạo doanh nghiệp về giá cổ phiếu và triển vọng trong tương lai.

Vụ việc ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Holdings bị Cơ quan điều tra khởi tố và bắt tạm giam do hành vi "thao túng thị trường chứng khoán" lại một lần nữa gợi lại câu chuyện gây tranh cãi khi lãnh đạo doanh nghiệp công khai bàn về cổ phiếu của doanh nghiệp mình.

Thực tế, nhà đầu tư rất quan tâm đến phát ngôn của lãnh đạo doanh nghiệp về giá cổ phiếu và triển vọng trong tương lai. Bởi, các lãnh đạo chính là người hiểu rõ tình hình doanh nghiệp, cũng là đối tượng có nhiều thông tin về ngành cũng như yếu tố tác động đến tình hình kinh doanh.

Lãnh đạo doanh nghiệp thông thường khá thận trọng khi nói về cổ phiếu chính công ty mình bởi mỗi phát ngôn sẽ liên quan đến vấn đề công bố thông tin, hoặc nghiêm trọng hơn nếu không đúng sự thật thì liên quan đến quy định về làm giá chứng khoán. Tuy nhiên, không ít lần thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến các lãnh đạo doanh nghiệp mạnh dạn “hô hào” cổ phiếu danh nghiệp mình.

Ông Đỗ Thành Nhân là một ví dụ điển hình, cá nhân này từng có phát ngôn gây sốc về loạt cổ phiếu "họ" Louis. Cụ thể vào sáng ngày 1/9/2021, ông Đỗ Thành Nhân đã đăng lên Facebook cá nhân các chia sẻ về triển vọng giá nhóm cổ phiếu này như "từ đây đến cuối năm BII không được 3X. Mọi người cứ chửi thoải mái", "Từ đây đến cuối năm: BII không được 3X. TGG không được 4X-5X, APG không được 2X, SMT không được 3X, DDV không được 3X, AGM xuống 3X. Mọi người cứ chửi thoải mái. Ghi lại làm bằng."

Các chia sẻ này sau đó đã được xóa đi, dù vậy, vẫn được các nhà đầu tư chụp lại và lan truyền trên các nhóm chat đầu tư chứng khoán. Cổ phiếu "họ" Louis vốn đang tăng nóng lại càng gây sốt hơn sau thông tin này. Liên tục tăng trần, các cổ phiếu như TGG, BII, SMT, APG, DDV, AGM,... đều đã tăng bằng lần lên những mức giá khó tin, thậm chí vượt xa dự đoán của ông Nhân chỉ sau khoảng 3 tuần.

Tuy nhiên, các cổ phiếu này bất ngờ quay đầu ngay tại đỉnh khi dính nghi án thao túng giá. Dù Louis Capital đã lên tiếng thanh minh nhưng cũng không thể khiến giá cổ phiếu ngừng rơi. Chỉ mất khoảng hơn 1 tháng để các cổ phiếu “họ” Louis trở về vạch xuất phát. Ông Đỗ Thành Nhân sau đó cũng tuyên bố từ bỏ chứng khoán. Hiện tại, các cổ phiếu “họ” Louis gần như đã xuống đến gốc cây thông trên đồ thị giá nhưng vẫn đang dò đáy với liên tiếp những phiên nằm sàn.

Nhóm cổ phiếu họ Apec từng làm náo loạn thị trường, với API của Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương; IDJ của Đầu tư IDJ Việt Nam và APS của Chứng khoán APEC giờ cũng miệt mài dò đáy dù lãnh đạo rất nhiệt tình hô hào.

APS đã tăng hàng chục lần từ một mức giá “trà đá” lần lên đỉnh lịch sử 59.900 đồng/cổ phiếu (phiên 18/11/2021). Ban lãnh đạo công ty đã gây sốc với màn hô hào cổ đông “quyết tâm gồng lãi” trong buổi họp Đại hội cổ đông trước đó khi ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Apec khẳng định: “Cổ phiếu API thời gian trước như lò xo bị nén đang chờ được bứt phá. Với những tiềm lực sẵn có, mức định giá 200.000 đồng/cổ phiếu cho mã API trong dài hạn không phải là đắt”. Một lãnh đạo khác còn tự tin khẳng định: “Hiện tại, chỉ số P/E của cổ phiếu APS là 6,9 lần, trong khi đó P/E trung bình ngành đang ở mức 18 lần. Như vậy, có thể thấy định giá cổ phiếu APS đang rẻ, có thể tăng trưởng 2-2,5 lần trong thời gian tới”.

Nhà đầu tư đánh đu theo những lời hô hào của lãnh đạo “họ” Apec tại đỉnh thậm chí phải chịu cảnh tài khoản “bốc hơi” 50-70% nếu còn “gồng” đến hiện tại khi cổ phiếu vẫn trong chuỗi ngày dò đáy.

