'Cán bộ có ô tô nên trả lại nhà ở xã hội, dành suất cho người khó khăn'
Theo Chủ tịch UBND TPP. Đà Nẵng, những cán bộ có ô tô nên gương mẫu trả lại căn hộ nhà ở xã hội cho nhà nước và để dành suất này cho những người khó khăn.
Cán bộ đi ô tô, ở nhà ở xã hội
Ngày 12/12, tại Kỳ họp thứ 21 HĐND TP. Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho hay, trên địa bàn thành phố có nhiều chung cư xây dựng hơn 10 năm về trước, được bố trí cho những người khó khăn thuê. Trong đó, nhiều người không có phương tiện đi lại, thậm chí không có cả xe đạp.
Những dự án chung cư trên là không có chỗ đỗ ô tô vì đối tượng được thuê là người khó khăn. Tuy nhiên, hiện nhiều trường hợp trong số đó đã có điều kiện kinh tế hơn, mua được xe máy và thậm chí có người mua ô tô.
Theo Chủ tịch Đà Nẵng cho hay, bây giờ xã hội phát triển là điều đáng mừng. Tuy nhiên, phải xem xét những cán bộ, người có điều kiện thì phải trả lại căn hộ chung cư cho nhà nước.
“Trước hết cán bộ phải gương mẫu, trả lại căn hộ chung cư để dành suất này cho những người không có điều kiện”, ông Chinh nói.
Chủ tịch Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng cho hay, mỗi năm, thành phố dành nguồn kinh phí để tu sửa các khu chung cư. Vì thế, người thuê chung cư nhà ở xã hội phải có trách nhiệm đối với tài sản nhà nước. Vừa sử dụng, quản lý nhưng thường xuyên sửa chữa, bảo quản để tài sản công duy trì tuổi thọ cao hơn.
Thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội mất tới 3 năm
Tại kỳ họp, đại biểu Lê Văn Dũng cũng cho hay, hiện nay, nhu cầu nhà ở của các đối tượng khó khăn trên địa bàn thành phố còn rất nhiều. Tuy nhiên, kết quả thực hiện đầu tư các dự án nhà ở xã hội đến nay còn thấp.
Theo đại biểu Lê Văn Dũng, thành phố cần ban hành kế hoạch triển khai xây dựng nhà ở xã hội từng năm để theo dõi, đôn đốc, đề ra các nhiệm vụ ưu tiên theo từng năm. Đồng thời, rà soát lại các khu đô thị mới, các dự án nhà ở thương mại chưa dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội 20% theo quy định, từ đó, xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở.
“Đề nghị thành phố nghiên cứu tinh giản thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, chủ động làm việc để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư; nghiên cứu đề xuất cơ chế nguồn lực để nhà đầu tư đẩy nhanh xây dựng nhà ở xã hội”, đại biểu Lê Văn Dũng đề xuất.
Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng thừa nhận các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố hiện nay có tỷ lệ triển khai còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng do nhiều lý do khách quan, chủ quan.
“Ví dụ như có những dự án nhà ở xã hội, thời gian thực hiện thủ tục kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư phải mất tới 3 năm”, ông Phùng Phú Phong dẫn chứng.
Bên cạnh đó là khó khăn về năng lực và tiếp cận nguồn vốn. TP.Đà Nẵng có 4 dự án nhà ở xã hội xin tiếp cận nguồn vốn 120.000 tỷ đồng của Chính phủ, nhưng chỉ có 1 dự án được thông qua.
Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng nhận định, thời gian để có thủ tục đầu tư tới 3 năm là quá dài, trong khi đặt ra chủ đề năm là “cắt giảm thủ tục hành chính”. Đây không chỉ là trách nhiệm của mỗi Sở Xây dựng mà còn là trách nhiệm của nhiều Sở, ngành: như Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài nguyên - Môi trường.