Cảng loại III duy nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long sắp 'nhảy vọt' lên cảng biển đặc biệt
Tổng mức đầu tư cho dự án cảng loại III lên cảng đặc biệt có thể lên đến 186.345 tỷ đồng.
Hiện tại, hệ thống cảng biển tại Việt Nam gồm 2 cảng đặc biệt là cảng Hải Phòng và cảng Bà Rịa - Vũng Tàu. Cùng với đó là 15 cảng đặc biệt loại I gồm: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An và Trà Vinh. Trong có cảng biển Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh được quy hoạch tiềm năng thành cảng đặc biệt.
Các cảng biển loại II hiện nay tại nước ta bao gồm 6 cảng: Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hậu Giang, Đồng Tháp. Cùng với đó là 13 cảng biển loại III gồm các cảng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Phú Yên, Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Đáng chú ý, trong số các cảng biển loại III có riêng cảng biển Sóc Trăng được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.
Tháng 5/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chủ trương lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề với phương thức đầu tư công, hoặc theo phương thức đối tác công tư (PPP) phù hợp nhu cầu, năng lực của nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước đề xuất dự án. Giữa tháng 6/2023, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ủng hộ đề xuất nói trên.
Tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 886 phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định nêu, một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn lên đến 50.000 tỷ đồng.
Về quy mô, cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT(6.000 đến 8.000 Teus), tàu hàng rời 160.000DWT. Phương án sử dụng đất tại khu vực dự án cảng biển Trần Đề, theo đơn vị tư vấn, sẽ có gần 2.500 ha đất lấn trên biển (62,05%); hơn 460 ha đất rừng phòng hộ (11,56%); hơn 440ha đất sông ngòi, kênh rạch (11,02%)...
Tổng mức đầu tư sơ bộ đến giai đoạn hoàn thành cảng Trần Đề là gần 154.000 tỷ đồng với phương án cát được khai thác tại mỏ. Với phương án giá cát mua theo thị trường, tổng mức đầu tư của cảng có thể lên đến 186.345 tỷ đồng.