BB Group tiếp tục 'thâu tóm 'một dự án điện mặt trời

Các dự án điện mặt trời bùng nổ trong khi nhu cầu dùng điện xuống thấp, khiến Bộ Công thương ngay trước Tết Nguyên đán 2021 đã phải phát đi văn bản hoả tốc trong vận hành và bảo đảm an toàn hệ thống điện. 'Ông trùm' điện mặt trời BB Group mới đây cũng đã 'tậu' thêm một dự án điện mặt trời về tay mình.

BB Group thâu tóm một dự án điện mặt trời

Theo thông tin vừa được Công ty TNHH Năng lượng Phan Lâm công bố, doanh nghiệp này từ tháng 11/2020 đến tháng 2/2021 đã huy động thành công 592,6 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, có đảm bảo và không kèm chứng quyền, lãi suất 10,5%/năm. Mục đích phát hành trái phiếu nhằm thanh toán chi phí xây dựng và thiết bị để thực hiện Nhà máy Điện mặt trời Phan Lâm 2.

Dự án Điện mặt trời Phan Lâm 2 có công suất 49 MWp, vốn đầu tư 1.202 tỷ đồng, được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận tháng 7/2018, địa điểm xây dựng tại xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình.

BB Group tiếp tục 'thâu tóm 'một dự án điện mặt trời - Ảnh 1
Dự án Điện mặt trời Phan Lâm.  
Dự án Điện mặt trời Phan Lâm.  
Năng lượng Phan Lâm ban đầu là công ty con của CTCP Năng lượng xanh Nam Việt (Nam Việt Energy) với tỷ lệ chi phối 90%. Tuy nhiên vào thời điểm phát hành trái phiếu, pháp nhân này đã có sự thay máu cổ đông đáng chú ý.

Cụ thể, vào cuối tháng 2/2021, Nam Việt Energy cùng hai cá nhân liên quan đã chuyển hết cổ phần trong Năng lượng Phan Lâm cho CTCP BB Power Holdings (BB Holdings) cùng hai nhà đầu tư có nhiều liên hệ là ông Nguyễn Tiến Lực và ông Nguyễn Quang Thịnh.

BB Power Holdings thực tế là một trong những mắt xích quan trọng thuộc hệ sinh thái BB Group của doanh nhân Vũ Quang Bảo (sinh năm 1970). Ông Bảo là em trai của ông Vũ Quang Hội – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Tập đoàn Bitexco).

Tại Bitexco, vị doanh nhân 7x hiện cũng là Tổng giám đốc. Ông Vũ Quang Bảo còn là một trong những người thành lập CTCP BB Group vào năm 2017 với tỷ lệ sở hữu của ông Bảo là 65%. Phần còn lại được nắm giữ bởi ông Nguyễn Tự Huy và bà Vũ Thị Thu Hằng với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 20% và 15% vốn.

Thời gian gần đây, doanh nghiệp của ông Vũ Quang Bảo ‘mạnh tay’ thâu tóm loạt dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Cụ thể, tháng 10/2020, BB Power Holdings hoàn tất mua lại cổ phần chi phối tại CTCP Đầu tư và Phát triển Phong điện Gia Laiqua đó bắt tay với Hưng Hải Group để thực hiện dự án nhà máy điện gió Hưng Hải (Gia Lai).

BB Power Holdings cũng mua lại cổ phần tại hai dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời tại Mỹ Sơn 1 và Mỹ Sơn 2 (Ninh Thuận) của Hoàng Sơn Group.

Ngoài ra, một thành viên khác của BB Group là Công ty TNHH MTV Sunrise Power Đăk PSI đã hoàn tất thương vụ mua lại cổ phần chi phối tại CTCP Năng lượng Thiên Niên Kỷ (Thiên Niên Kỷ) – chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 5.2 (Bình Thuận) quy mô 48MW. Sau khi về tay BB Group, Thiên niên kỷ đã phát hành thành công lô trái phiếu 250 tỷ đồng kỳ hạn 6 năm.

BB Group cũng đã tiếp tục M&A thành công dự án CTCP Năng lượng Gio Thành – chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1 với quy mô 50MW.

BB Group còn hiện diện tại CTCP Seco khi sở hữu 3,43% vốn điều lệ công ty (tính tới tháng 1/2021). Seco là chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện mặt trời Gio Thành 2 (xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Dự án có quy mô 60 ha, thời gian hoạt động là 50 năm. Công suất thiết kế 50MWp với tổng mức đầu tư gần 1.110 tỷ đồng.

BB Group tiếp tục 'thâu tóm 'một dự án điện mặt trời - Ảnh 2

Điện mặt trời bùng nổ trong khi nhu cầu dùng điện xuống thấp

Theo số liệu mới nhất, tính đến hết ngày 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đã đạt khoảng 16.500 MW - chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia. Trong đó, có khoảng 8.000 MW là điện mặt trời mái nhà và hơn 8.400 MW điện mặt trời trang trại lớn.

Trong khi đó, trên thực tế, tổng công suất phụ tải tiêu thụ điện toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa các ngày trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu đã tiếp tục xuống rất thấp. Số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết chỉ còn ở mức khoảng 12.500 - 13.500 MW.

Tại báo cáo tổng kết hội nghị tổng kết của EVN diễn ra hồi giữa tháng 1 vừa qua đã nhắc đến chữ 'thừa nguồn'. “Tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng “thừa nguồn” trong các thời điểm buổi trưa và các ngày lễ, cuối tuần”, EVN nêu rõ.

Việc phát triển rất nhanh các dự án điện mặt trời trong khi nhu cầu dùng điện xuống thấp, khiến Bộ Công thương ngay trước Tết Nguyên đán 2021 đã phải phát đi văn bản hoả tốc trong vận hành và bảo đảm an toàn hệ thống điện.

Theo đó, căn bản được phát đi trong bối cảnh hệ thống điện đứng trước tình huống nguy cơ dư thừa công suất phát lên hệ thống so với phụ tải tiêu thụ. Đây được đánh giá là tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh của hệ thống điện vì có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao, thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn hệ thống điện quốc gia.

Điện mặt trời đã chiếm 25% công suất đặt của toàn hệ thống điện.    
Điện mặt trời đã chiếm 25% công suất đặt của toàn hệ thống điện.    
Chuyên gia điện mặt trời, ông Hà Đăng Sơn, Phó giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam, chia sẻ, hồi tháng 8.2020, khi tham quan một nhà máy điện mặt trời ở miền Nam, ông đã chứng kiến chỉ trong 2 giờ đồng hồ, do trời đang nắng chuyển sang mưa nên tổng công suất phát điện của nhà máy đó bị tụt tận 90%.

Ông Sơn đặt giả thiết: Nếu cơ cấu điện mặt trời từ 10% tăng lên 30% trong vài năm nữa, thì điều gì sẽ xảy ra khi trời chuyển mưa trong… 2 ngày? “Khi ấy, toàn bộ hệ thống điện sẽ trở nên nguy hiểm, nếu không có các nguồn điện truyền thống dự phòng, thay thế ngay lập tức”, ông Sơn nói.

Đáng chú ý, cơ cấu tỷ lệ nguồn phát đã thay đổi rất nhiều. Cụ thể, tổng sản lượng điện phát của các nguồn điện năng lượng tái tạo năm 2021 dự kiến đạt khoảng 23,4 tỉ kWh, chiếm tỷ trọng 8,9% tổng sản lượng điện phát và nhập khẩu của toàn hệ thống.

Trong khi đó, số liệu năm 2020 cho thấy, toàn bộ sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên toàn quốc trong cả năm qua là 10,6 tỉ kWh, chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia. Nghĩa là, năm nay, lượng điện phát của năng lượng tái tạo cũng như tỷ trọng trong cơ cấu nguồn sẽ tăng gấp hơn 2 lần so với năm trước.

Như vậy, việc tăng trưởng phụ tải điện chậm lại, trong bối cảnh điện mặt trời bùng nổ, sẽ dẫn đến tình trạng cắt giảm một số nguồn phát hoặc đưa nhiều tổ máy vốn hoạt động với hiệu suất cao về chờ ở dạng… dự phòng.

Lưu ý, giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với nguồn điện truyền thống (nhiệt điện, thủy điện lớn,... ). Chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã phải phát văn bản kêu cứu lên các cơ quan quản lý, thậm chí lên tận Thủ tướng Chính phủ vì tình trạng thừa điện, tức điện phát ra không bán được.

Chẳng hạn tại dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam có công suất 450 MW của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã được yêu cầu giảm phát hơn 360 MW (khoảng 80% công suất thiết kế). Theo doanh nghiệp này, đây không phải là lần đầu, bởi từ ngày vận hành thương mại chính thức tới nay, dự án này thường xuyên bị cắt giảm công suất phát.

Quay trở lại với câu chuyện thâu tóm loạt dự án điện mặt trời của BB Group giữa lúc các dự án điện mặt trời phát triển rất nhanh trong khi nhu cầu dùng điện xuống thấp. Điều này khiến nhiều người lo ngại rằng doanh nghiệp này sẽ còn gặp nhiều thách thức lớn.

Hoàng Long (T/h)

Theo Sở hữu trí tuệ