Các địa phương rà soát, kiểm tra dự án điện mặt trời
Trước đó, Bộ Công thương đề nghị các tỉnh tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện phát triển điện mặt trời.
UBND tỉnh Sơn La vừa quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện các hệ thống điện mặt trời áp mái trang trại.
Đối tượng thanh tra bao gồm: UBND các huyện, thành phố; Công ty Điện lực Sơn La; các chủ đầu tư thực hiện hệ thống điện mặt trời áp mái trang trại và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến nội dung thanh tra.
Thời kỳ thanh tra từ khi triển khai thực hiện các hệ thống điện mặt trời đến thời điểm thanh tra. Thời hạn cuộc thanh tra là 45 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Đoàn thanh tra, do ông Lê Hồng Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La làm Trưởng đoàn, có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thanh tra; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện các nội dung thanh tra theo kế hoạch; chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc thanh tra đáp ứng nhiệm vụ, nội dung, yêu cầu cuộc thanh tra đề ra.
Trước đó, nhiều địa phương cũng đã tiến hành kiểm tra các dự án điện mặt trời trên địa bàn và phát hiện nhiều sai phạm.
Đơn cử, tại Gia Lai, báo cáo kết quả kiểm tra hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Gia Lai cho thấy: Qua kiểm tra 441/3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại các công trình điện mặt trời mái nhà.
Trong đó, kết quả kiểm tra hệ thống điện mặt trời mái nhà, công trình đường dây và trạm biến áp đấu nối hệ thống điện mặt trời cho thấy, hồ sơ quản lý chất lượng của toàn bộ các hệ thống điện mặt trời mái nhà chưa đảm bảo theo quy định Luật Xây dựng. Đoàn kiểm tra xác định, một số công trình thiếu hồ sơ, thủ tục xây dựng chưa đảm bảo theo quy định, chưa đảm bảo thiết bị phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn được Công ty Điện lực Gia Lai nghiệm thu, đóng điện...
Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, tổng công suất nguồn điện mặt trời trong năm 2020 đạt 850 MW, đến năm 2025 tăng lên 4.000 MW và khoảng 12.000 MW năm 2030.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, từ khi có Quyết định 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, điện mặt trời phát triển bùng nổ. Tính đến 31/12/2020, cả nước có 83 nghìn công trình điện mặt trời mái nhà được đấu nối vào hệ thống điện, với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 4.700 MW.
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam (EVN), tính đến thời điểm đầu tháng 5/2021, tổng công suất điện mặt trời đã lên tới 19.900 MW (trong đó, 10.317 MW điện mặt trời trang trại, 9.583 MW điện mặt trời áp mái), tăng tới hơn 20 lần so với Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.
Việc công suất điện mặt trời vận hành trong thực tế gấp nhiều lần so với quy hoạch, trong khi lưới điện không kịp đầu tư đã dẫn tới hậu quả là hàng trăm triệu kWh điện mặt trời bắt buộc phải cắt giảm để đảm bảo an toàn cho hệ thống lưới điện truyền tải.
Vào tháng 2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời. Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Công thương đã thành lập đoàn kiểm tra, có văn bản gửi UBND các tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát báo cáo các nội dung có liên quan, đồng thời cử đầu mối phối hợp với đoàn kiểm tra để đến các tỉnh thành phố có nhiều dự án điện mặt trời đã được đầu tư phát triển trong thời gian qua.
Đoàn kiểm tra của Bộ Công thương đã tiến hành kiểm tra trước 10 tỉnh, thành phố có công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà lớn trong năm 2019-2020.
Qua công tác kiểm tra hồ sơ và thực địa một số dự án phát triển điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời trên mái nhà tại một số tỉnh, thành phố, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số tồn tại trong quá trình triển khai dự án trên địa bàn các địa phương.
Tiếp đó, ngày 7/6, Bộ Công thương có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - đề nghị các tỉnh tổ chức triển khai kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) của các cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện phát triển điện mặt trời.
Đồng thời, trên cơ sở kết quả kiểm tra của Bộ Công thương, địa phương, EVN, Bộ Công thương sẽ tập hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sử dụng kết quả kiểm tra làm cơ sở để tham mưu trong quá trình xây dựng chính sách và lập quy hoạch trong thời gian tới, đảm bảo phát triển đồng bộ với hạ tầng lưới truyền tải và nhu cầu sử dụng điện của đất nước.