Trong khí đó, ông Trịnh Văn Quyết lại hiếm khi chia sẻ về cổ phiếu doanh nghiệp mình trên mạng xã hội. Nhưng thay vào đó, cựu Chủ tịch FLC lại rất "chăm chỉ" hứa hẹn trong các kỳ Đại hội cổ đông và sự kiện ra mắt.

Trong quá khứ, ông Trịnh Văn Quyết từng có hơn một lần cam kết sẽ đưa FLC về mệnh giá, nếu không sẽ… xin phá sản. Lần gần đây nhất vào ngày 18/11/2019, tại buổi ra mắt giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu FHH của FLC Homes, ông Quyết liên tiếp tuyên bố gây sốc: "Tôi khẳng định sẽ không để cổ phiếu FLC dưới mệnh giá trong năm 2020. Giá cổ phiếu FLC sẽ gấp nhiều lần mức hiện tại. Không được 10 lần thì ít nhất phải gấp 5 lần, 7 lần, 8 lần". Hay như "Nếu FLC không về mệnh giá, cổ phiếu của FLC Homes và Bamboo Airways không trên "ba chữ số", tôi sẽ xin phá sản, thương hiệu FLC vứt đi!".

Thực tế, cổ phiếu FLC không kịp về lại mệnh giá trong năm 2020 và phải đến tháng gần hết tháng 3/2021 lời hứa của ông Trịnh Văn Quyết mới thành hiện thực. Nhưng không dừng lại ở đó, cổ phiếu này còn tiếp tục leo dốc và có thời điểm đã vượt 24.000 đồng/cổ phiếu trước khi vụ việc bán chui bị phanh phui ngày 10/1/2022. Hiện tại, Cổ phiếu FLC gần như đang "rơi tự do" và đánh mất thành quả tăng giá của gần 1 năm chỉ trong khoảng nửa tháng ngắn ngủi.

Ông Đặng Thành Tâm Chủ tịch Đô thị Kinh Bắc (KBC) và là một trong những người sáng lập Tân Tạo (ITA) lại có một lời hứa khác khi Ông xuất hiện với tư cách chủ tọa thay chị gái là bà Đặng Thị Hoàng Yến và khẳng định "chắc nịch" rằng cổ phiếu ITA sẽ về mệnh giá trong năm.

Thực tế phải đến tận những ngày đầu tháng 11/2021, ITA mới về mệnh giá như tuyên bố của ông Tâm. Không dừng lại, cổ phiếu này còn leo lên đỉnh gần 19.000 đồng/cổ phiếu trước khi quay đầu giảm mạnh. Dù chưa mất mát nhiều từ đỉnh như những cái tên kể trên nhưng ITA cũng bắt đầu có dấu hiệu "đi cầu trượt" với độ dốc ngày càng lớn.

Cổ phiếu TTF cũng từng được ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành cam kết sẽ sớm đưa về mệnh giá tại cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên 2021. Cổ phiếu này thực tế đã vượt mệnh giá sau đó 6 tháng và có thời điểm leo lên trên 17.000 đông/cổ phiếu vào cuối tháng 3 vừa qua.

Tuy nhiên, TTF đã quay xe chóng mặt ngay tại vùng đỉnh và liên tục lao dốc không phanh từ đầu tháng 4 đến nay. Nếu tiếp tục bị bán tháo, không loại trừ khả năng cổ phiếu này sẽ đánh mất hết thành quả tăng giá trong nhiều tháng trước đó trong tương lai gần.

Tương tự, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Đầu tư LDG từng chia sẻ tại kỳ họp Đại hội cổ đông thường niên 2021 rằng cổ phiếu LDG đang thấp so với giá trị công ty và thời gian dài chưa có sự tăng trưởng đồng thời có kế hoạch đưa cổ phiếu về mệnh giá trong nửa cuối năm. LDG sau đó không những về mệnh giá mà còn tăng bằng lần sau đó lên đỉnh hơn 27.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2022.

Tuy nhiên, LDG cũng không tránh được vết xe đổ của TTF khi quay ngoắt tại đỉnh và liên tiếp rơi mạnh khiến thị giá "bốc hơi" gần một nửa. Nếu không chấm dứt chuỗi lao dốc như hiện tại, khả năng cổ phiếu này chạm đến gốc "cây thông" trên đồ thị giá không phải là điều không thể xảy ra.

Có thể thấy, nhận định của lãnh đạo doanh nghiệp chỉ thể hiện kỳ vọng cùng dự đoán cá nhân về triển vọng tương lai của công ty chỉ mang tính thời điểm. Do vậy, các nhà đầu tư cần tỉnh táo, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư.

Trung Kiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống