Cầm tiền đi đầu tư chứng khoán, loạt doanh nghiệp ‘tay ngang’ ôm trái đắng

9 tháng đầu năm 2022, thị trường chứng khoán biến động, ẩn chứa rủi ro khiến hoạt động đầu tư chứng khoán của nhiều doanh nghiệp \'tay ngang\' bị thua lỗ, thậm chí mất vốn.

 

Cầm tiền đi đầu tư chứng khoán, loạt doanh nghiệp ‘tay ngang’ ôm trái đắng - Ảnh 1

9 tháng đầu năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm. Chỉ số VN-Index liên tiếp lập đỉnh lịch sử hồi đầu năm, nhưng sau đó giảm sâu cùng với thanh khoản ở mức rất thấp, ẩn chứa rủi ro khiến việc kiếm lời từ kênh đầu tư chứng khoán rất khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp ‘tay ngang’. Do đó, kết thúc 9 tháng qua, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục thua lỗ lớn hoặc thậm chí mất vốn.

Đầu tiên phải kể tới CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (HNX: NDN) bị lỗ hơn 46 tỷ đồng vì đầu tư chứng khoán.

Cụ thể, doanh nghiệp lỗ lần 29 tỷ đồng trong quý 3/2022, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 81 tỷ đồng. Quý trước, NDN lỗ ròng hơn 100 tỷ đồng. Nhà Đà Nẵng cho biết, lợi nhuận quý 3/2022 giảm là do thị trường chứng khoán có nhiều biến động tiêu cực nên hoạt động đầu tư tài chính không hiệu quả.

Từ đầu năm đến nay, hoạt động kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp không ghi nhận doanh thu, trong khi cùng kỳ đạt hơn 436 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư chứng khoán ghi nhận khoản lỗ hơn 46 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 95 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9, danh mục chứng khoán kinh doanh của Nhà Đà Nẵng gồm 9 mã với tổng giá trị đầu tư gốc hơn 398 tỷ đồng, tăng 28% so với cuối quý 2 nhưng giảm 18% so với giá trị hồi đầu năm.

Cầm tiền đi đầu tư chứng khoán, loạt doanh nghiệp ‘tay ngang’ ôm trái đắng - Ảnh 2
Danh mục đầu tư chứng khoán tính đến 30/9/2022. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2022 NDN).

Trong quý 3/2022, Nhà Đà Nẵng đã bán hết cổ phiếu tại CTCP Sữa Việt Nam (Mã: VNM) đồng thời mua thêm mã HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát).

Cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Nhà Đà Nẵng là CTCP Vinhomes (Mã: VHM) hơn 185 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHB) với giá trị gốc tại ngày 31/3 gần 128 tỷ đồng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Mã: TCB) gần 44 tỷ đồng. Dự phòng chứng khoán kinh doanh cũng tăng mạnh từ hơn 23 tỷ ở đầu năm lên hơn 123 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sàn giao dịch bất động sản NDN đang đầu tư hai mã GEG (CTCP Điện Gia Lai) và VOS (CTCP Vận tải biển Việt Nam) với tổng giá trị gốc tại thời điểm cuối quý III là 771 triệu đồng.

Cầm tiền đi đầu tư chứng khoán, loạt doanh nghiệp ‘tay ngang’ ôm trái đắng - Ảnh 3
CTCP Licogi 14 cũng phải trích lập dự phòng nhiều tỷ đồng vì đầu tư chứng khoán

CTCP Licogi 14 (Mã: L14) cũng ngậm ngùi ngậm trái đắng từ đầu tư chứng khoán.

Cụ thể, tính đến cuối quý 3/2022, L14 ghi nhận 105 tỷ đồng nằm ở chứng khoán kinh doanh, tương đương thời điểm cuối quý 2/2022 và đã phải trích lập dự phòng giảm giá gần 69 tỷ đồng, tương ứng mức lỗ hơn 65% tổng danh mục. Tại thời điểm cuối quý 2, doanh nghiệp nắm giữ hai cổ phiếu CEO và DIG với giá gốc lần lượt là 86 tỷ và gần 19 tỷ đồng.

Tương tự, ‘vua cá tra’ Vĩnh Hoàn (mã VHC) cũng lỗ sâu trong hoạt động đầu tư chứng khoán dù vẫn báo lãi ở hoạt động kinh doanh thủy sản.

Cầm tiền đi đầu tư chứng khoán, loạt doanh nghiệp ‘tay ngang’ ôm trái đắng - Ảnh 4
Danh mục đầu tư cổ phiếu của Vĩnh Hoàn tính đến 30/9/2022. (Nguồn: Thuyết minh BCTC quý 3/2022 của VHC).

Cụ thể, tính đến cuối quý 3/2022 Vĩnh Hoàn sở hữu tổng cộng 2.237 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn. Trong đó, danh mục cổ phiếu gồm các mã chính như NLG của CTCP Đầu tư Nam Long, DXS của Đất Xanh Services, và KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc. ‘Vua cá tra’ đang ghi nhận khoản dự phòng giảm giá chứng khoán gần 79 tỷ đồng, tương ứng với mức lỗ 41% dựa trên giá gốc 191 tỷ đồng. Cụ thể hơn, VHC đang lỗ trên giấy 44% với NLG, 46% với DXS và 24% ở KBC. Các khoản đầu tư khác cũng lỗ 42%.

Trên thực tế, việc một doanh nghiệp sản xuất như Vĩnh Hoàn đi đầu tư chứng khoán cũng làm dấy lên sự nghi ngại từ các nhà đầu tư vì điều này cho thấy ban lãnh đạo đang xao nhãng khỏi hoạt động cốt lõi.

Một doanh nghiệp ngoại khác cũng đang ‘bỏng tay’ vì đầu tư chứng khoán, đó là CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã: TLH).

Theo đó, tính đến cuối quý 3/2022, doanh nghiệp này nắm trong tay danh mục cổ phiếu có giá gốc hơn 138 tỷ đồng, nhưng hiện đang dự phòng giảm giá gần 61 tỷ đồng, tương đương mức giảm 44%. So với quý 2/2022, mức dự phòng giảm giá thấp hơn gần 5 tỷ đồng, nhưng không phải do cổ phiếu tăng giá mà do TLH đã cắt lỗ bớt ở các cổ phiếu khác (giá gốc giảm 20 tỷ đồng về mức 75 tỷ đồng).

Cuối tháng 9, Thép Tiến Lên đang lỗ trên giấy 57% cổ phiếu VIX, 47% cổ phiếu SHB và cổ phiếu IJC, trong khi các cổ phiếu khác giảm 39%.

Doanh nghiệp xây dựng như Coteccons (mã: CTD) cũng mang tiền đi đầu tư chứng khoán. Kết quả, tính đến cuối quý 3/2022 ,Công ty đã chi gần 40 tỷ đồng mua chứng chỉ quỹ ETF KIM GROWTH VN30. Đồng thời, chi hơn 30 tỷ đồng mua cổ phiếu TCB; mua cổ phiếu FPT (gần 28 tỷ đồng) và mua cổ phiếu của các công ty khác (hơn 157 tỷ đồng).

Ngoại trừ khoản đầu tư vào FPT tăng nhẹ vào thời điểm cuối quý 3 thì CTD đang phải trích lập dự phòng cho tất cả các khoản đầu tư chứng khoán với tổng gần 37 tỷ đồng.

Cầm tiền đi đầu tư chứng khoán, loạt doanh nghiệp ‘tay ngang’ ôm trái đắng - Ảnh 5
Danh mục đầu tư cổ phiếu của CTD thời điểm 30/09/2022 (Nguồn: BCTC quý 3/2022 của CTD)

Tương tự, danh mục đầu tư chứng khoán tại thời điểm cuối quý 3/2022 của CTCP SAM HOLDINGS (HOSE: SAM) đạt hơn 311 tỷ đồng, trích lập dự phòng hơn 55,5 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ gần 18% tổng danh mục.

Trong đó, danh mục đầu tư chủ yếu hơn 91 tỷ đồng cổ phiếu HPG. Các cổ phiếu khác cũng có giá trị không ít: Cổ phiếu SJS (hơn 62 tỷ đồng); cổ phiếu DNP (hơn 56,4 tỷ đồng); cổ phiếu SSI (20,7 tỷ đồng); cổ phiếu TCB (20,5 tỷ đồng)…

Cầm tiền đi đầu tư chứng khoán, loạt doanh nghiệp ‘tay ngang’ ôm trái đắng - Ảnh 6
Danh mục đầu tư cổ phiếu của SAM thời điểm 30/09/2022 (nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2022)

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