Các công ty tài chính đã 'thoát đáy', đặt mục tiêu tăng trưởng hàng nghìn tỷ đồng

Các công ty tài chính đang được kỳ vọng sẽ bứt phá khi thị trường tài chính tiêu dùng sẽ khởi sắc trở lại trong năm 2024.

Kỳ vọng của các công ty tài chính

Sau thời gian dài gặp khó khăn, nhiều công ty tài chính đã bắt đầu mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng cao gấp nhiều lần so với năm 2023.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của VPBank, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết trong năm nay, VPBank đặt mục tiêu FE Credit có mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế 1.200 tỷ đồng. Đồng thời, theo dự kiến, lợi nhuận của công ty tài chính này sẽ quay lại mức 3.000 – 4.000 tỷ đồng từ năm 2025.

“Trong hai năm qua, thị trường tài chính tiêu dùng có xu hướng suy giảm. Một phần là do nhu cầu của thị trường bị ảnh hưởng do khó khăn của kinh tế vĩ mô, phần còn lại là do người dân còn nhầm lẫn, đánh đồng giữa công ty tài chính tiêu dùng với tín dụng đen. FE Credit là công ty có quy mô lớn nhất nên bị tác động nhiều nhất”, Tổng giám đốc VPBank cho hay.

Các công ty tài chính đã 'thoát đáy', đặt mục tiêu tăng trưởng hàng nghìn tỷ đồng - Ảnh 1

Năm 2023, mặc dù là “điểm tối” trong kết quả tổng quan của cả ngân hàng nhưng FE Credit vẫn tiếp tục là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu thị trường với quy mô dư nợ khoảng 50.000 tỷ đồng.

Sau khi thực hiện tái cơ cấu, FE Credit đã có được danh mục khách hàng mới trong năm 2023. Đồng thời, công ty tài chính này cũng đã đưa tỷ lệ nợ xấu từ trên 20% xuống còn dưới 20%. Trong quý IV/2023, FE Credit cũng đã tăng trưởng giải ngân lên hơn 20% và tiếp tục tăng thêm 20% trong quý I/2024.

“Những yếu tố tích cực từ quý IV/2023 của FE Credit đã cho thấy nhiều cơ hội để cải thiện trong năm 2024”, ông Nguyễn Đức Vinh cho hay.

Không riêng VPBank, MB cũng kỳ vọng công ty tài chính MCredit sẽ phục hồi mạnh từ mức nền thấp trong năm 2023. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, MB dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2024 của MCredit sẽ cao hơn gấp đôi so với năm 2023 (khoảng 300 tỷ đồng).

Trước đó, ĐHĐCĐ của công ty tài chính EVNFinance cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với tổng tài sản là 54.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 585 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 43% so với thực hiện 2023.

Trong năm 2023, EVNFinance ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đại 409,3 tỷ đồng và là một trong số ít công ty tài chính đạt lợi nhuận tích cực trong bối cảnh thị trường tín dụng tiêu dùng gặp khó khăn.

Cơ hội của các công ty tài chính

Trong báo cáo “Nâng cao sức khoẻ tài chính người Việt Nam”, ông Thue Quist Thomasen, CEO của Decision Lab, nhận định “phần lớn người tiêu dùng Việt Nam có thu nhập thấp hoặc thiếu giấy tờ cần thiết, hay không có đủ điều kiện, tài sản thế chấp hiện chưa được phục vụ trong lĩnh vực tài chính”. Các công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trong việc cung cấp sản phẩm tài chính sáng tạo, với quy trình đơn giản cho người dân, ông Thue Quist Thomasen nói.

Nhận định về triển vọng của thị trường tài chính tiêu dùng, PGS – TS Đinh Trọng Thịnh cho biết thị trường tài chính tiêu dùng năm 2024 sẽ cải thiện hơn so với năm trước do kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm nay tốt hơn và cơ chế để quản lý và thu hồi nợ của các công ty tài chính cũng chặt chẽ hơn.

Đồng thời, thị trường sẽ thay đổi tích cực khi có thêm nhiều chính sách liên quan. “Trong số đó, việc xác định số hóa các hoạt động vay nợ, trả nợ, kho dữ liệu về lịch sử vay nợ, tích hợp định danh điện tử sẽ hỗ trợ chấm điểm tín dụng đối với khách hàng cá nhân, giúp thị trường phát triển tốt hơn trong năm nay”, ông nói.

Các công ty tài chính đã 'thoát đáy', đặt mục tiêu tăng trưởng hàng nghìn tỷ đồng - Ảnh 2

Nhóm các công ty tài chính cũng đã vạch ra nhiều kế hoạch để bứt phá trong năm 2024. Cụ thể, FE Credit sẽ xây dựng hệ thống nền tảng tại Việt Nam và dần tiến tới tiêu chuẩn thế giới, đồng thời xem xét lại môi trường kinh doanh.

Hay Mcredit chọn tích cực tái cơ cấu hoạt động thu hồi nợ xấu (chuyển sang dịch vụ nội bộ) và thay đổi chiến lược cho vay thông qua việc ưu tiên tiếp cận tệp khách hàng của tập đoàn trên các nền tảng số thay vì trực tiếp tìm kiếm khách hàng mới.

Liên quan đến các giải pháp giúp công ty tài chính phát triển bền vững, các chuyên gia của Decision Lab cho rằng “minh bạch, tiền lãi và phí hợp lý, và uy tín là những yếu tố hàng đầu mà người Việt tìm kiếm ở một tổ chức tài chính”. Chính vì thế, trong thời kỳ khi mà tính minh bạch và độ uy tín được đặt lên hàng đầu, các tổ chức tài chính nên có những chiến lược phù hợp để cạnh tranh tốt hơn.

Đồng thời, các công ty tài chính có thể tăng sức cạnh tranh bằng việc đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian duyệt vay và áp dụng các công nghệ chuyển đổi số, các chuyên gia của Decision Lab nhận định.

Khánh Tú

Theo VietnamFinance